Hội thảo về hợp tác phát triển Hành lang kinh tế Đông-Tây
Đây là diễn đàn mở cho các đại diện của khu vực kinh tế tư nhân và khu vực công thảo luận về việc tăng cường hợp tác giải quyết các vấn đề phát triển củacác quốc gia tiểu vùng sông Mê Công, đồng thời trao đổi các nội dung kỹ thuật và đưa ra những biện pháp cụ thể về phát triển cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho thương mại, du lịch và đầu tư giữa các quốc gia dọc theo khu vực Hành lang.
Các ý kiến tại hội thảo cho rằng việc cải thiện cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm kiểm soát tình trạng hàng hóa đang vận chuyển và sử dụng Hành lang kinh tế Đông Tây nhằm tiết kiệm thời gian trong tuyến vận tải quốc tế, sẽ góp phần tăng tốc thủ tục chuyển tải hàng hóa, cải tiến và hài hoà các khía cạnh liên quan của khung pháp lý, kết hợp vận chuyển con người và hàng hóa dọc Hành lang.
Các báo cáo đã đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến lợi thế hậu cần của Hành lang Kinh tế Đông Tây như hệ thống cảng côngtennơ nội địa, cơ sở hạ tầng, đại lý hải quan và các thể thức tài chính đầu tư, nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân lực . Các tham lận cũng đưa ra kế hoạch phát triển gộp khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như sự tham gia của khu vực này vào chuỗi cung cấp khu vực ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông hỗ trợ xây dựng Hành lang kinh tế Đông-Tây thành một tuyến vận tải thương mại quốc tế.
Trong phạm vi thảo luận nhóm, các đại biểu tham dự hội nghị đã đưa ra những yêu cầu về việc điều chỉnh hợp tác ngắn hạn và trung hạn, các giới hạn thủ tục được Chính phủ các nước đưa ra nhằm khuyến khích sử dụng tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây và những kiến nghị về việc thay đổi khung pháp lý, quy định về đầu tư và dịch vụ hậu cần khu vực Hành lang kinh tế này.Tại hội thảo, Tổng thư ký Hiệp hội Giao nhận vận tải Việt Nam (VIFFAS) Vũ Xuân Phong cho biết các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa Việt Nam đang đối mặt với 5 khó khăn lớn, gồm quy mô tài chính, kỹ năng và công nghệ thấp, thiếu hiểu biết về khách hàng và luật pháp quốc tế, hiểu biết hạn hẹp về những yêu cầu của tiến trình hội nhập, hạ tầng cơ sở nghèo nàn và những hạn chế trong khung pháp lý và chính sách về vận tải biển.
Ông Phong cho rằng việc phát triển quan hệ hợp tác kinh tế giữa các quốc gia tiểu vùng sông Mê Công sẽ tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong việc tăng cường hợp tác quốc tế và kêu gọi đầu tư nước ngoài.
Theo các chuyên gia, tổng lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam có thể đạt tới 214 triệu tấn vào năm 2010 và 352 triệu tấn vào năm 2020, trong đó lượng hàng côngtennơ lần lượt vào khoảng 3,4 triệu tấn và 6 triệu tấn./.(TTXVN)
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |