Ôxtrâylia sẽ hỗ trợ Việt Nam "hậu" WTO
Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Ông đánh giá như thế nào về quá trình đàm phán giữa Việt Nam và Ốxtrâylia về việc Việt Nam gia nhập WTO?
Ôxtrâylia và Việt Nam đã đàm phán về việc Việt Nam gia nhập WTO trong nhiều năm qua. Cuộc đàm phán bao trùm nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, gồm thuế hàng hóa, hạn ngạch và việc tiếp cận thị trường trong lĩnh vực dịch vụ.
Việt Nam là một đối tác thương mại của Ôxtrâylia. Trong bối cảnh các doanh nghiệp Ôxtrâylia đang ngày càng quan tâm tới Việt Nam, Chính phủ Ôxtrâylia rất coi trọng cuộc đàm phán này và luôn quan tâm tới tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam. Về phía Việt Nam, các nhà đàm phán của Việt Nam đã rất nỗ lực. Chúng tôi đánh giá cao các kỹ năng đàm phán, quyết tâm và thái độ xây dựng của các nhà đàm phán Việt Nam trong các vòng đàm phán đã qua.
Ôxtrâylia ủng hộ mạnh mẽ việc Việt Nam gia nhập WTO. Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy việc gia nhập tổ chức quốc tế quan trọng này sẽ đem lại các lợi ích đáng kể cho các nước, và tôi tin tưởng rằng nó cũng sẽ đem lại lợi ích cho Việt Nam.
Theo ông, liệu thỏa thuận này sẽ góp phần thúc đẩy thương mại hai chiều giữa hai nước trong thời gian tới?
Trong những năm gần đây, quan hệ thương mại giữa hai nước phát triển mạnh mẽ, với trao đổi thương mại hai chiều đạt 3 tỷ USD trong năm 2005. Thỏa thuận này chắc chắn sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Ôxtrâylia. Nó không những giúp cải thiện khả năng tiếp cận thị trường trong những lĩnh vực mà Ôxtrâylia quan tâm, mà còn giúp cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam. Đối với nhiều nhà đầu tư quốc tế, tư cách thành viên WTO của một nền kinh tế là một yếu tố quan trọng trong việc ra quyết định đầu tư. Nếu một nền kinh tế là thành viên của WTO, các nhà đầu tư sẽ cảm thấy tự tin hơn bởi họ biết chắc họ sẽ đầu tư vào một môi trường thương mại minh bạch hơn và có thể dự đoán được hỗ trợ bởi hệ thống luật pháp có chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư và sở hữu trí tuệ, và có những công cụ để thực thi các luật và bảo vệ đầu tư của họ.
Ông có nhận xét gì về những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện hệ thống pháp luật để phù hợp với các quy tắc của WTO? Ông đánh giá như thế nào về sự chuẩn bị của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam sắp gia nhập tổ chức này?
Việt Nam đã đưa ra một chương trình cải cách luật pháp và thương mại nhằm chuẩn bị gia nhập WTO. Ôxtrâylia hoan nghênh những nỗ lực này và khuyến khích Việt Nam tiếp tục tham vấn một cách chặt chẽ và thường xuyên với các cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước để đảm bảo rằng những bộ luật và văn bản liên quan được lập ra là do nhu cầu về thương mại, là để đáp ứng các yêu cầu về thương mại.
Những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong năm qua trong việc góp ý với Luật Đầu tư chung cho thấy khi có tư vấn sẽ có những cải thiện quan trọng. Nếu thiếu những ý kiến tư vấn, góp ý, chắc hẳn sẽ còn tồn tại rất nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp cũng như phía Chính phủ. Giới doanh nghiệp Việt Nam đang từng bước chuyển đổi để chuẩn bị đối phó với những tác động sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Tôi khuyến khích các doanh nghiệp này tiếp tục nghiên cứu những vấn đề mà họ có thể sẽ phải đối mặt khi Việt Nam gia nhập WTO. Xét một cách tổng thể, gia nhập WTO sẽ đem lại những thay đổi tích cực.
Về lĩnh vực này, Chính phủ Ôxtrâylia sẵn sàng cùng các nhà tài trợ khác hỗ trợ Việt Nam thông qua chương trình "Hậu WTO" nhằm giải quyết các yêu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ sau khi Việt Nam gia nhập tổ chức này.
Ôxtrâylia đang tiến hành thương lượng hiệp định tự do thương mại song phương với các nước trong khu vực. Liệu rằng Ôxtrâylia có thương lượng một hiệp định như vậy với Việt Nam?
Ôxtrâylia đang xây dựng một hệ thống các hiệp định thương mại song phương trong khu vực và nói rộng hơn là để bổ sung vào trọng tâm ưu tiên trong đàm phán toàn cầu WTO của chúng tôi. Chẳng hạn, Ôxtrâylia đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Niu Dilân, Xinhgapo, Hoa Kỳ và Thái Lan. Chúng tôi đang đàm phán với Trung Quốc, Malaixia và Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất về vấn đề này.
Ngoài ra, Ôxtrâylia còn phối hợp với Niu Dilân để đàm phán về một hiệp định thương mại tự do với 10 nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó tất nhiên là có Việt Nam. Các cuộc đàm phán đã được tiến hành từ đầu năm 2005. Trong tiến trình đàm phán, Ôxtrâylia và Niu Dilân đã và đang hợp tác với Việt Nam và các nước khác về việc hỗ trợ đào tạo và cung cấp thông tin trong các lĩnh vực như quy tắc về xuất xứ, quyền sở hữu trí tuệ, đầu tư và đàm phán về FTA. Ôxtrâylia hy vọng có thể kết thúc đàm phán toàn diện về FTA với ASEAN. Đây sẽ là hiệp định đem lại lợi ích to lớn cho hai bên trong lĩnh vực tiếp cận thị trường và đầu tư./.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |