Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ ba, ngày 24 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

40 năm quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp Việt Nam-Thụy Điển, hướng tới quan hệ đối tác hợp tác bình đẳng trong những năm đầu thế kỷ XXI


                                                                         Đồng chí Phạm Gia Khiêm,
                                                                            Uỷ viên Bộ Chính trị,
                                                                         Phó Thủ tướng Chính phủ,
                                                                          Bộ trưởng Bộ Ngoại giao


Thụy Điển là nước công nghiệp phát triển đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay từ khi đất nước ta còn trong chiến tranh (ngày 11/01/1969) và cũng là nơi có phong trào đoàn kết ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ  trong suốt cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước của nhân dân ta. Hình ảnh cố Thủ tướng Ô-lốp Pan-mơ giương cao bó đuốc rực lửa dẫn đầu đoàn biểu tình chống chiến tranh xâm lược Việt Nam đã trở thành biểu tượng sáng ngời lương tri loài người tiến bộ trên toàn thế giới ủng hộ Việt Nam. Nhiều thế hệ người Việt Nam sẽ mãi mãi khắc sâu tình hữu nghị, sự ủng hộ tinh thần và giúp đỡ vật chất hào hiệp và hiệu quả mà Chính phủ và nhân dân Thụy Điển đã dành cho nhân dân Việt Nam suốt 40 năm qua.

Trải qua bốn thập kỷ với bao thăng trầm của lịch sử, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Thụy Điển đã được Chính phủ và nhân dân hai nước không ngừng vun đắp và phát triển trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế-thương mại-đầu tư, văn hoá-giáo dục, khoa học-công nghệ. Điểm sáng trong quan hệ hợp tác Việt Nam-Thụy Điển là nguồn viện trợ phát triển quý báu mà Chính phủ và nhân dân Thụy Điển đã dành cho Việt Nam liên tục trong 40 năm qua. Nhiều công trình quan trọng phục vụ dân sinh do Thụy Điển giúp xây dựng tại Việt Nam như Bệnh viện Nhi Thụy Điển, Bệnh viện Đa khoa Uông Bí, Nhà máy Giấy Bãi Bằng, v.v... từ lâu đã trở thành những biểu tượng sinh động của tình hữu nghị gắn bó giữa hai nước. Có thể khẳng định rằng viện trợ phát triển của Thụy Điển đã được sử dụng hiệu quả trong các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam như xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, cải cách hành chính, v.v..., góp phần quan trọng cải thiện đời sống của người dân các vùng nhận viện trợ nói riêng và công cuộc phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam nói chung.

Trên bình diện chính trị-ngoại giao, hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, ở cả cấp trung ương và địa phương, qua đó củng cố vững chắc cơ sở để tăng cường quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Nhiều nhà lãnh đạo ta đã đi thăm Thụy Điển như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải. Nhiều nhà lãnh đạo Thụy Điển như Thủ tướng Can Bin, Nhà Vua Can XVI Gút-xtáp và Hoàng hậu Xin-vi-a, Thủ tướng Giơ-ran Péc-xơn cũng đã thăm Việt Nam.

Quan hệ thương mại-đầu tư giữa hai nước phát triển tích cực. Nhiều tập đoàn và doanh nghiệp lớn của Thụy Điển như Comvik, Ericsson, ABB, Electrolux, SKF, Ikea... đã sớm có mặt và đang hoạt động hiệu quả tại Việt Nam. Người dân Thụy Điển đã quen với nhiều sản phẩm giày dép, hàng may mặc, đồ gỗ nội thất, hàng nông hải sản đến từ Việt Nam. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại hai chiều và đầu tư của Thụy Điển tại Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên (năm 2008, kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 450 triệu USD, FDI của Thụy Điển không tăng trong 10 năm qua và dừng lại ở mức khoảng 460 triệu USD).

Trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh công cuộc đổi mới, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, bắt đầu gia nhập nhóm các nước đang phát triển có thu nhập trung bình, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Thụy Điển cũng chuyển sang giai đoạn mới, từ quan hệ hỗ trợ phát triển trở thành quan hệ đối tác hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, tập trung tăng cường hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ. Chính phủ Việt Nam thực hiện chủ trương nhất quán coi trọng và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Thụy Điển đầu tư, kinh doanh ổn định, lâu dài và hiệu quả tại Việt Nam, phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 1 tỷ USD và đầu tư của Thụy Điển tại Việt Nam lên 1 tỷ USD trong một vài năm tới như cam kết giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thụy Điển, Chính phủ và nhân dân Việt Nam gửi tới Chính phủ, Hoàng gia và nhân dân Thụy Điển lời cảm ơn sâu sắc và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Với nhận thức chung và quyết tâm của Chính phủ và nhân dân hai nước, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Thụy Điển sẽ tiếp tục phát triển vững chắc, hướng tới quan hệ đối tác hợp tác bình đẳng, toàn diện, đáp ứng nguyện vọng chung của nhân dân hai nước, vì hoà bình, ổn định và phát triển trên thế giới./.


.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer