Thủ tướng: Quan hệ Việt-Pháp mẫu mực
Xin Thủ tướng cho biết Ngài mong muốn đạt được điều gì từ chuyến thăm Cộng hòa Pháp? Tại Pháp, Ngài có trông đợi ký kết được thỏa thuận nào, ví dụ như thỏa thuận với hãng Airbus, thỏa thuận về các dự án đường sắt nội đô tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hay về hợp tác năng lượng hạt nhân trong tương lai? Pháp có thể đóng vai trò như thế nào tại Việt Nam hiện nay?
Việt Nam và Pháp tuy cách xa nhau về địa lý, nhưng đã có mối liên hệ cách đây hàng thế kỷ. Vượt qua thăng trầm của lịch sử, hai nước và hai dân tộc Việt Nam và Pháp đã cùng nhau xây dựng được mối quan hệ mật thiết, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Pháp hiện là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và hỗ trợ nguồn vốn đầu tư phát triển (ODA) cho Việt Nam. Hai nước còn là thành viên tích cực của Cộng đồng các nước sử dụng tiếng Pháp, của Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) và các diễn đàn quốc tế khác. Có thể coi quan hệ giữa Việt Nam và Pháp là mối quan hệ hợp tác mẫu mực giữa một nước đang phát triển và một nước công nghiệp phát triển.
Trong chuyến thăm nước Pháp lần này, với cương vị người đứng đầu Chính phủ, ngoài các cuộc hội đàm và tiếp xúc với các nhà lãnh đạo cấp cao của Pháp, tôi sẽ gặp gỡ với Hiệp hội giới chủ Pháp (MEDEF), lãnh đạo nhiều tập đoàn kinh tế - tài chính hàng đầu của Pháp, tham dự diễn đàn kinh tế - thương mại - đầu tư, đi thăm một số cơ sở kinh tế, công nghệ tiên tiến của Pháp. Hai bên đang xúc tiến hoàn tất một số hiệp định quan trọng trong một số lĩnh vực như hàng không, dầu khí và đường sắt để có thể đi đến ký kết trong chuyến đi. Với sự đáp ứng rất nhiệt tình và trọng thị của các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp Pháp, tôi tin rằng chuyến thăm này sẽ góp phần đưa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư và quan hệ hợp tác văn hóa - khoa học - công nghệ giữa hai nước lên một tầm cao mới trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước và phù hợp với mong muốn của nhân dân hai nước.
Tại Việt Nam, Pháp có lợi thế hơn so với nhiều nước khác do có sự gắn bó về lịch sử và văn hóa. Trong thời gian vừa qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Pháp đã có những bước phát triển rất tích cực, đáng hài lòng, tuy nhiên, vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của nhân dân hai nước. Tôi mong rằng trong bối cảnh mới, trên cơ sở phương châm quan hệ "hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, lâu dài và tin cậy trong thế kỷ 21" đã được lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra, Pháp tiếp tục phát huy những lợi thế của mình, tăng cường hữu nghị hợp tác toàn diện với Việt Nam, trong đó có quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt là những lĩnh vực Pháp có thế mạnh như xây dựng cơ sở hạ tầng, viễn thông, hàng không, điện năng, công nghiệp thực phẩm, hóa dược...
Khi Việt Nam gia nhập Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với tư cách thành viên không thường trực đúng như dự đoán của nhiều người, Việt Nam sẽ đẩy nhanh những mục tiêu gì trên trường quốc tế? Liệu trong tương lai Việt Nam có tham gia vào đội quân gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc không?
