Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:
Xin Thứ trưởng cho biết những mục đích chủ yếu của Hội nghị Ngoại giao 26?
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh: Hội nghị ngoại giao 26 diễn ra vào thời điểm cả nước đang nỗ lực phấn đấu khắc phục những khó khăn kinh tế - xã hội do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, quyết tâm thực hiện những nhiệm vụ mà Đại hội X của Đảng đề ra.
Với chủ đề “Tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng”, Hội nghị sẽ tập trung đánh giá những tác động sâu sắc của tình hình thế giới và khu vực đối với an ninh, phát triển của nước ta; những thành tựu và tồn tại trong việc triển khai đường lối đối ngoại từ Đại hội X đến nay, rút ra những bài học, kinh nghiệm quí báu, từ đó kiến nghị những chủ trương, chính sách lớn về đối ngoại trong thời gian tới.
Hội nghị lần này sẽ tập trung vào những nội dung chính nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh: Với những mục đích nêu ở trên, trọng tâm của Hội nghị là xác định rõ những thuận lợi và thách thức đối với nước ta trong thời gian tới; vai trò và nhiệm vụ của ngành ngoại giao trong tình hình mới với 4 nội dung quan trọng là ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân.
Hội nghị sẽ kiểm điểm việc thực hiện Chương trình hành động Hội nghị ngoại giao 25, định ra những phương hướng lớn cho công tác xây dựng ngành, nâng cao vai trò của các cơ quan đại diện ta ở nước ngoài, đào tạo đội ngũ cán bộ ngoại giao có đủ năng lực, phẩm chất, trí tuệ để hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao.
Hội nghị sẽ thông qua “Chương trình hành động Hội nghị ngoại giao 26” nhằm quán triệt và cụ thể hóa những tư tưởng chỉ đạo của Đảng về công tác đối ngoại thành những hành động cụ thể, góp phần vào đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thứ trưởng nhận định thế nào về thời cơ, thách thức đối với ngành Ngoại giao trong giai đoạn hiện nay?
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh: Bác Hồ đã từng nói “thực lực như cái chiêng, ngoại giao như cái tiếng, chiêng có to tiếng mới lớn”. Do đó, có thể nói thuận lợi cơ bản nhất là sau hơn 20 năm đổi mới, thế và lực của nước ta đã được nâng cao, kinh tế phát triển năng động, Việt Nam có vị thế ngày càng quan trọng trên trường quốc tế. Những thuận lợi đó càng được tăng thêm nhờ sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước, sự ủng hộ của nhân dân, sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Những khó khăn đó trước hết là do trình độ phát triển của nước ta còn thấp, cơ sở vật chất còn lạc hậu chưa theo kịp với sự phát triển của một nền ngoại giao hiện đại; đội ngũ cán bộ vẫn thiếu vắng những chuyên gia đầu đàn trong nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, những chuyển biến nhanh chóng, phức tạp của tình hình thế giới, khu vực cũng đặt ra những thách thức mới, đòi hỏi các cán bộ đối ngoại phải hết sức nhạy bén trong nghiên cứu, dự báo tình hình, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Để nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, xin Thứ trưởng cho biết những nhiệm vụ sắp tới của ngành ngoại giao trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập kinh tế sâu rộng với khu vực và thế giới?
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh: Để nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, chúng ta phải kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa, lấy mục tiêu cao nhất là phát triển đất nước; đẩy mạnh chính sách đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại. Theo tinh thần đó, những ưu tiên của ngành ngoại giao trong thời gian tới là:
- Tiếp tục đưa quan hệ với các nước, đặc biệt là các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, hiệu quả, ổn định lâu dài và bền vững.
- Triển khai mạnh mẽ công tác ngoại giao kinh tế, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển đất nước.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác phân giới cắm mốc, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng; góp phần giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia trên bộ, trên biển.
- Tăng cường công tác ngoại giao văn hóa, thông tin tuyên truyền đối ngoại, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế quốc tế của nước ta trên thế giới.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác ngoại giao đa phương, phát huy vai trò của Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; hoàn thành tốt vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
- Đẩy mạnh công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, công tác bảo hộ công dân.
- Chú trọng công tác qui hoạch, đào tạo cán bộ, từng bước hoàn thiện cơ cấu tổ chức, các cơ quan đại diện ta ở nước ngoài theo hướng chuyên nghiệp hóa, hiện đại./.
(TTXVN/Vietnam+)