Công ước này, được Đại hội đồng Liên hợp quốc nhất trí thông qua ngày 13/12/2006, nhằm thúc đẩy, bảo vệ và bảo đảm cho người tàn tật được hưởng thụ đầy đủ và công bằng tất cả các quyền con người và các quyền tự do, đồng thời chú trọng đề cao nhân phẩm của người tàn tật.
Theo thống kê mới nhất của Liên hợp quốc, khoảng 10% dân số thế giới, tức 650 triệu người, bị tàn tật dưới hình thức này hay hình thức khác. 80% số người tàn tật sống tại các nước đang phát triển, trong đó tỉ lệ người tàn tật ở phụ nữ cao hơn nam giới. Người tàn tật được coi là những người bị thiệt thòi nhất với 1/3 trong số họ sống dưới mức nghèo.
Liên hợp quốc đã ra tuyên bố về quyền của người tàn tật năm 1975 và từ năm 1982 đã quyết định lấy ngày 3/12 hằng năm là Ngày quốc tế Người tàn tật. Ngày Ngày quốc tế Người tàn tật năm nay được tiến hành với chủ đề: "Tạo công ăn việc làm tử tế cho người tàn tật".
Cho đến nay, Công ước Liên hợp quốc về quyền của người tàn tật, được coi là công ước đầu tiên của Thế kỷ 21 về quyền con người, đã được 118 nước ký kết, trong đó có 6 nước phê chuẩn gồm: Giamaica, Hunggari, Panama, Crôatia, Cuba và Ấn Độ. Công ước sẽ có hiệu lực ngay sau khi có đủ 20 nước phê chuẩn.
Các nước phê chuẩn công ước này có nghĩa vụ ban hành luật và các biện pháp nhằm bảo đảm quyền của người tàn tật, đồng thời hủy bỏ các điều luật, các tập quán cũng như tập tục được coi là phân biệt đối xử đối với những người tàn tật./.(TTXVN)