Đại sứ Lê Lương Minh: Việt Nam sẽ có vị thế xứng đáng

Với số phiếu 183/190 ủng hộ, Việt Nam đã chính thức được bầu thành thành viên Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008 - 2009. Ngày 01/01/2008, Việt Nam sẽ chính thức đóng vai trò này. Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được thông báo Đại sứ Lê Lương Minh, trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc đã dành cho VietNamNet cuộc phỏng vấn ngắn.

Không còn vẻ mặt trầm ngâm, suy tư nghe điện thoại trong 60 phút chờ đợi kết quả bỏ phiếu vòng 1 được công bố, vị đại sứ đã có thể mỉm cười, đón chào những cái bắt tay, những lời chúc mừng từ những người đồng nhiệm khắp các quốc gia trên thế giới. Hân hoan, tự hào nhưng lòng Đại sứ Lê Lương Minh cũng nặng trĩu những trăn trở về trách nhiệm nặng nề đất nước đang giao phó trên vai ông và 20 cán bộ tại Phái đoàn Việt Nam tại LHQ.

Trách nhiệm thật nặng nề

- Là Đại sứ Việt Nam tại LHQ đúng vào thời điểm có ý nghĩa này, khi Việt Nam được bầu làm thành viên HĐBA, cảm xúc của ông lúc này như thế nào, thưa Đại sứ?

Cảm xúc chung là rất phấn khởi và tự hào. Việc tham gia HĐBA đánh dấu một bước tiến mới trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam cũng như là thành công, dấu mốc mới của việc triển khai chính sách đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế. Việc này tạo điều kiện để chúng ta tranh thủ tốt hơn sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Dù rất vui nhưng lúc này chúng tôi nghĩ nhiều đến trách nhiệm làm sao để thực hiện tốt trách nhiệm tại HĐBA. Là Đại sứ Việt Nam tại LHQ, tôi phải suy nghĩ làm sao để lãnh đạo phái đoàn trực tiếp tham gia công việc một cách hiệu quả, từ đó, nâng cao được vị thế của Việt Nam.

- Thời gian qua, Việt Nam nói chung và bản thân phái đoàn thường trực Việt Nam đã làm những gì để chuẩn bị cho việc thực hiện vai trò thành viên có trách nhiệm trong HĐBA?

Tham gia HĐBA là việc chúng ta đã trải qua quá trình chuẩn bị cả 10 năm nay. Từ giữa những năm 90, chúng ta đã chủ trương đẩy mạnh nỗ lực hội nhập, trong đó có việc đẩy mạnh nỗ lực tham gia các tổ chức đa phương, nhất là tại LHQ, tổ chức toàn cầu lớn nhất, có phạm vi hoạt động toàn diện nhất, đẩy mạnh tham gia hoạt động của tổ chức này cả bề rộng lẫn bề sâu.

Lúc bấy giờ, chúng ta đánh giá, với vị thế của Việt Nam, với sự tăng trưởng kinh tế 7-8%, cao và ổn định, chính trị ổn định và chính sách đối ngoại rộng mở, được sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, chúng ta thấy cần tham gia sâu hơn, rộng hơn vào công việc của HĐBA. Từ đó, chúng ta đưa ra quyết định ứng cử vào HĐBA vào năm 1997.

Trong quá trình 10 năm qua, chúng ta đã tiến hành chuẩn bị rất nhiều bước, cả bên trong như những bước đi về cải cách hệ thống pháp luật để phục vụ cho hội nhập, trở thành thành viên WTO, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tham gia HĐBA hiện nay hiệu quả, đáp ứng tốt yêu cầu của mình.

Riêng ở phái đoàn, chúng tôi đã hoàn tất hệ thống hồ sơ tư liệu liên quan đến các vấn đề HĐBA sẽ phải thảo luận và xử lý, phối hợp và tăng cường nhân sự.

Hiện nay, chúng ta có 20 cán bộ biên chế và sắp tới sẽ được tăng cường thêm một số biên chế nữa. Đồng thời, chúng ta cũng đã tiến hành những hoạt động trao đổi kinh nghiệm với các nước thành viên LHQ và các nước đã là thành viên HĐBA, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của ban thư ký để đảm bảo chúng ta có thể tham gia tốt các công việc của HĐBA.

Cơ hội tham gia quá trình ra quyết sách

- Việt Nam dự định sẽ thể hiện vai trò của mình như thế nào trên tư cách Ủy viên không thường trực HĐBA?

Nguyên tắc chỉ đạo cơ bản hoạt động của chúng ta tại HĐBA là cùng các nước thành viên khác đảm bảo làm sao để mọi quyết định, nghị quyết của HĐBA phải là những nghị quyết, quyết định góp phần vào giải quyết các xung đột, tranh chấp thông qua đối thoại, đàm phán hoà bình, tránh chiến tranh, đóng góp cho cuộc chiến chống khủng bố của cộng đồng quốc tế cũng như đóng góp cho hoà bình quốc tế, tiến tới thế giới không có vũ khí hạt nhân và các vũ khí huỷ diệt hàng loạt khác.

Chúng ta cũng đảm bảo tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ cũng như luật pháp quốc tế, nhất là nguyên tắc về tôn trọng và bảo vệ chủ quyền quốc gia, trong lãnh thổ quốc gia.

- Bên cạnh đóng góp cho hòa bình, an ninh và phát triển trên thế giới, vì lợi ích chung, Việt Nam sẽ thu được lợi ích riêng gì cho quốc gia, dân tộc và nhân dân mình khi tham gia HĐBA?

Trong thế giới ngày nay, lợi ích quốc gia và lợi ích quốc tế gắn liền với nhau. Trong một thế giới không có hoà bình, an ninh thì khó có quốc gia nào có được nền hoà bình, an ninh toàn vẹn. Chính việc đóng góp vào nỗ lực chung đảm bảo cho hoà bình và an ninh quốc tế là chúng ta đang bảo vệ, củng cố hoà bình và an ninh quốc gia mình. Vì vậy, trở thành thành viên HĐBA là một mốc rất quan trọng đối với mỗi quốc gia thành viên LHQ.

Dù là thành viên hay không là thành viên của HĐBA, các nước vẫn phải tuân thủ các quyết định, nghị quyết của HĐBA nhưng khi là thành viên, chúng ta có cơ hội tham gia vào chính quá trình đưa ra những nghị quyết, quyết định ấy, có đóng góp cụ thể cho quá trình ra quyết định, đảm bảo những quyết định, nghị quyết ấy tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.

Giữ vững nguyên tắc của LHQ, VN sẽ có vị thế xứng đáng

- Từng tham gia vào nhiều tổ chức đa phương và từng bước đóng vai trò tích cực ở các tổ chức này, liệu kinh nghiệm từ việc tham gia đó có thể áp dụng gì cho tình huống tham gia HĐBA này?

Chính quá trình tham gia và tổ chức các diễn đàn, tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng như ASEAN, APEC và mới đây là WTO và tổ chức các hội nghị cấp cao của các tổ chức này cũng là quá trình tích luỹ kinh nghiệm để chúng ta có thể tham gia tốt công việc sắp tới trong HĐBA.

- Trong lịch sử, nhiều nước nhỏ là thành viên HĐBA không có tiếng nói thực sự, và phải chịu sức ép từ các nước lớn. Việt Nam đã chuẩn bị phương án như thế nào để tránh trường hợp này? Phương án ấy được xây dựng trên cơ sở nào?

Khi chúng ta tuân thủ và giữ vững các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, chúng ta sẽ có vai trò, có vị thế, có tiếng nói xứng đáng.

- Nguồn lực trong nước huy động cho việc thực hiện nhiệm vụ thành viên HĐBA là không nhỏ. Liệu những lợi ích Việt Nam đạt được có xứng đáng với những gì chúng ta phải bỏ ra?

Đảm nhận tốt chức năng thành viên của HĐBA, chúng ta có thể nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam, từ đó, tranh thủ tốt hơn sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đối với công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước. Đó chính là những lợi ích lớn đối với chúng ta.

- Xin cảm ơn Đại sứ! (VietNamNet)

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn