Chuyến thăm thúc đẩy quan hệ hợp tác với Qatar và Kuwait
Nhận lời mời của Thủ tướng Qatar Hamad Bin Jasim Bin Jaber Al Thani và Thủ tướng Kuwait Nasser Al Mohammed Al Ahmed Al Jaber Al Sabah, hôm nay (7/3), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân bắt đầu chuyến thăm chính thức Qatar và Kuwait. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến Qatar và Kuwait kể từ khi Việt Nam và hai nước này thiết lập quan hệ ngoại giao. Chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam - Qatar; Việt Nam - Kuwait vì lợi ích của nhân dân Việt Nam, Qatar và Kuwait.
Nằm ở vùng Vịnh tuy có diện tích nhỏ và dân số ít (Qatar có 1 triệu người và Kuwait có hơn 2,5 triệu người) nhưng Qatar và Kuwait là những quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh, với nguồn tài nguyên dầu mỏ có trữ lượng lớn. Theo thống kê, trữ lượng dầu lửa của Qatar lớn (16 tỉ thùng), hơi đốt là 25.000 tỉ m3, đứng thứ 3 thế giới và đứng đầu thế giới về xuất khẩu khí hóa lỏng. Nền kinh tế Qatar chủ yếu dựa vào công nghiệp khai thác, chế biến dầu lửa và hơi đốt. Dầu lửa và hơi đốt đem lại khoảng 85% nguồn thu xuất khẩu và 60% GDP. Ngoài dầu lửa, Qatar còn có một số nhà máy xi măng, sửa chữa tàu thuyền. Qatar xuất khẩu chủ yếu các sản phẩm dầu, phân bón, thép..., nhập khẩu máy móc, thiết bị, hàng tiêu dùng, thực phẩm, hóa chất. Hiện Qatar có khoảng 600.000 lao động nước ngoài làm việc.
Kuwait cũng là một quốc gia có trữ lượng dầu lớn (94 tỷ thùng - chiếm gần 10% trữ lượng thế giới) tương đương 13,3 tỷ tấn, kinh tế Kuwait những năm gần đây cũng đã thay đổi nhanh chóng. Với sản lượng khai thác dầu hiện nay 2,6 triệu thùng/ngày hiện nay, thu nhập từ dầu khí mang lại cho Kuwait mỗi năm 47 tỷ USD.
Những năm gần đây, quan hệ giữa Việt Nam và Qatar được tăng cường và mở rộng, hai bên đã trao đổi nhiều đoàn các cấp. Quan hệ kinh tế giữa hai nước cũng có những bước phát triển mạnh mẽ. Việt Nam và Qatar đã ký kết nhiều văn bản như: Hiệp định hợp tác hàng không; Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật; thỏa thuận hợp tác dầu khí… Tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Qatar năm 2008 đạt gần 80 triệu USD. Qatar mong muốn hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực: bất động sản, năng lượng, nông nghiệp, thương mại, đầu tư tài chính… Từ năm 2006 đến nay, hợp tác lao động giữa Việt Nam và Qatar đã phát triển mạnh với khoảng 11.000 công nhân Việt Nam hiện đang làm việc tại Qatar trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Đối với Kuwait, quan hệ Việt Nam và Kuwait ngày càng được tăng cường và mở rộng. Tại các cuộc gặp cấp cao giữa hai nước, lãnh đạo hai bên nhất trí tăng cường hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế thương mại. Kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Việt Nam và Kuwait đạt 44 triệu USD (năm 2007) và tăng mạnh lên 150 triệu USD (năm 2008). Hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Kuwait chủ yếu là sản phẩm dệt may, hàng hải sản, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính, sản phẩm điện tử, hàng rau quả, hạt tiêu, giày dép các loại, sản phẩm gốm sứ...
Hai nước nhất trí sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Việt Nam và Kuwait hoạt động kinh doanh, góp phần tăng cường và củng cố hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Thông qua “Quỹ Kuwait phát triển kinh tế Arab”, Kuwait giúp Việt Nam nguồn vốn vay với tổng cộng hơn 100 triệu USD cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng (công trình thủy lợi, đường giao thông nông thôn). Việt Nam và Kuwait đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng, như Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật; Hiệp định Thương mại; Hiệp định khuyến khích bảo hộ đầu tư; Hiệp định vận chuyển hàng không…
Trên cơ sở hợp tác tốt đẹp sẵn có, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Qatar và Kuwait sẽ tiếp tục củng cố và mở rộng quan hệ chính trị đối ngoại, tạo môi trường thuận lợi để đưa quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước này đi vào chiều sâu, ổn định. Đây cũng là dịp để Việt Nam - Qatar - Kuwait thúc đẩy đột phá trong hợp tác kinh tế đầu tư, thương mại trong bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng như hiện nay.
Chuyến thăm cũng nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có tiềm năng và yêu cầu như dầu khí, lao động, hợp tác nông nghiệp; ký kết các văn kiện tạo khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh; tăng cường hợp tác và phối hợp giữa Việt Nam với hai nước trên các diễn đàn quốc tế và khu vực./.
(VOV)
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |