Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm trả lời báo chí nhân dịp Chủ tịch nước kết thúc chuyến thăm chính thức Liên bang Nga và Mông Cổ
Câu hỏi: Xin Phó Thủ tướng cho biết kết quả chuyến thăm chính thức Liên bang Nga và Mông Cổ?
Trả lời:
Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Đi-mi-tri Mét-vê-đép và Tổng thống Mông Cổ Ên-khơ-bai-a, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã sang thăm chính thức Liên bang Nga và Mông Cổ từ ngày 26 đến 31/10/2008. Trong chuyến thăm đầu tiên này đến hai nước trên cương vị Chủ tịch nước, lãnh đạo và nhân dân hai nước đã giành cho Chủ tịch và đoàn Việt Nam sự đón tiếp rất trọng thị, thân tình và chu đáo; hội đàm và gặp gỡ các lãnh đạo cấp cao nhất ở cả hai nước.
Chuyến thăm đã đạt được những kết quả hết sức tốt đẹp, tạo động lực mới cho việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với Liên bang Nga và Mông Cổ. Cụ thể là:
Với Liên bang Nga:
Lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất cần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược. Nga khẳng định phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga ở Châu Á - Thái Bình Dương, là nguyện vọng và ý chí của Lãnh đạo và nhân dân Nga.
Hai bên đã ký hơn 10 Hiệp định, thoả thuận hợp tác quan trọng trên nhiều lĩnh vực.
Về chính trị: Hai bên nhất trí duy trì và tăng cường tiếp xúc thường xuyên ở cấp cao, các bộ, ngành, đoàn thể quần chúng và địa phương giữa hai nước; tăng cường phối hợp tại Liên hợp quốc và các diễn đàn khu vực và quốc tế; đẩy mạnh quan hệ về an ninh-quốc phòng giữa hai nước. Tổng thống Med-vê-đép và Thủ tướng Putin đều nhận lời sớm thăm Việt Nam.
Về kinh tế-thương mại, hai bên đã thống nhất nhiều biện pháp quan trọng để phát triển hơn nữa quan hệ kinh tế thương mại bình đẳng, cùng có lợi giữa hai nước lên ngang tầm đối tác chiến lược. Lãnh đạo Nga ủng hộ đề nghị của ta về việc Nga cấp tín dụng ưu đãi cho Việt Nam nhằm hỗ trợ cho các tập đoàn kinh tế lớn của Nga tham gia vào những dự án, công trình lớn ở Việt Nam về năng lượng, cơ khí, viễn thông, xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác và chế biến khoáng sản, các ngành công nghệ cao...
Về giáo dục-đào tạo: Nga hiện là nước cung cấp số lượng học bổng đại học và sau đại học nhiều nhất cho Việt Nam. Bạn đã ủng hộ sáng kiến của ta về việc thành lập một trường đại học Nga tại Việt Nam, coi đây là một ý tưởng quan trọng.
Về văn hoá, hai bên đồng ý tiếp tục những ngày văn hoá Nga tại Việt Nam và những ngày văn hoá Việt Nam ở Nga, tăng cường giao lưu văn hoá để củng cố quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Về du lịch, lãnh đạo Nga hoan nghênh việc Việt Nam quyết định miễn thị thực nhập cảnh 15 ngày cho công dân Nga từ ngày 1/1/2009, coi đây là biện pháp quan trọng để đưa số du lịch Nga vào Việt Nam từ vài chục ngàn người hiện nay lên hàng trăm nghìn người trong thời gian tới.
Đáng chú ý, Lãnh đạo Nga đã chủ động cam kết tạo mọi điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam được sinh sống, lao động và học tập thuận lợi tại Nga.
Với Mông Cổ:
Các cuộc tiếp xúc với Lãnh đạo của bạn cũng hết sức chân tình và cởi mở. Lãnh đạo bạn khẳng định luôn rất coi trọng quan hệ hữu nghị, truyền thống và hợp tác với Việt Nam vì Việt Nam là đối tác gần gũi nhất của bạn tại khu vực Đông Nam Á.
Bạn cũng rất quan tâm đến việc tham khảo các kinh nghiệm trong công cuộc phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo của Việt Nam.
Hai bên nhất trí thúc đẩy và mở rộng quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực. Trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục duy trì trao đổi các đoàn cấp cao và cấp bộ, ngành; khuyến khích, ủng hộ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh hợp tác, phấn đấu đưa quan hệ hữu nghị hợp tác kinh tế - thương mại có bước phát triển mới, nhất là trên các lĩnh vực bạn muốn ta hợp tác khai thác khoáng sản (than, đồng, dầu khí...), xây dựng cơ sở hạ tầng, liên doanh chế biến nông sản, sản xuất thuốc chữa bệnh cho người và gia súc.
Tóm lại, chuyến thăm của Chủ tịch nước tới Liên bang Nga và Mông Cổ đã đạt được kết quả hết sức quan trọng. Vấn đề tiếp theo là hai bên cần chủ động và tích cực trong việc triển khai các thoả thuận đã đạt được. Tôi nghĩ các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp của Việt Nam cần quán triệt sâu sắc và chủ động thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Nga, quan hệ hữu nghị với Mông Cổ, nắm bắt thời cơ đang mở ra nhằm đưa quan hệ giữa Việt Nam với hai nước bước vào giai đoạn phát triển mới, đóng góp thiết thực cho công cuộc phát triển kinh tế và xây dựng đất nước của mỗi nước vì hoà bình, ổn định và hợp tác cùng phát triển trong khu vực và trên thế giới./.
(Ulan-Bato, ngày 31/10/2008)
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |