Philíppin đánh giá cao đóng góp của Việt Nam trong ASEAN
"Việc Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN đã giúp xây dựng một khu vực gắn kết hơn" - Đại sứ Laura Q. Del Rosario nói với phóng viên TTXVN ngày 2/8 trong một cuộc phỏng vấn nhân dịp kỷ niệm lần thứ 40 ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (8/8/1967-8/8/2007).
Bà Laura Q. Del Rosario khẳng định Philíppin ủng hộ việc Việt Nam ra ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và bày tỏ tin tưởng rằng trên cương vị này "Việt Nam sẽ đóng góp được nhiều hơn để hoàn thành các mục tiêu của Hội đồng Bảo an".
Theo bà Laura Q. Del Rosario, kể từ khi gia nhập ASEAN năm 1995, Việt Nam luôn tích cực trong việc xây dựng đoàn kết và tăng cường thống nhất trong khu vực. Việt Nam đã đóng góp cho việc thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên của hiệp hội trong việc thực hiện Sáng kiến liên kết ASEAN, phát triển khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng và Hành lang kinh tế Đông Tây. "Sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam trong 12 năm qua, cả về vị thế trên thế giới và sức mạnh, là một đóng góp đáng kể cho ASEAN, một cộng đồng với 505 triệu dân. Việt Nam sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc ra quyết định trọng đại cũng như trong việc thúc đẩy hợp tác khu vực trên nhiều lĩnh vực", bà Đại sứ nhấn mạnh.
Hiện nay các nước ASEAN đang nỗ lực xây dựng một cộng đồng ASEAN năng động, gắn kết, tự cường và hội nhập, bao gồm ba trụ cột chính là Cộng đồng An ninh ASEAN (ASC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC) vào năm 2015, sớm hơn 5 năm so với mục tiêu ban đầu đề ra. Theo bà Đại sứ, để đạt được những mục tiêu này, ASEAN cần đẩy nhanh tiến độ hội nhập kinh tế ở Đông Nam Á và giải quyết một cách hiệu quả hơn những thách thức ngày càng tăng trong khu vực mà tổ chức này phải đối mặt trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.
Tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 40 (AMM-40) ở Manila, Philíppin, ngày 29-30/7, các ngoại trưởng ASEAN đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc chuẩn hóa các nguyên tắc, giá trị và tiêu chuẩn của ASEAN trong một bản Hiến chương. Với tư cách là nước chủ tịch luân phiên ASEAN, Đại sứ Philippin tại Việt Nam nói bản Hiến chương sẽ luật hóa tất cả các tiêu chuẩn, qui tắc và giá trị ASEAN; tái khẳng định các nguyên tắc, mục tiêu và ý tưởng trong các hiệp định mang tính bước ngoặt của ASEAN; mang lại tư cách pháp nhân cho ASEAN; và xác định chức năng và phát triển thẩm quyền của các cơ quan chủ chốt ASEAN. Bản dự thảo Hiến chương dự kiến sẽ được trình lên Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 13 tại Xinhgapo vào tháng 11.
ASEAN đã đạt được mục tiêu mong đợi là một tổ chức khu vực gắn kết. Tổ chức này đã xây dựng khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) nhằm giải quyết những thách thức ngày càng tăng của toàn cầu hóa. ASEAN đã phát triển trong những năm qua để trở thành một thị trường sôi động và tiếp tục tiến lên để có tính cạnh tranh hơn cũng như tạo ra những cơ hội kinh doanh và đầu tư đáng kể cho các nước thành viên. "ASEAN có thể làm được điều đó vì khu vực này có nguồn tài nguyên dồi dào như dầu khí, gỗ, lương thực… ASEAN đang cố gắng để thu hẹp khoảng cách phát triển trong các nước thành viên", bà Đại sứ nói.
ASEAN được thành lập tại Băng Cốc - Thái Lan tháng 8/1967 với 5 nước thành viên ban đầu là Inđônêxia, Malaixia, Philíppin, Xinhgapo và Thái Lan. Sau khi kết nạp thêm Brunây, Việt Nam, Lào, Campuchia và Mianma, ASEAN đã hoàn thành ý tưởng về một tổ chức bao gồm tất cả các quốc gia Đông Nam Á./.(TTXVN)
Back Top page Print Email |