Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Monday, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Vấn đề cơ bản bây giờ là thực hiện những việc cần làm sau khi gia nhập WTO

Ngay sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ ký thỏa thuận chính thức kết thúc đàm phán song phương về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Phó Thủ tướng (PTT) Vũ Khoan đã trả lời phỏng vấn báo Nhân Dân. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

* Thưa Phó Thủ tướng, vòng đàm phán thứ 12 giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về việc Việt Nam gia nhập WTO được coi là vòng đàm phán căng thẳng nhất và hai bên đã nhất trí được với nhau về mặt nguyên tắc. Xin Phó Thủ tướng cho biết cụ thể hơn những nguyên tắc đó là gì?

Trả lời: Nay thì mọi việc đã rõ. Ngày 31-5 tại Hội trường Thống Nhất ở TP Hồ Chí Minh, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký Văn bản kết thúc đàm phán song phương về việc Việt Nam gia nhập WTO.

Theo "luật chơi" của WTO thì Việt Nam phải tiến hành đàm phán đa phương (với Nhóm công tác có sự tham gia của các nước thành viên) về chính sách thương mại và đàm phán song phương với các thành viên có yêu cầu về các cam kết cụ thể. Hoa Kỳ là nước cuối cùng trong số 28 thành viên có yêu cầu.

Các cuộc đàm phán song phương đều dựa trên các nguyên tắc chủ yếu sau:

- Cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu hàng hóa. Hoa Kỳ đương nhiên phải dành cho Việt Nam mức thuế nhập khẩu như đối với các thành viên khác của WTO. Còn ta, cũng phải cắt giảm thuế suất nhập khẩu  đối với một số hàng hóa mà Hoa Kỳ quan tâm. Nhân đây tôi xin lưu ý rằng, có một luồng thông tin không chính xác là Việt Nam  phải giảm thuế suất xuống mức 0-5%.  Thực ra không phải như vậy, chúng ta chỉ phải cắt giảm  không nhiều lắm so với mức bình quân hiện nay. Còn với Khu vực mậu dịch tự do ASEAN thì thuế suất mới là từ 0-5%. Nói cách khác, WTO và AFTA khác nhau.

- Ta phải cam kết mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ vào làm ăn ở Việt Nam với những  điều kiện như doanh nghiệp Việt Nam. Theo ngôn từ của WTO  là dành cho họ sự đãi ngộ quốc gia. Thường thì Hoa Kỳ rất quan tâm tới các lĩnh vực dịch vụ như : viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm... Cuộc đàm phán chủ yếu xoay quanh vấn đề Việt Nam mở cửa các lĩnh vực nào, với mức độ thế nào và với lộ trình dài ngắn ra sao? Sau khi Việt Nam  gia nhập WTO, về nguyên tắc, các doanh nghiệp Việt Nam đương nhiên được thâm nhập thị trường Hoa Kỳ như các nước thành viên khác.

* Thưa Phó Thủ tướng, vấn đề còn lại lúc này là, sau khi thỏa thuận được ký kết, chúng ta phải làm gì (Nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội và mỗi công dân) để chủ động phát huy mặt tích cực, hạn chế những khó khăn thách thức khi gia nhập WTO?

Trả lời: Vấn đề cơ bản bây giờ là thực hiện những việc cần làm trong thời kỳ "hậu WTO", nghĩa là sau khi nước ta gia nhập WTO.

Về phần Nhà nước thì theo tôi có mấy việc lớn sau: Một là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp quy cho phù hợp các cam kết trong WTO.

Hai là, phổ biến rộng rãi, hướng dẫn cho các doanh nghiệp  biết về những cam kết để họ có thể tranh thủ cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, xâm nhập thị trường các nước, sắp xếp lại sản xuất, kinh doanh để nâng cao khả năng cạnh tranh. Nhân đây cần nói rõ rằng, sở dĩ chưa phổ biến được các cam kết, vì còn đang trong quá trình đàm phán, do đó chưa thể khẳng định được thật cụ thể.

Ba là, cải thiện hơn nữa môi trường sản xuất, kinh doanh để các doanh nghiệp có cơ hội làm ăn thuận lợi.

Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính, chống nhũng nhiễu, quan liêu, tham nhũng, cũng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.

Năm là, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cả về  sự hiểu biết các "luật chơi" của WTO lẫn những thông tin về thị trường thế giới, năng lực quản lý kinh doanh, ngoại ngữ.

Sáu là, xử lý các vấn  đề kinh tế - xã hội có thể nảy sinh sau khi gia nhập WTO.

Doanh nghiệp sẽ đóng vai trò mang tính quyết định, do đó có rất nhiều việc để làm. Trước hết là tìm hiểu sâu các cam kết sau khi được công bố, để có kế hoạch xếp sắp lại sản xuất, kinh doanh,  nâng cao chất lượng, giảm giá thành hàng hóa và dịch vụ, tăng cường khả năng cạnh tranh.

Hai là, gia tăng liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam  với nhau để tranh thủ cơ hội mới và ứng phó với những thách thức mới.

Ba là, tích cực, chủ động chiếm lĩnh thị trường nội địa, đồng thời ra sức thâm nhập thị trường các nước. Muốn vậy cần quan tâm hơn tới việc tìm hiểu thị trường thế giới, luật lệ làm ăn, buôn bán trên thế giới.

Bốn là, cùng Nhà nước quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ nguồn nhân lực, cả cán bộ quản lý, kỹ thuật lẫn công nhân. Các Hiệp hội cần trở thành trợ thủ đắc lực của các doanh nghiệp trong  những việc nêu trên, đặc biệt là cung cấp thông tin và liên kết các doanh nghiệp.

Trên đây là những nét "chấm phá" về  những việc cần làm, chắc rằng Chính phủ, các bộ, các ngành, hiệp hội, doanh nghiệp sẽ phải  soạn thảo những chương trình hành động thật cụ thể, tỷ mỷ để tận dụng cơ hội, khắc phục khó khăn.

* Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!

 

 
Back Top page Print Email

Related news:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer