Hội nghị Bộ trưởng Y tế về cúm gia cầm tại Ca-na-đa
Hội nghị tập trung thảo luận các biện pháp thúc đẩy sự phối hợp toàn cầu trước nguy cơ cao bùng phát của dịch cúm gia cầm trên toàn thế giới, trong đó có việc giúp các nước kém phát triển và các nước đang phát triển có thể đối phó với dịch cúm gia cầm nếu dịch bệnh này xuất hiện ở các nước đó.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế của 29 nước có nguy cơ bùng phát cúm gia cầm và các tổ chức chuyên môn của Liên Hợp Quốc như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) và các tổ chức quốc tế khác đưa ra các sáng kiến, các kế hoạch chiến lược ngăn ngừa cúm gia cầm lây lan, hỗ trợ những nước châu Á và châu Âu đã xuất hiện chủng virút H5N1 các phương tiện để phát hiện sớm nguy cơ dịch cúm bùng phát, đồng thời tìm biện pháp phối hợp hành động trong tình huống dịch cúm lan rộng.
Hội nghị cũng thảo luận các vấn đề liên quan đến phát triển và cung ứng vắcxin cúm gia cầm, thuốc điều trị..., tăng cường phối hợp giữa công tác thú y và y tế cộng đồng phục vụ con người trong cuộc chiến chống dịch cúm bùng phát.
Theo WHO, tuy chưa có thông tin về người lây nhiễm virút H5N1 ở các khu vực mới xuất hiện cúm gia cầm, nhưng nguy cơ virút biến thể và mạnh hơn là tiềm tàng. Cho đến nay, thế giới đã ghi nhận 120 trường hợp nhiễm virút H5N1 ở người, trong đó 60 trường hợp đã tử vong.
Tại hội nghị trên, Tổng Giám đốc FAO Jacques Diouf cảnh báo không nên quên dành các nguồn hỗ trợ cần thiết cho việc triệt tiêu bệnh dịch cúm gia cầm ở các vườn bách thú. Ông nhấn mạnh "cần có các biện pháp bảo vệ trong trường hợp virút cúm H5N1 lây giữa người và người, song đó là tuyến phòng vệ thứ hai" và hiện tại "trận chiến thực sự" là phải đối phó với sự lây lan dịch bệnh ở gia cầm.
Ông hy vọng các nước sẽ huy động khoảng 200 triệu USD cho kế hoạch phòng chống cúm gia cầm bằng cách tuyên truyền giáo dục cho nhân dân, hỗ trợ cho những hộ nông dân đã buộc phải tiêu hủy gia cầm của mình, khuyến khích nông dân mua các thiết bị phát hiện sớm các trường hợp nhiễm cúm gia cầm và phát triển các loại vắcxin phòng cúm... Ông cho biết, đến nay, đã có khoảng 140 triệu con gia cầm bị tiêu hủy tại các nước Đông Nam Á, gây thiệt hại khoảng 10 tỉ USD cho các nước này, ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp tới cộng động nông nghiệp trong khu vực./.
Back Top page Print Email |