Trả lời phỏng vấn của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm
Câu 1: Xin Phó Thủ tướng cho biết ý nghĩa và kết quả đạt được của Phiên họp Thượng đỉnh của HĐBA LHQ về Không phổ biến vũ khí hạt nhân và Giải trừ vũ khí hạt nhân?
Trong suốt 70 năm qua kể khi từ ra đời, vũ khí hạt nhân chưa bao giờ mang lại đảm bảo an ninh tuyệt đối cho bất cứ ai. Trái lại, sự tồn tại của những kho vũ khí hạt nhân lớn, hiện còn đến 28.000 đầu đạn hạt nhân, đủ sức hủy diệt Trái Đất nhiều lần, đặt các nước có vũ khí hạt nhân và không có vũ khí hạt nhân trước nguy cơ bị tàn phá, huỷ diệt. Không những vậy, việc duy trì, phát triển vũ khí hạt nhân đòi hỏi những khoản chi phí khổng lồ, có thể hàng nghìn tỉ USD, làm mất đi nguồn lực to lớn đáng lẽ ra nên được dùng để giải quyết các vấn đề cấp bách được cộng đồng quốc tế quan tâm như xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường… Vì vậy, trong khi đảm bảo quyền sử dụng công nghệ hạt nhân vào các mục đích hoà bình, việc ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, chống phổ biến tiến tới giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân là nguyện vọng thiết tha của nhân loại, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với hoà bình, ổn định, phát triển và luôn là ưu tiên hàng đầu trong các nỗ lực phấn đấu của cộng đồng quốc tế.
Nhiều năm qua, thương lượng để giải trừ các kho vũ khí hạt nhân gặp bế tắc do các nước còn nhiều khác biệt về lợi ích, chiến lược an ninh, cũng như về lộ trình, cách thức triển khai cụ thể các nghĩa vụ trong lĩnh vực này. Trong khi đó, tình hình phổ biến hạt nhân lại diễn biến phức tạp và nguy cơ vũ khí hạt nhân rơi vào tay các nhóm khủng bố quốc tế gia tăng. Đáng ghi nhận là trong năm qua, cũng đã xuất hiện một số diễn biến tích cực. Hội nghị Giải trừ quân bị của LHQ tại Giơ-ne-vơ đã thông qua Chương trình làm việc năm 2009 sau hơn 10 năm bế tắc; Tổng Thư ký LHQ có sáng kiến 5 điểm về giải trừ quân bị, và một số nước có VKHN có những phát biểu tích cực về việc cắt giảm các vũ khí này. Trong bối cảnh đó, Phiên họp Thượng đỉnh của HĐBA về chống phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân có ý nghĩa hết sức quan trọng, được tất cả các nước hoan nghênh, ủng hộ. Trong 64 năm hoạt động của Liên hợp quốc, đây là phiên họp thượng đỉnh thứ 5 của Hội đồng Bảo an và là phiên họp thuợng đỉnh đầu tiên của Hội đồng bàn về giải trừ VKHN.
Tại Phiên họp, các nước thành viên HĐBA đã đồng thuận thông qua Nghị quyết khẳng định 3 trụ cột của vấn đề hạt nhân, đó là giải trừ vũ khí hạt nhân, chống phổ biến vũ khí hạt nhân và quyền sử dụng công nghệ, năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình, đồng thời nhắc lại các nguyên tắc, cam kết, lộ trình đã được cộng đồng quốc tế thống nhất, Nghị quyết cũng hoan nghênh những diễn biến tích cực gần đây, kêu gọi các nước thực hiện nghĩa vụ và tăng cường các biện pháp giải trừ quân bị, chống phổ biến vũ khí hạt nhân…
Trên cương vị ủy viên Không thường trực HĐBA, với chính sách hòa bình, chống chạy đua vũ trang và phổ biến vũ khí hạt nhân, ủng hộ giải trừ quân bị hạt nhân, Việt Nam đã tích cực tham gia vào quá trình chuẩn bị và thảo luận tại Phiên họp, đặc biệt là đề xuất Sáng kiến tổ chức một Hội nghị quốc tế về sử dụng hoà bình năng lượng hạt nhân. Nhìn chung, Phiên họp đã góp phần khẳng định vai trò của hợp tác đa phương, nhất là vai trò trung tâm của LHQ, của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trong lĩnh vực giải trừ quân bị và chống phổ biến vũ khí hạt nhân, tạo đà cho các nỗ lực chung sắp tới và đưa vấn đề này trở lại trung tâm chương trình nghị sự của cộng đồng quốc tế.
Câu 2: Xin Phó Thủ tướng cho biết về những vấn đề lớn nổi lên tại Phiên thảo luận chung Cấp cao Khóa 64 ĐHĐ LHQ trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay?
Từ cuối năm 2008 đến nay, thế giới đã trải qua nhiều biến động lớn. Tất cả các quốc gia đang phải chịu tác động tiêu cực, sâu rộng của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu nghiêm trọng nhất trong hơn 70 năm qua. Cuộc khủng hoảng còn làm trầm trọng hơn những thách thức lâu nay về an ninh lương thực, xoá đói, giảm nghèo, năng lượng, biến đổi khí hậu… Cùng với đó, căng thẳng, xung đột và nguy cơ khủng bố quốc tế tại nhiều nơi làm gia tăng mối quan ngại chung về hoà bình, ổn định, an ninh và phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, trong khó khăn chúng ta lại thấy những điểm sáng, đó là các tín hiệu khả quan bước đầu của kinh tế thế giới, tiến triển tích cực trong tiến trình hoà bình ở một số nước, và nhất là các nước ngày càng ý thức được tầm quan trọng của việc phải chung sức, tăng cường hợp tác đa phương để giải quyết các vấn đề toàn cầu cấp bách hiện nay, qua đó đặt nền tảng lâu dài cho việc đảm bảo hoà bình và thịnh vượng chung.
Trong bối cảnh đó, Khóa 64 ĐHĐ LHQ là dịp quan trọng để các nước cùng nhau nhìn nhận, đánh giá những thách thức nêu trên và thảo luận các biện pháp ứng phó, nhất là về tăng cường hợp tác quốc tế và vai trò của LHQ. Khoá 64 ĐHĐ còn có ý nghĩa là thời điểm quan trọng để nghiên cứu, chuẩn bị đưa ra các định hướng cho LHQ nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập LHQ và kiểm điểm 10 năm thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ vào năm tới. Trên tinh thần đó, Chủ tịch ĐHĐ (Li-bi) đã đề nghị chủ đề cho Phiên thảo luận chung cấp cao năm nay là “Ứng phó hiệu quả với các cuộc khủng hoảng toàn cầu: tăng cường chủ nghĩa đa phương và đối thoại giữa các nền văn minh vì hoà bình, an ninh quốc tế và phát triển”.
Tại Phiên thảo luận chung Cấp cao ĐHĐ LHQ khoá 64 có sự hiện diện của đại diện của 192 nước thành viên LHQ, trong đó có hơn 120 vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ. Tổng Thư ký Liên hợp quốc và lãnh đạo các nước nhấn mạnh hiện nay là thời điểm mà việc hợp tác, thống nhất hành động cấp bách hơn bao giờ hết, vai trò điều phối của Liên hợp quốc là vô cùng quan trọng và tiến trình cải tổ LHQ cần sớm được hoàn tất để tổ chức này có thể thực sự đáp ứng được đòi hỏi của tình hình mới. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề cụ thể cũng được các nước nêu ra trên cơ sở các ưu tiên của mình. Các nước đang phát triển nhấn mạnh trọng tâm giải quyết xung đột, hỗ trợ xoá đói, giảm nghèo, thích ứng và giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu, kêu gọi các nước phát triển không giảm hỗ trợ thực hiện Các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ trong bối cảnh khủng hoảng tài chính; một số nước lo ngại trước thực tế nêu trong các báo cáo của LHQ là trong khi hàng nghìn tỉ đô-la được dành cho việc khắc phục hậu quả khủng hoảng tài chính thì vẫn có những chương trình phát triển của LHQ bị cắt giảm ngân sách như Chương trình lương thực thế giới, hoặc nguy cơ sẽ có khoảng 100 triệu người bị rơi xuống ngưỡng nghèo trong năm 2009, gần bằng 10% tổng số người nghèo trên toàn thế giới hiện nay. Các nước có vai trò và một số nước phát triển quan tâm đến việc điều chỉnh, cải tổ hệ thống điều phối, xử lý các vấn đề quốc tế, trong đó một số nước đề cao vai trò bổ trợ của các nhóm G8, G 20 trong lĩnh vực kinh tế. Các nước cũng kêu gọi thúc đẩy thế giới không có vũ khí hạt nhân, thu hẹp các bất đồng để hướng tới thành công của Hội nghị Copenhagen (Đan Mạch) về biến đổi khí hậu vào tháng 12/2009… Nhìn chung, khoá họp năm nay cho thấy để có thể huy động nỗ lực quốc tế nhằm đối phó với các thác thức toàn cầu, các nước ít đi vào các vấn đề có thể gây tranh luận mà chủ yếu kêu gọi hợp tác quốc tế trên cơ sở cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau.
