Thành phố Sydney vừa bước sang mùa xuân được 1 tuần. Nếu như ở Việt Nam, hoa đào, hoa mai nở báo hiệu mùa xuân thì ở Australia khi cây keo vàng nở những chùm hoa vàng rực rỡ thì cũng có nghĩa là mùa xuân đã tới. Cây keo vàng là loại cây đặc trưng của lục địa châu Úc, là loại cây nở hoa sớm nhất khi bước vào mùa xuân. Chính vì thế, nó đã được chọn làm biểu trưng cho APEC 2007 với mong muốn tạo nên một sức sống mới trong tiến trình củng cố cộng đồng APEC, xây dựng một tương lai bền vững. Đây cũng là chủ đề của hội nghị cấp cao và năm APEC 2007.
Mỗi năm một lần, các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên APEC ngồi lại với nhau để bàn thảo những vấn đề có tác động lớn không chỉ đối với tương lai của APEC mà còn cả thế giới. Hội nghị cấp cao APEC năm nay ở Sydney, bên cạnh những vấn đề mang tính “truyền thống” của APEC như tự do hoá thương mại, thúc đẩy vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chống khủng bố, phòng chống thiên tai, dịch bệnh... nước chủ nhà Australia đã đưa vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và phát triển sạch thành chủ đề chính của hội nghị. Đây là vấn đề được coi là “nhạy cảm” bởi một số thành viên của APEC như Mỹ, Trung Quốc đang là những nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất và không “mặn mà” gì với Nghị định thư Kyoto. Tuy nhiên, cuối cùng các nhà lãnh đạo APEC cũng đã thống nhất được vấn đề này và ra một Tuyên bố riêng về biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và phát triển sạch với những mục tiêu và chương trình hành động cụ thể. Thành công này đã ghi đậm dấu ấn của nước chủ nhà Australia.
Một thành công đáng kể khác của Hội nghị cấp cao APEC tại Sydney là các nhà lãnh đạo APEC đã ra được Tuyên bố riêng về vòng đàm phán Doha. Lâu nay, vòng đàm phán này của WTO luôn rơi vào tình trạng bế tắc do vấn đề trợ cấp nông nghiệp của các nước phát triển. Lần này, các nhà lãnh đạo APEC đã thể hiện quyết tâm chính trị cao là quyết tâm tận dụng thời cơ, đưa vòng đàm phán Doha sớm kết thúc trong năm nay.
Thành công của Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 15 tất nhiên ghi dấu ấn đậm nét của nước chủ nhà Australia, nhưng cũng phải kể đến sự đóng góp tích cực của tất cả các nền kinh tế thành viên, trong đó có Việt Nam. Phát huy vai trò và uy tín sau khi tổ chức rất thành công hội nghị cấp cao APEC 14, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tham gia tất cả các phiên họp của APEC 15 và đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng đóng góp vào thành công của hội nghị. Trong khi còn có nhiều ý kiến và quan điểm khác nhau, đôi khi gay gắt, việc hội nghị thông qua được Tuyên bố riêng về biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và phát triển sạch cũng nhờ có tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ và đầy thuyết phục của Việt Nam.
Dấu ấn và kết quả của Hội nghị cấp cao APEC tổ chức tại Hà Nội tháng 11 năm ngoái tiếp tục được Hội nghị cấp cao APEC tại Sydney nâng lên một bước. Tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14, lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC đã phê chuẩn Chương trình hành động Hà Nội nhằm thực hiện Lộ trình Busan hướng đến mục tiêu Bogor để làm cơ sở mang tính định hướng cho các hoạt động hợp tác kinh tế thương mại của tổ chức này trong 15 năm tới. Đây là sáng kiến quan trọng của Việt Nam trong tiến trình phát triển của APEC. Tại Hội nghị lần này, sáng kiến của Việt Nam được cụ thể hoá bằng Báo cáo Hội nhập Kinh tế khu vực, trong đó nêu đề xuất 9 nhóm khuyến nghị nhằm tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa các thành viên. Báo cáo này có ý nghĩa rất quan trọng, đề ra những mục tiêu và hướng hợp tác kinh tế cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong thời gian trước mắt cũng như dài hạn.
Một Hội nghị cấp cao APEC nữa thành công, tiến trình xây dựng một tương lai tươi sáng và bền vững của cộng đồng 21 nền kinh tế thành viên APEC (sau này có thể còn được mở rộng hơn nữa) lại tiến thêm một bước dài. Việt Nam tuy là một thành viên mới của APEC, nhưng với những đóng góp tích cực của mình kể từ khi gia nhập, nhất là năm APEC 2006 và năm nay, đã chứng tỏ Việt Nam đang là một thành viên quan trọng của APEC./.(VOV)