Trong 30 năm qua, với tư cách là thành viên LHQ, Việt Nam luôn hoạt động cho sự nghiệp hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới; luôn ủng hộ những nỗ lực giải quyết các cuộc xung đột bằng giải pháp hòa bình, bảo đảm chủ quyền và độc lập của các quốc gia; thúc đẩy các chương trình phát triển và giải quyết các vấn đề xã hội toàn cầu, thiết lập mối quan hệ chính trị và kinh tế bình đẳng, cùng có lợi giữa các quốc gia. Việt Nam từng được tín nhiệm bầu vào các vị trí lãnh đạo của nhiều cơ quan quan trọng của LHQ và hiện đang cùng các tổ chức phát triển của LHQ thực hiện thí điểm tại Việt Nam sáng kiến "Một Liên hợp quốc" nhằm cải tổ hệ thống cơ quan phát triển của LHQ.
Xuất phát từ mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa vào những hoạt động của cộng đồng quốc tế, từ năm 1997, Việt Nam đã chính thức ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực của HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009. Việt Nam ý thức sâu sắc niềm vinh dự to lớn và trách nhiệm nặng nề của Ủy viên không thường trực HĐBA, một cơ quan được trao trách nhiệm hàng đầu trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế. Được bầu vào cương vị này, Việt Nam sẽ quán triệt tôn chỉ, mục đích và các nguyên tắc đề ra trong Hiến chương LHQ, hợp tác chặt chẽ với các ủy viên khác và sẽ làm hết sức mình để đóng góp vào việc thực hiện sứ mạng cao cả của HĐBA.Việt Nam sẽ nỗ lực cùng các nước khác góp phần vào việc làm giảm căng thẳng, ngăn ngừa và giải quyết xung đột ở các khu vực trên thế giới. Việt Nam sẽ thể hiện đầy đủ trách nhiệm của một quốc gia tham gia tất cả các điều ước quốc tế quan trọng về chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Việt Nam lên án và chủ trương loại trừ chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Việt Nam cũng sẵn sàng tham gia các cơ chế ở cả trong và ngoài HĐBA về việc tăng cường hỗ trợ tái thiết và phát triển cho những nước đã trải qua xung đột, nhằm tạo lập hòa bình và cải thiện đời sống người dân, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của một quốc gia đã trải qua quá trình tái thiết và phát triển với nhiều vấn đề phải xử lý sau các cuộc chiến tranh ác liệt và đang đạt được những thành tựu quan trọng. Việt Nam luôn coi trọng vai trò tích cực của các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (HĐGGHB LHQ) đối với việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Việt Nam đã đóng góp tài chính và đã tham gia một số hoạt động của Liên hợp quốc trong việc thiết lập hòa bình tại một số nước. Việt Nam đang hoàn tất quá trình chuẩn bị liên quan đến việc tham gia một cách có hiệu quả vào HĐGGHB LHQ, phù hợp với điều kiện và khả năng của Việt Nam.
Việt Nam đã vươn lên từ sự tàn phá của chiến tranh để trở thành một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, hiện đang được mệnh danh là một con hổ mới ở trung tâm của khu vực châu Á năng động. Nhưng vẫn tồn tại một số vấn đề, trong đó có tệ quan liêu, tham nhũng... Xin Thủ tướng chia sẻ tầm nhìn đối với Việt Nam đến năm 2010 và 2020. Những thách thức chính là gì?
Thành tựu của 20 năm Đổi mới đã tạo ra thế và lực mới cho Việt Nam bước vào một giai đoạn phát triển mới. Mặc dù Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, như nguy cơ tụt hậu kinh tế do cạnh tranh ngày càng mạnh giữa các nước; mất cân đối giữa phát triển và công bằng xã hội; các nguy cơ an ninh truyền thống và phi truyền thống; các tệ nạn như quan liêu, tham nhũng, lãng phí, nhưng tôi tin vào tương lai phát triển tươi sáng của Việt Nam.
Mục tiêu tổng quát của Việt Nam là thực hiện "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Để làm được điều đó, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh toàn diện công cuộc Đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; sớm đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng kém phát triển và tạo nền tảng để đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trên tinh thần đó, các phương hướng phát triển lớn sẽ là:
Thứ nhất, đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng hiệu quả và bền vững. Cụ thể là tạo môi trường pháp lý và cơ chế, chính sách thuận lợi để phát huy các nguồn lực của xã hội cho phát triển, các chủ thể hoạt động kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch; tiếp tục phát triển các thể chế thị trường để giải phóng các nguồn lực cho phát triển; phát triển kinh tế tri thức, coi kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cải thiện môi trường kinh doanh, đa dạng hóa các hình thức và cơ chế để thu hút mạnh nguồn lực của các nhà đầu tư.
Thứ hai, cải cách mạnh mẽ và hiệu quả nền hành chính quốc gia, trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Cải cách hành chính vừa nhằm huy động tiềm năng còn rất tiềm tàng của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế để tập trung phát triển đất nước; vừa đáp ứng được đòi hỏi của nhân dân về thực hiện quyền dân chủ. Trong vấn đề cải cách hành chính, một nội dung trọng tâm là thực hiện kiên quyết và đồng bộ các giải pháp phòng chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
Thứ ba, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, kết hợp các mục tiêu kinh tế với các mục tiêu xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hoá, y tế, giáo dục... Đặc biệt, chúng tôi gắn tăng trưởng kinh tế với xóa nghèo, tạo điều kiện cho các bộ phận dân cư nghèo tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản.
Thứ tư, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác. Trong đó, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, hội nhập sâu hơn và đầy đủ hơn với các thể chế kinh tế toàn cầu, khu vực và song phương.
Một số nước trong khu vực đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế mau lẹ, nhưng vì thế mà gây tổn hại nghiêm trọng tới môi trường sinh thái với ô nhiễm không khí và nguồn nước, mực nước ngầm giảm, đất bạc màu, hoang mạc hóa, mất đa dạng sinh học. Việt Nam sẽ làm gì để tránh những hệ quả tiêu cực ấy? Thủ tướng có lo ngại về hiệu ứng nhà kính và những hệ quả của nó đối với Việt Nam hay không?
Bài học kinh nghiệm của một số quốc gia cho thấy hậu quả của việc phát triển kinh tế chưa chú ý đúng mức đến bảo vệ môi trường và tốc độ phát triển kinh tế, đô thị hóa tăng nhanh đã tạo ra áp lực lớn và để lại nhiều vấn đề môi trường bức xúc. Chính phủ Việt Nam đã sớm nhận thức được vấn đề này và luôn khẳng định quan điểm xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước là: "Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường". Cùng với các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, chúng tôi đặc biệt coi trọng công tác này ngay từ khi xây dựng và phê duyệt các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các dự án đầu tư. Tuy nhiên, do đi lên từ một nền kinh tế còn nghèo nàn, lạc hậu, chịu ảnh hưởng bởi hậu quả nặng nề của chiến tranh, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường bức xúc. Vì vậy, trong một số năm trước mắt, song song với việc đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam sẽ tập trung tiến hành các biện pháp cụ thể sau đây:
- Kiểm soát và xử lý chất thải, xử lý triệt để những cơ sở đang gây ô nhiễm nghiêm trọng và từng bước khôi phục những khu vực đang bị suy thoái nặng, trước hết là các lưu vực sông, các khu công nghiệp, làng nghề, các khu đô thị lớn; tăng cường kiểm soát tình trạng khói bụi của các nhà máy, các phương tiện giao thông.
- Phân bổ ngân sách đầu tư đúng mức cho công tác bảo vệ môi trường, dành tỉ lệ thích đáng để xây dựng hạ tầng cấp thoát nước, xử lý nước thải tập trung tại các đô thị; xây dựng các khu xử lý chất thải nguy hại tập trung và xử lý rác thải tại các bệnh viện.
- Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển các dịch vụ về môi trường, khuyến khích các loại hình kinh doanh thân thiện với môi trường.
- Tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường. Kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu, xử lý nghiêm việc nhập khẩu chất thải, hàng hóa trái với quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Về vấn đề hiệu ứng nhà kính, đây không chỉ là mối lo ngại của riêng Việt Nam, mà còn của mọi quốc gia trên thế giới. Hiệu ứng nhà kính gây hậu quả cho toàn cầu, đe dọa cuộc sống trên Trái Đất, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Là nước đang phát triển, Việt Nam không có nghĩa vụ giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã tích cực tham gia thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu, Nghị định thư Ki-ô-tô như: xây dựng các Thông báo quốc gia cho các Chương trình của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; kiểm kê quốc gia các khí thải gây hiệu ứng nhà kính; xây dựng và đánh giá các phương án giảm phát thải khí nhà kính, các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và thực hiện các dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM). Để ngăn chặn hiệu ứng nhà kính một cách có hiệu quả, cần thiết phải có sự hợp tác tích cực của cộng đồng quốc tế; cũng như cần tăng cường hỗ trợ về tài chính, chuyển giao công nghệ mới thân thiện với môi trường từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam là một nước có dân số rất trẻ, 2/3 trong số đó sinh ra sau chiến tranh. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và công nghệ thông tin ngày càng phát triển, họ đang liên hệ nhiều hơn với khu vực và thế giới. Xin Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ phải thay đổi như thế nào để thích nghi với thực tế này?
Nguồn nhân lực trẻ có chất lượng và phổ cập ứng dụng công nghệ thông tin là những yếu tố quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chủ động hội nhập khu vực và thế giới của Việt Nam.
Thế hệ trẻ Việt Nam rất năng động, ham học hỏi và là những người chủ tương lai của đất nước. Chính phủ Việt Nam nhận thức sâu sắc nhiệm vụ cung cấp cho họ hành trang phù hợp, tạo cho họ cơ hội đóng góp tích cực hơn vào công cuộc Đổi mới và hội nhập của đất nước. Đào tạo và rèn luyện thế hệ trẻ, nâng cao chất lượng đào tạo để phù hợp với đòi hỏi mới đã trở thành quốc sách. Việt Nam đang tiếp tục đổi mới phương pháp và chương trình giáo dục đào tạo, cập nhật với khu vực và thế giới...
Thế hệ trẻ Việt Nam cũng đã rất nhanh chóng hiểu được giá trị và biết khai thác Internet - một cánh cửa mở ra thế giới - để học hỏi rèn luyện và tạo ra các cơ hội phát triển cho bản thân và cộng đồng. Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế và chính sách khuyến khích, một mặt để nhanh chóng phổ cập Internet và ứng dụng CNTT trong giới trẻ nói riêng và trong toàn xã hội nói chung, mặt khác để thu hút đầu tư tạo ra thị trường lao động có hàm lượng trí tuệ cao. Tuy Internet mới phát triển ở Việt Nam trong gần 10 năm, nhưng tỷ lệ người sử dụng Internet ở Việt Nam đã đạt gần 20%, trên mức trung bình của thế giới. Tăng nhanh tốc độ phổ cập Internet băng thông rộng và tiếp tục triển khai các chương trình dự án lớn về ứng dụng công nghệ thông tin như chính phủ điện tử, giáo dục - y tế từ xa... đã và đang là những nhiệm vụ trọng tâm. Chúng tôi tin tưởng rằng ngày càng có nhiều người Việt Nam được kết nối và hòa mình với nhịp sống số của khu vực và thế giới.
Bên cạnh internet, Chính phủ sẽ tiếp tục có biện pháp để tạo thuận lợi cho các hoạt động giao lưu văn hóa, du lịch, du học nước ngoài...; qua đó, thế hệ trẻ Việt Nam có thể phát triển toàn diện hơn, tự hào sánh vai với thế hệ trẻ trong khu vực và trên thế giới./.(TTXVN)
Back Top page Print Email |
Related news: |
|