Câu 3: Xin Phó Thủ tướng cho biết những quan tâm và đóng góp của Việt Nam tại Khóa họp 64 của ĐHĐ LHQ và Phiên họp Thượng đỉnh của HĐBA LHQ về Không phổ biến vũ khí hạt nhân và Giải trừ vũ khí hạt nhân?
Xuất phát từ truyền thống hoà hiếu, yêu chuộng hoà bình, Việt Nam luôn mong muốn đóng góp một cách tích cực, xây dựng và có trách nhiệm vào việc thúc đẩy hoà bình, hợp tác và phát triển trên thế giới. Sự hợp tác tích cực với cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc và những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua trên nhiều lĩnh vực cũng là đóng góp cho việc thúc đẩy hoà bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới. Trong quan hệ quốc tế, quan điểm nhất quán của Việt Nam là chống chạy đua vũ trang, ủng hộ tăng cường hợp tác đa phương, đặc biệt là vai trò của LHQ trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu hiện nay. Việc Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dẫn đầu Đoàn Cấp cao tham gia và đóng góp cho các sự kiện quan trọng nhân dịp này thể hiện cam kết của Việt Nam đối với các chủ trương và quan tâm đó.
Tại Phiên họp Thượng đỉnh của HĐBA, trên cương vị ủy viên không thường trực HĐBA, Việt Nam đã có đóng góp quan trọng theo hướng thúc đẩy HĐBA chú trọng cân bằng cả ba vấn đề trụ cột là giải trừ hạt nhân, không phổ biến vũ khí hạt nhân và sử dụng hoà bình năng lượng hạt nhân. Đặc biệt, sáng kiến của Việt Nam về việc triệu tập một hội nghị quốc tế về sử dụng hoà bình năng lượng hạt nhân đã được ghi nhận trong Nghị quyết được Phiên họp thượng đỉnh của HĐBA thông qua. Sáng kiến này phản ánh mối quan tâm chung của các quốc gia, đặc biệt của các nước Không liên kết và đang phát triển về sử dụng hoà bình công nghệ, năng lượng hạt nhân trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng hiện nay và vì vậy, được các nước trong và ngoài HĐBA hoan nghênh, đánh giá cao.
Đồng thời, Việt Nam đã tham gia tích cực và có những đóng góp cụ thể cho Khóa họp 64 ĐHĐ LHQ. Trong bài phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận chung cấp cao, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã trình bày quan điểm của Việt Nam về những thách thức toàn cầu hiện nay và phương hướng giải quyết các thách thức đó thông qua việc tăng cường hợp tác đa phương với trung tâm là tổ chức LHQ được cải tổ toàn diện, có khả năng ứng phó tốt hơn trong tình hình mới. Chủ tịch nước cũng đồng thời nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các cam kết quốc tế của Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm về phát triển của Việt Nam.
Quả vậy, trong lĩnh vực phát triển, Việt Nam luôn được LHQ và các nước đánh giá là một ví dụ điển hình trong quan hệ hợp tác với tổ chức này, thể hiện ở chính sách nhất quán, sự hợp tác tích cực và luôn có nhiều đóng góp có ý nghĩa. Sau hơn 20 năm đổi mới, chúng ta đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, hướng tới sự công bằng, bình đẳng, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, được quốc tế đánh giá cao. Những thành tựu này cùng với những thành công bước đầu trong việc khắc phục khủng hoảng kinh tế giúp chúng ta có khả năng đạt và vượt các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ vào năm 2015. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện mô hình “Một LHQ” tại Việt Nam tiến triển, đóng góp một cách thiết thực vào việc thúc đẩy cải tổ hệ thống LHQ.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước và Đoàn đã gặp gỡ Lãnh đạo LHQ, nhiều tổ chức quốc tế quan trọng và Lãnh đạo một số quốc gia thành viên, qua đó đưa hợp tác song phương và đa phương đi vào chiều sâu, củng cố quan hệ đáp ứng các lợi ích cụ thể của hai bên và tăng cường sự phối hợp trong việc đối phó với các thách thức chung của cộng đồng quốc tế, giải quyết các vấn đề quan tâm chung.
Có thể khẳng định chuyến công tác làm việc của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Đoàn tại Liên hợp quốc đã thành công rất tốt đẹp, góp phần nâng cao hơn nữa hình ảnh và vị thế của đất nước ta./.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |