Hội nghị tư vấn các uỷ ban quốc gia UNESCO tại Hà Nội
Chủ tịch Hội đồng chấp hành UNESCO Zhang Xinsheng, đại diện UNESCO Pari, Uỷ ban Quốc gia UNESCO và 14 Văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã dự hội nghị.
Trong chương trình làm việc kéo dài đến ngày 9/6, Hội nghị sẽ xem xét, đánh giá về hoạt động của UNESCO trong 60 năm tồn tại và phát triển; chia sẻ các biện pháp thúc đẩy tiến trình cải tổ UNESCO và nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của tổ chức này trong tương lai.
Hội nghị nhằm xác định những thách thức, cơ hội, các nhu cầu ưu tiên chung của khu vực và toàn nhân loại trong thời gian tới; đề xuất những phương hướng giải quyết thích hợp với tình hình phát triển mới của thế giới, đồng thời thu thập ý kiến xây dựng chiến lược trung hạn 2008-2013 (34 C/4) và Chương trình ngân sách 2008-2009 ( 34 C/5) của UNESCO.
Phát biểu tại diễn đàn này, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - UNESCO trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng xã hội học tập, tiếp thu các thành tựu mới về khoa học- công nghệ; phát huy các giá trị khoa học, tri thức truyền thống; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và thiên nhiên, bảo vệ môi trường... góp phần đắc lực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Phó Thủ tướng khẳng định thông qua các diễn dàn của UNESCO, Việt Nam có thêm cơ hội góp tiếng nói và công sức cùng giải quyết những vấn đề chung của nhân loại; mở rộng và củng cố các mối quan hệ và hiểu biết hữu nghị và hợp tác cùng có lợi với các nước trên thế giới và trong khu vực. Trong 20 năm Đổi mới, các mục tiêu phát triển của Việt Nam đề ra hoàn toàn phù hợp với xu hướng phấn đấu chung của UNESCO và cộng đồng thế giới, nhằm vươn tới thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ. Đến năm 2010, Việt Nam phấn đấu thoát khỏi tình trạng đói nghèo, tăng tổng sản phẩm trong nước lên 2,1 lần so với năm 2000 và giảm tỷ lệ các hộ nghèo xuống còn 10-11%.
Những năm qua, UNESCO đã thành công trong việc duy trì, phát huy có hiệu quả vai trò toàn cầu của tổ chức quốc tế liên chính phủ quan trọng nhất trong hệ thống Liên hợp quốc trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, thông tin. Đó là nhờ một phần rất lớn vào việc tổ chức này đã tôn trọng tính đa dạng của các nước thành viên cũng như đặc thù của từng khu vực khi xây dựng chính sách và triển khai các hoạt động của mình. Các hội nghị tư vấn khu vực đã đảm bảo việc phát triển xu hướng phi tập trung nhằm mang lại hiệu quả thực tiễn cao trong các hoạt động của UNESCO trên toàn thế giới./.(TTXVN)
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |
Các tin liên quan: |
|