20 năm đổi mới trong lĩnh vực đối ngoại
Ðã gần trọn 20 năm kể từ khi Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới, đem lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Trong những thành tựu ấy không thể không kể đến những thành tựu nổi bật về đối ngoại, đưa nước ta ra khỏi tình trạng bị bao vây cô lập, mở rộng hơn bao giờ hết quan hệ quốc tế cả về chính trị lẫn kinh tế, không ngừng nâng cao vị thế ở khu vực và trên thế giới, tạo ra môi trường thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có được những thành tựu ấy một phần quan trọng là nhờ ở sự đổi mới tư duy rất sâu sắc về cục diện thế giới cũng như trong đường lối, chính sách và phương châm hành động trên mặt trận đối ngoại.
Nước ta tiến hành công cuộc đổi mới trong bối cảnh quốc tế có những biến động hết sức phức tạp, nhất là sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa sụp đổ ở các nước Ðông Âu, Liên Xô tan rã, làm cho phong trào cách mạng thế giới tạm thời thoái trào. Trong hoàn cảnh ấy, không dễ gì nhận diện được chuẩn xác những chiều hướng phát triển của thế giới, song Ðảng ta đã bình tĩnh phân tích cục diện thế giới, vận dụng phương pháp luận khoa học để lần tìm những dòng chảy cơ bản của thời cuộc, hoạch định đường lối, chính sách và những phương châm đối ngoại sáng tạo, được thực tế chứng minh là đúng đắn.
Về tính chất thời đại
Một trong những vấn đề đặt ra vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước là thế giới sẽ đi về đâu, tính chất, nội dung thời đại sẽ thế nào? Ðó không chỉ là vấn đề lý luận mà còn có ý nghĩa sâu sắc về thực tiễn. Không ít ý kiến cho rằng, mọi chuyện còn đang xáo động dữ dội, không nên và không thể bàn định được vấn đề này, càng không thể khăng khăng khẳng định loài người vẫn sống trong thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Bên cạnh đó nhiều người cho rằng, chỉ nên đề cập tính chất của thời đại dưới góc độ thời cuộc như "thời đại hậu chiến tranh lạnh", "thời đại đa cực", hay tính chất của sự phát triển kinh tế, khoa học - công nghệ như "thời đại hậu công nghiệp", "thời đại thông tin", "thời đại kinh tế tri thức", "thời đại toàn cầu hóa"... Cho dù những cách đề cập như vậy đều có mặt hợp lý, song vấn đề "thời đại" được bàn ở đây là một khái niệm chính trị - xã hội rộng lớn, khái quát tiến trình phát triển và xu thế cơ bản của thế giới trong một thời kỳ lịch sử lâu dài.
Ðành rằng trong khi trên thế giới đang diễn ra những chấn động sâu rộng thì thật sự không dễ gì đánh giá được chuẩn xác chiều hướng phát triển của thời đại. Song, như V.I.Lê-nin từng nói: "Chỉ trên cơ sở này, nghĩa là trước hết xem xét những nét khác nhau cơ bản của các "thời đại" (chứ không phải của các giai đoạn lịch sử cá biệt ở các nước) thì chúng ta mới có thể định ra đúng đắn sách lược của chúng ta" (1). Ðối với Ðảng ta nếu không xác định được tính chất thời đại thì không thể xác định được phương hướng tiến lên của đất nước, không thể định ra chiến lược và sách lược đối nội cũng như đối ngoại đúng đắn, không thể tập hợp toàn dân phấn đấu cho mục tiêu hợp với xu thế của thời đại, không thể đấu tranh có hiệu quả với những luận điểm sai trái, thù địch.
Vì vậy, trong Cương lĩnh được thông qua tại Ðại hội VII, Ðảng ta đã khẳng định "Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử". Ðại hội VIII lại khẳng định "Sau những biến cố chính trị ở Liên Xô và Ðông Âu, CNXH tạm thời lâm vào thoái trào, nhưng điều đó không làm thay đổi tính chất của thời đại; loài người vẫn đang trong thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH". Tới Ðại hội IX, luận điểm "Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới CNXH" lại được nhấn mạnh một lần nữa.
Cách đề cập như vậy có quá khiên cưỡng không? Trong mấy nghìn năm lịch sử, loài người đã lần lượt trải qua các thời đại cộng sản nguyên thủy, nô lệ, phong kiến, tư bản rồi quá độ lên CNXH mở đầu bằng Cách mạng Tháng Mười Nga. Theo quy luật tiến hóa, tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất phát triển không ngừng đòi hỏi quan hệ sản xuất phải được thay đổi phù hợp với nó và hình thái chính trị - xã hội phản ánh tính chất của mối quan hệ đó, đại diện cho lợi ích của giai cấp chiếm vị trí trung tâm. Với lực lượng sản xuất mang tính xã hội ngày càng cao trong khi sự chiếm hữu ngày càng tập trung vào một nhúm người, chủ nghĩa tư bản cuối cùng cũng không tránh khỏi quy luật phát triển hàng nghìn năm của loài người. Trên thực tế thì trong thế kỷ 20, chủ nghĩa xã hội đã thay thế chủ nghĩa tư bản ở một loạt nước từ châu Âu sang châu Á và cả Mỹ la-tinh với hàng tỷ dân; ngày nay nó vẫn tồn tại và phát triển ở một số nước và ngay trong lòng các nước tư bản chủ nghĩa, tư tưởng của chủ nghĩa xã hội vẫn lôi cuốn không ít người. Trong nhiều cuộc bầu cử, các đảng phái đi theo định hướng XHCN vẫn được sự ủng hộ của hàng triệu, triệu cử tri.
Sự thất bại của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô - Ðông Âu không phải là sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội khoa học mà do nhiều nguyên nhân như bệnh chủ quan duy ý chí, xem thường các quy luật kinh tế khách quan, duy trì quá lâu cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, không thừa nhận sản xuất hàng hóa và quy luật giá trị, chậm trễ trong việc ứng dụng những thành tựu hiện đại của khoa học và công nghệ, làm cho nền kinh tế bị trì trệ, đời sống nhân dân chậm được cải thiện, nhất là đảng cầm quyền ở một số nước đã mắc sai lầm về đường lối chính trị, tư tưởng và tổ chức, các thế lực thù địch với chủ nghĩa xã hội đã thành công trong việc kích động, gây rối loạn từ bên trong...
Vả lại thời đại nào ra đời và phát triển cũng trải qua nhiều bước thăng trầm, chế độ mới xuất hiện không phải đồng loạt ở mọi nước và thường dưới các hình thái khác nhau tùy hoàn cảnh cụ thể ở nước này hay nước khác. Thời đại phong kiến đã vậy, thời đại tư bản cũng không khác và thời đại quá độ lên CNXH cũng không tránh khỏi trạng thái đó.
Khác với trước, đối với chủ nghĩa xã hội, Ðảng ta vừa khẳng định những thành tựu to lớn và những đóng góp quan trọng của nó đối với nhân loại, vừa chỉ ra những khuyết điểm, sai lầm đưa tới khủng hoảng. Ðối với chủ nghĩa tư bản, Ðảng ta vừa chỉ ra bản chất và mâu thuẫn cơ bản, vừa ghi nhận những tiềm năng phát triển của nó. Khác với Nghị quyết Trung ương 9 khóa III (1963) họp sau Hội nghị quốc tế các đảng cộng sản và công nhân năm 1961 coi "sự sụp đổ của chủ nghĩa đế quốc" và "sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn thế giới" như một khả năng trực tiếp; trong thời kỳ đổi mới, Ðảng ta đã nhấn mạnh tính gay go phức tạp của cuộc đấu tranh dân tộc và giai cấp, những khó khăn, thử thách, những bước quanh co, khúc khuỷu trên con đường đi tới chủ nghĩa xã hội.
Ðương nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay chưa thể tiên liệu được một loạt vấn đề như thời gian tồn tại của thời kỳ quá độ, hình thái các bước chuyển tiếp, hình hài của chủ nghĩa xã hội khi nó thắng lợi hoàn toàn và triệt để, ở nước này hay nước khác cũng như trên phạm vi thế giới...
Về mâu thuẫn thời đại
Một vấn đề mới là sự phân tích về các mâu thuẫn của thời đại. Cũng giống như trên, vấn đề thời đại, nhiều ý kiến cho rằng, không nên đề cập những mâu thuẫn của thời đại vì trong thời đại "hậu chiến tranh lạnh", "toàn cầu hóa", "hội nhập" việc đề cập những mâu thuẫn của thời đại là không phù hợp, thậm chí lỗi thời, lạc lõng. Cách đặt vấn đề như vậy không thỏa đáng vì sự tồn tại và sự vận động của các mâu thuẫn là một thực tế khách quan; muốn hay không thì hằng ngày hằng giờ trên thế giới vẫn diễn ra sự vận động cực kỳ sôi động, vả lại không tiếp cận các mâu thuẫn của thời đại thì cũng khó bề phân tích được phương hướng phát triển của thời đại, khó bề lý giải nhiều sự kiện trên thế giới, khó bề xử lý một cách thỏa đáng nhiều tình huống cụ thể...
Phải chăng vì những lẽ đó, các Ðại hội VII, VIII và IX của Ðảng ta đều khẳng định các mâu thuẫn cơ bản trên thế giới vẫn tồn tại và phát triển, có mặt sâu sắc hơn, nội dung và hình thức biểu hiện có nhiều nét mới.
So với Nghị quyết 9 (khóa III), cách tiếp cận của Ðảng ta về các mâu thuẫn thời đại nêu trong Cương lĩnh 1991 có nhiều điểm mới.
Một là, thay vì nêu mâu thuẫn giữa "phe xã hội chủ nghĩa và phe đế quốc chủ nghĩa" như trước đây, Cương lĩnh đề cập mâu thuẫn "giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản đang diễn ra gay gắt". Sở dĩ vậy không chỉ vì không còn "phe" xã hội chủ nghĩa nữa mà còn vì cách đề cập trước đây chỉ khoanh lại trong phạm vi mâu thuẫn giữa hai phe, chưa bao quát được cuộc đấu tranh giữa hai chiều hướng ngay trong lòng mỗi quốc gia cũng như trên phạm vi toàn thế giới;
Hai là, khi đề cập mâu thuẫn giai cấp trong lòng các nước tư bản phát triển, Nghị quyết 9 chỉ đề cập mâu thuẫn "giữa giai cấp công nhân với giai cấp tư sản", Cương lĩnh 1991 đã vạch rõ "mâu thuẫn cơ bản vốn có của chủ nghĩa tư bản giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa ngày càng sâu sắc", đồng thời chỉ ra mâu thuẫn "giữa các tầng lớp nhân dân rộng rãi với giai cấp tư sản, giữa các tập đoàn tư bản độc quyền, các công ty xuyên quốc gia, các trung tâm tư bản lớn tiếp tục phát triển". Cách tiếp cận như vậy sâu hơn và chuẩn xác hơn, phản ánh chân thực hơn thực tiễn khách quan, mô tả bao quát hơn bức tranh toàn cảnh ở các nước tư bản phát triển, khi nhiều tầng lớp nhân dân rộng rãi chứ không riêng gì giai cấp công nhân tham gia cuộc đấu tranh vì dân sinh, dân chủ; các tập đoàn tư bản độc quyền, các công ty xuyên quốc gia, các trung tâm tư bản lớn giành giật nhau gay gắt, nhiều khi đưa tới các cuộc xung đột, chiến tranh kinh tế - thương mại khốc liệt.
Ba là, do hệ thống thuộc địa đã tan rã, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã được độc lập ở mức độ khác nhau nên thay vì nêu "mâu thuẫn giữa các dân tộc bị áp bức với chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân" như trong Nghị quyết Trung ương 9, nay Ðảng ta nêu lên "mâu thuẫn giữa các nước tư bản phát triển và các nước đang phát triển tăng lên".
Bốn là, nếu như trước đây nhấn mạnh "hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới đang trở thành nhân tố quyết định sự phát triển của xã hội loài người" thì nay, trong Cương lĩnh 1991 Ðảng ta chỉ rõ: "Chính sự vận động của tất cả những mâu thuẫn đó và sự đấu tranh của nhân dân lao động các nước sẽ quyết định số phận của chủ nghĩa tư bản". Cách đề cập như vậy không chỉ vì không còn hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới mà chủ yếu vì cách đề cập như vậy biện chứng hơn; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội sẽ diễn biến thế nào là do sự vận động của chính bản thân mâu thuẫn cơ bản trong lòng CNTB và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động ở chính các nước đó quyết định chứ không phải do hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới từ bên ngoài đem lại (cho dù nó tồn tại và hùng mạnh đi nữa). Lịch sử cũng cung cấp cho ta không ít bài học về tình trạng thiếu bền vững của các chính thể hình thành do sự trợ giúp từ bên ngoài trong khi các nhân tố bên trong chưa chín muồi, cho dù chính thể đó về khách quan mang tính tiến bộ.
Năm là, nay không còn xếp loại "mâu thuẫn cơ bản", "mâu thuẫn cơ bản nhất", "mâu thuẫn chủ yếu" như trước đây vì mỗi loại mâu thuẫn có vai trò và phạm vi tác động của nó, giữa chúng không có bức "Vạn lý trường thành" ngăn cách mà đan xen nhau, tác động qua lại lẫn nhau, và như Cương lĩnh đã nêu, chính sự vận động của tất cả các mâu thuẫn sẽ là động lực thúc đẩy tiến trình phát triển của lịch sử. Nói như vậy không có nghĩa là từng lúc, từng nơi không nổi lên những mâu thuẫn này hay mâu thuẫn khác mang tính chính yếu.
Cũng cần nói ngay rằng, mâu thuẫn thời đại là phạm trù cực kỳ phức tạp chẳng khác nào tính phức tạp của thế giới, trong nhiều trường hợp nó không thật rạch ròi, do đó không thể tiếp cận một cách máy móc, giản đơn. Trong cuộc sống của nhân loại còn không ít những hiện tượng, quá trình rối rắm, khó bề lý giải nếu như chỉ vận dụng những khái niệm mâu thuẫn về giai cấp. Giải thích thế nào hiện tượng một số nước về bản chất giai cấp không có mâu thuẫn đối kháng song đã từng mâu thuẫn, kình địch, thậm chí tiến hành chiến tranh chống lại nhau? Làm thế nào giải thích được hiện tượng các nước đối nghịch nhau về bản chất chế độ lại liên minh chống lại những nước cùng chế độ với bên này hay bên kia? Nguồn gốc các cuộc xung đột tôn giáo, sắc tộc, chủ nghĩa khủng bố hiện nay đang diễn ra hằng ngày cũng còn đang chờ sự lý giải thấu đáo. (Còn nữa)
----
(1) V.I.Lê-nin, Toàn tập, tập 26, NXB Tiến bộ, Moscow, 1980, tr.174.
VŨ KHOAN
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |
Các tin liên quan: |
|