Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC lần thứ 20
Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo các Bộ Ngoại giao và Kinh tế của 21 thành viên APEC, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Doanh nhân APEC (ABAC), Tổng Thư ký Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đại diện Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC), đại diện Diễn đàn các Đảo Thái Bình Dương (PIF) và Ban Thư ký APEC. Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị
HNBT diễn ra ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh G20 vừa được tổ chức tại Oa-sinh-tơn. Các Bộ trưởng APEC đánh giá cao cam kết của Hội nghị G20 về tài chính và thương mại nhằm khôi phục lòng tin, giải quyết khủng hoảng và thúc đẩy tăng trưởng. Các Bộ trưởng thống nhất quan điểm, với vai trò là diễn đàn hợp tác kinh tế, thương mại quan trọng hàng đầu trong khu vực và trên thế giới, APEC cần thể hiện quyết tâm mạnh mẽ với những cam kết cụ thể nhằm tạo động lực hơn nữa thúc đẩy giải quyết khủng hoảng. Theo đó, các Bộ trưởng nhất trí kiến nghị các Nhà Lãnh đạo ra Tuyên bố Li-ma về Kinh tế Toàn cầu nhằm tăng cường phối hợp trong lĩnh vực tài chính, đồng thời thúc đẩy để đạt được thỏa thuận về phương thức cắt giảm thuế trong WTO ngay trong tháng 12/2008. Ngay sau chỉ đạo của các Bộ trưởng, các chuyên gia WTO của APEC đã nhóm họp để thảo luận việc phối hợp thúc đẩy Vòng Đô-ha trong các cuộc đàm phán tại Giơ-ne-vơ sắp tới.
Các Bộ trưởng cũng cho rằng trong bối cảnh khủng hoảng, APEC cần tiếp tục tăng cường hợp tác về cải cách cơ cấu, tự do hóa và thuận lợi hoá thương mại và đầu tư, thực hiện chương trình hội nhập kinh tế khu vực. Tuy dành ưu tiên cho đối phó với khủng hoảng, các nền kinh tế cần duy trì nỗ lực giải quyết các thách thức về đói nghèo, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, tạo công ăn việc làm, và nhất là thực hiện đúng tiến độ các Mục tiêu Thiên niên kỷ.
HNBT ủng hộ đề xuất của ABAC về củng cố Hệ thống Lương thực APEC, thông qua Kế hoạch hoạt động của APEC về an ninh lương thực, trong đó đưa ra một số biện pháp cụ thể nhằm giải quyết vấn đề bất ổn giá lương thực, nghiên cứu phát triển, công nghệ sinh học, viện trợ lương thực, minh bạch hóa thị trường hàng hóa nông nghiệp và vấn đề an sinh xã hội.
Theo cam kết của HNCC 2006 tại Hà Nội, hội nhập kinh tế khu vực trở thành trọng tâm trong chương trình nghị sự của APEC. Kết quả quan trọng là HNBT đã thông qua Chương trình Nghị sự kéo dài nhiều năm về Hội nhập Kinh tế Khu vực. Các Bộ trưởng cũng thảo luận khả năng và triển vọng hình thành khu vực mậu dịch tự do châu Á- Thái Bình Dương (FTAAP) và nhất trí giao các quan chức cao cấp nghiên cứu toàn diện hơn về tác động của FTAAP.
Hội nghị cũng nêu bật nhiều ưu tiên hoạt động của APEC, như thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, hợp tác kinh tế - kỹ thuật… Liên quan đến hợp tác về an ninh con người, HNBT thông qua Chiến lược Giảm thiểu nguy cơ thiên tai và sẵn sàng ứng phó với tình trạng khẩn cấp tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương giai đoạn 2009-2015 và Nguyên tắc của APEC về đối phó và hợp tác chống thiên tai. Hội nghị cũng cam kết tăng cường lồng ghép bình đẳng giới giới vào các chính sách kinh tế, thương mại, nhấn mạnh sự phân biệt đối xử về giới đã làm khu vực Châu Á – Thái Bình Dương thiệt hại hàng năm tới 80 tỉ USD. Hội nghị Bộ trưởng cũng đánh giá cao đề xuất của Việt Nam tổ chức Hội nghị các Giám đốc điều hành cơ quan về đối phó với tình trạng khẩn cấp tại Hà Nội năm 2009.
Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng đã thông qua toàn văn Tuyên bố chung của Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC lần thứ 20.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |
Các tin liên quan: |
|