Đẩy mạnh hợp tác giáo dục Việt Nam-New Zealand
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân tiếp Thứ trưởng Giáo dục New Zealand Karen Sewell (TTXVN)
Hai bên đã nhìn nhận, đánh giá kết quả thực hiện Văn bản thoả thuận hợp tác giáo dục đào tạo giữa hai Chính phủ đã được ký kết từ tháng 2/2008 và xác định những vấn đề trọng tâm cần triển khai giai đoạn tới. New Zealand cũng đã tăng số học bổng sau đại học cho Việt Nam từ 10 suất/năm lên 17 suất/năm từ năm nay, trong đó có 7 học bổng dành riêng cho đào tạo giáo viên tiếng Anh.
Số học sinh, sinh viên Việt Nam sang học tại New Zealand cũng đã tăng mạnh. Hiện có khoảng 2.000 sinh viên Việt Nam theo học tại New Zealand, phần lớn là tự túc kinh phí. Kết quả này là do triển khai Văn bản Thoả thuận trên, phía New Zealand giảm một nửa học phí cho học viên cao học Việt Nam.
Hai bên cũng nhất trí cần có các cuộc gặp đinh kỳ giữa lãnh đạo Bộ Giáo dục hai nước hoặc thành lập Nhóm công tác chung để thường xuyên trao đổi thông tin, thúc đấy việc triển khai Văn bản thoả thuận đã ký giữa hai Chính phủ; từng bước mở rộng quan hệ hợp tác song phương giữa các cơ sở đào tạo hai nước. Tương lai gần, sẽ hình thành một nhóm các trường đại học của Việt Nam (có đào tạo tiếng Anh) và một nhóm trường đại học của New Zealand sẽ tiến hành trao đổi sinh viên trong từng học kỳ của mỗi năm học.
Trên cơ sở nhu cầu phát triển của Việt Nam, với thế mạnh của mình, thời gian tới, New Zealand nhất trí sẽ giúp đỡ Việt Nam trong việc đào tạo nhân lực và cấp phần mềm quản lý cho Trung tâm dự báo nguồn nhân lực vừa được hình thành tại Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội. Bên cạnh đó, New Zealand cũng cam kết sẽ tích cực giúp Việt Nam thực hiện đề án “Đối mới và nâng cao hiệu quả việc dạy và sử dụng tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân''.
Đặc biệt, sắp tới, Bộ Giáo dục hai nước sẽ cùng nhau trao đổi Chuẩn quốc gia về trình độ kiến thức và kỹ năng của học sinh, sinh viên các cấp. Chuẩn này được xem là một căn cứ quan trọng giúp New Zealand xây dựng thành công nhiều bộ sách giáo khoa áp dụng phù hợp cho các vùng, miền có điều kiện kinh tế xã hội khác nhiều năm qua./.
(TTXVN/Vietnam+)
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |
Các tin liên quan: |
|