Trong số trong đó có Lào, Campuchia, Thụy Sĩ, Tunidi, Bênanh, Crôatia, Mađagasca, Mali, Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp.
Trong các cuộc tiếp xúc, tất cả các nước, đặc biệt là các nước châu Phi, đều bày tỏ sự khâm phục đối với nhân dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh và xây dựng đất nước. Đa số các nước châu Phi đánh giá cao sự hợp tác của Việt Nam, điển hình là hợp tác 3 bên trong nông nghiệp. Theo họ, việc hợp tác này đã giúp một cách thiết thực và hiệu quả cho an ninh lương thực của các nước châu Phi vốn luôn bị đe doạ bởi nạn đói.
Thủ tướng Tuynidi Mohamed Ghannouchi nhấn mạnh việc rà soát lại những kết quả đã đạt được trong sự hợp tác giữa hai nước thời gian qua để xây dựng chương trình hành động trong thời gian sắp tới.
Tổng thống Bênanh Thomas Yayi Boni mong muốn được sang thăm Việt Nam để trao đổi về các phương thức hợp tác trong tương lai, nhằm hỗ trợ xoá đói giảm nghèo cho đất nước Bênanh, nơi mà đến 70% người dân vẫn phải sống trong tình trạng đói nghèo.
Tổng thư ký OIF Apdou Diouf cũng bày tỏ mối thiện cảm đặc biệt với Việt Nam, trước kia khi ông còn là Tổng thống Sênêgal cũng như hiện nay trong cương vị người đứng đầu Tổ chức quốc tế Pháp ngữ. Ông nhắc lại mô hình hợp tác 3 bên rất hiệu quả trong nông nghiệp giữa Việt Nam, Sênêgal và FAO đã được tổ chức quốc tế này nhân rộng và triển khai ở nhiều nước châu Phi.
Tổng thống Thuỵ Sĩ Moritz Leuenberger bày tỏ sự khâm phục đối với các chính sách chung của Việt Nam, đặc biệt là thành tựu của đất nước này trong việc giành quyền bình đẳng cho nữ giới.
Trong các cuộc tiếp xúc, Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa đã đưa ra một loạt các đề xuất về hỗ trợ tài chính cho mô hình hợp tác 3 bên trong lĩnh vực giáo dục và ứng dụng công nghệ thông tin giữa các nước đang phát triển, hỗ trợ thiết bị tin học đặc biệt là cho các trường vùng sâu, vùng xa tại các nước Pháp ngữ đang phát triển, trao đổi kinh nghiệm giáo dục và đào tạo từ xa và tăng cường hợp tác giữa các trường đại học trong Cộng đồng Pháp ngữ.
Phó chủ tịch cũng đề nghị OIF xem xét khả năng hỗ trợ xây dựng Viện tin học Pháp ngữ tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội trở thành trung tâm đào tạo tin học trình độ cao cho khu vực các nước Pháp ngữ ở Đông Nam Á.
Những đề nghị này đã được Tổ chức quốc tế Pháp ngữ và các nước phát triển ghi nhận và đánh giá cao sự tham gia nghiêm túc của Việt Nam trong vần đề này và hứa sẽ xem xét và phối hợp với Việt Nam trong tương lai để triển khai các dự án./.(TTXVN)