Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam tới Cộng hòa Áo kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (1/12/1972).
Trong thời gian thăm và làm việc tại Áo, Chủ tịch nước dự kiến sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Áo Heinz Fisher, hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Barbara Prammer, Thủ tướng Áo Alfred Gusenbauer; gặp gỡ bà con Việt kiều, giới học giả Áo.
Hai bên sẽ ký kết một số văn kiện quan trọng như Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định công nhận bằng cấp lẫn nhau, Hiệp định về Hợp tác trong lĩnh vực Công nghệ y tế.
Tháp tùng Chủ tịch nước còn có khoảng 60 doanh nghiệp Việt Nam đến Cộng hoà Áo để tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, trao đổi thương mại thông qua Diễn đàn doanh nghiệp hai nước dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 3/6 tại Thủ đô Viên.
Với thế mạnh về các ngành công nghiệp như luyện kim, cơ khí chế tạo, chế biến gỗ, điện tử, dệt, may mặc và các ngành dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, Áo là nước công nghiệp phát triển với phúc lợi xã hội cao ở châu Âu.
Quan hệ giữa Việt Nam và Áo phát triển tốt đẹp trong những năm qua. Nhiều quan chức lãnh đạo của Việt Nam đã sang thăm và làm việc tại Áo như, Thủ tướng Phan Văn Khải thăm chính thức vào tháng 4/1998, Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân vào tháng 5/2002, Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa tháng 9/2005. Ngoài ra còn có các đoàn thuộc Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Ban Đối ngoại Trung ương... sang Áo nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm.
Về phía Áo có Tổng thống Thomas Klestil đã thăm chính thức Việt Nam vào tháng 3/1995, và Chủ tịch Quốc hội Áo Heinz Fischer tháng 4/1997.
Quan hệ thương mại giữa hai nước thời gian gần đây phát triển theo chiều hướng tăng nhưng còn khiêm tốn so với tiềm năng. Năm 2006, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 140 triệu USD, năm 2007 đạt trên 175 triệu USD, trong đó Việt Nam nhập khẩu hơn 63 triệu USD và xuất khẩu hơn 111 triệu USD. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này chủ yếu là giầy dép, máy vi tính, hàng dệt may, linh kiện điện tử, túi xách..., và nhập từ Áo, chất dẻo nguyên liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng, tân dược, gỗ và các sản phẩm gỗ.
Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, Áo tài trợ cho Việt Nam trên 3 lĩnh vực trọng tâm đường sắt, y tế và giáo dục đào tạo.
Về tín dụng, Việt Nam và Áo đã ký 12 hiệp định tín dụng với tổng giá trị tài trợ là hơn 137 triệu Euro. Viện trợ không hoàn lại của Áo hiện tập trung vào hai dự án, dự án "Phục hồi máy kéo'' trị giá hơn 1 triệu USD nhằm mục đích khôi phục 1.500 máy kéo được nhập từ Áo năm 1980 và dự án "Nghiên cứu phát triển công nghệ sau thu hoạch lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long'' trị giá hơn 570.000 USD.
Tính đến tháng 3, Áo có 10 dự án với tổng số vốn hơn 12 triệu USD, đứng thứ 54 trong tổng số 82 nước, vùng lãnh thổ và đứng thứ 10 trong Liên minh châu Âu (EU) về đầu tư vào Việt Nam.
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Áo của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lần này nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với nước bạn, đặc biệt trên các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại đầu tư cho tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên, trao đổi ý kiến về các vấn đề hai bên cùng quan tâm cũng như tăng cường phối hợp, hợp tác trên các diễn đàn quốc tế.
Với khoảng 4.000 người Việt Nam đang ở Áo, chuyến thăm của Chủ tịch nước còn nhằm vận động Chính phủ Áo tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt làm ăn sinh sống và hòa nhập xã hội nước sở tại./.(TTXVN)