Hội và các chi hội người Việt Nam tại Pháp tổ chức những bữa cơm đoàn kết ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/điôxin tại Pa-ri, Boócđô và một số thành phố khác, tổ chức DEFI - Việt Nam tổ chức buổi biểu diễn đàn pianô của nạn nhân chất độc da cam/điôxin Nguyễn Thanh Tùng tại thành phố Cao.
Báo chí Pháp cũng đồng loạt thể hiện sự ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/điôxin của Việt Nam, trong đó điển hình là Tạp chí Thế giới 2, phụ trương của nhật báo Thế giới (Pháp), số ngày 8-14/10. Trong số này, Thế giới 2 đã dành cả một chuyên mục 11 trang viết về chủ đề điôxin và tác hại của chất độc này, trong đó có đăng lại bài phóng sự của nhà báo nổi tiếng Giăng Clốt Pômônti: "Sống sót trong chất độc da cam" trên tờ Thế giới ngày 27/4/2005, viết về những trẻ em vô tội - nạn nhân chất độc da cam/ điôxin ông đã gặp trực tiếp ở Việt Nam.
Báo cũng dẫn lời nhà hoá học Ăngđrê Picô, Giám đốc danh dự về nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, một trong hai chuyên gia của Pháp bên cạnh Liên minh châu Âu (EU) chuyên xác định các chuẩn mực đối với các sản phẩm hóa học ở nơi làm việc, nêu rõ điôxin là những chất độc hại, có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ con người.
Ông Picô cũng dẫn chứng trường hợp ở trẻ em ở Xêvêxô (Italia) năm 1976 với những thương tổn về da sau vụ nổ lò phản ứng của một nhà máy hóa chất hoặc gây ảnh hưởng dai dẳng đến hàng chục năm (như gây bệnh ung thư), rồi sự cố lớn đầu tiên năm 1949 ở chính nhà máy Mônxantô của Mỹ, một trong 37 nhà máy sản xuất chất độc điôxin sử dụng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam và đang bị nạn nhân chất độc da cam/điôxin của Việt Nam kiện, với 228 trường hợp bị nhiễm độc điôxin.
Báo cũng dẫn kết quả nghiên cứu của Viện y tế và nghiên cứu y học của Pháp (Inserm) khẳng định điôxin không chỉ gây bệnh ung thư mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều hệ thống sinh lý, trong đó có hệ thống sinh sản, các bệnh về da, tim mạch.
Ông Luyxiêng Abenhem, Tổng giám đốc phụ trách về vấn đề y tế đồng thời là nhà nghiên cứu về dịch tễ học cho rằng cần tiếp tục các công trình nghiên cứu liên quan đến điôxin để có thể phát hiện hết các tác hại của chất độc này ở những liều lượng khác nhau. Ông Abenhem cũng là người đã nghiên cứu về tác hại của chất độc da cam/điôxin đối với nhân dân Việt Nam từ 15 năm nay./.