Hội nghị tổng kết năm 2008 của các quan chức cao cấp (CSOM) diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (Apec)
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối mặt với khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, Hội nghị khẳng định APEC cần phát huy vai trò trong việc ứng phó với khủng hoảng và thúc đẩy phát triển kinh tế. Các quan chức nhất trí kiến nghị các nhà Lãnh đạo APEC ra một Tuyên bố riêng về kinh tế toàn cầu, qua đó thể hiện cam kết về tiếp tục mở cửa. Các quan chức cũng kiến nghị các nhà Lãnh đạo bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với kế hoạch hành động được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 về khủng hoảng tài chính, diễn ra tại Oa-sing-tơn, Mỹ ngày 15/11/2008.
Trước những bất ổn về giá lương thực trên thị trường thế giới, Hội nghị đã thông qua kế hoạch hợp tác về an ninh lương thực, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường công tác nghiên cứu - phát triển, hỗ trợ xây dựng năng lực nhằm mở rộng sản xuất, củng cố hệ thống dự trữ, vận chuyển và phân phối lương thực, phát triển công nghệ sinh học trong nông nghiệp… Đối phó với thiên tai và tình trạng khẩn cấp cũng là một nội dung thảo luận quan trọng tại Hội nghị, theo đó, các quan chức đã thông qua Chiến lược giảm thiểu nguy cơ thiên tai và sẵn sàng ứng phó với tình trạng khẩn cấp của khu vực châu Á - Thái Bình Dương giai đoạn 2009 - 2015.
Hội nghị cũng đã thảo luận và thông qua kết quả hợp tác năm 2008, khẳng định cần thúc đẩy hơn nữa vấn đề hội nhập kinh tế khu vực - một nội dung hợp tác quan trọng được nhấn mạnh từ Hội nghị Cấp cao Hà Nội năm 2006. Theo đó, các Quan chức nhất trí tiếp tục nghiên cứu ý tưởng xây dựng khu vực Thương mại Tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Ngoài ra, Hội nghị cũng thảo luận nhiều vấn đề khác như chống tham nhũng, chống khủng bố, hợp tác y tế, hỗ trợ kinh tế, kỹ thuật, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và cải cách APEC.
Tại Hội nghị, đoàn Việt Nam đã chủ động tham gia tích cực và đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, đặc biệt trong việc cùng các thành viên APEC xây dựng kế hoạch hợp tác về an ninh lương thực. Ta cũng nhấn mạnh ưu tiên của Việt Nam đối với các vấn đề hội nhập kinh tế khu vực, ứng phó với khủng hoảng tài chính, an ninh lương thực, đối phó với thiên tai và tình trạng khẩn cấp. Nhiều quan điểm của Việt Nam đã được các thành viên ủng hộ và ghi nhận trong báo cáo chung trình lên các phiên họp cấp cao./.
Back Top page Print Email |