Cuộc làm việc của các nhà lãnh đạo APEC. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đã có dấu hiệu phục hồi, song chưa vững chắc, các nhà lãnh đạo APEC nhất trí tiếp tục duy trì các biện pháp kích thích kinh tế và thực hiện chính sách tăng trưởng toàn diện, cân bằng và bền vững nhằm bảo đảm phục hồi kinh tế dài hạn theo định hướng của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) hồi tháng 9 vừa qua ở thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania (Mỹ).
Phiên họp đi đến thỏa thuận, chương trình nghị sự APEC về tăng trưởng toàn diện sẽ dựa trên hai trụ cột chính là điều chỉnh cơ cấu và nâng cao tính bền vững của xã hội.
Đặc biệt, các nhà lãnh đạo APEC tái khẳng định cam kết thực hiện các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư, đồng thời giao các bộ trưởng triển khai việc đánh giá kết quả thực hiện của các nền kinh tế phát triển vào năm 2010.
Các nhà lãnh đạo APEC cam kết cùng ứng phó những thách thức của biến đổi khí hậu, góp phần hướng tới Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu diễn ra tại Copenhagen (Đan Mạch) vào tháng 12 tới.
Các nhà lãnh đạo APEC tiếp tục cam kết mở cửa thị trường, không tạo ra các rào cản mới đối với thương mại và đầu tư, kiên quyết chống lại chủ nghĩa bảo hộ dưới mọi hình thức, và cùng nhau nỗ lực để kết thúc Vòng Đàm phán Doha trong năm 2010.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho rằng việc đưa kinh tế khu vực và thế giới tăng trưởng trở lại một cách lành mạnh và ổn định lâu dài là nhiệm vụ cấp bách hiện nay của các nền kinh tế.
Chủ tịch nước đã có một số đề xuất cụ thể về tăng cường phối hợp chính sách và hành động của các thành viên để bảo đảm quá trình phục hồi kinh tế, đồng thời tiếp tục thúc đẩy đầu tư, thương mại, đón đầu giai đoạn phục hồi.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đồng thời nhấn mạnh rằng kinh tế khu vực và thế giới chỉ có thể tăng trưởng một cách cân bằng khi đa số các quốc gia đang phát triển không bị bỏ lại phía sau.
Chủ tịch nước đề nghị các thành viên cần phát đi thông điệp mạnh mẽ hướng tới Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen, tăng cường hợp tác, chuyển giao công nghệ hỗ trợ các thành viên đang phát triển để phát triển năng lượng sạch, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu cũng như tăng cường năng lực phòng chống thiên tai.
Chiều cùng ngày, Hội nghị cấp cao APEC 17 bế mạc với việc các nhà lãnh đạo APEC thông qua Tuyên bố chung mang chủ đề “Duy trì tăng trưởng, kết nối khu vực” và Tuyên bố của các nhà lãnh đạo APEC về “Một mô hình tăng trưởng mới vì một châu Á-Thái Bình Dương gắn kết trong thế kỷ 21”.
Trong Tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo APEC khẳng định các nền kinh tế thành viên APEC sẽ hợp tác nhằm củng cố đà phát triển, hướng tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu mạnh mẽ, bền vững và cân bằng.
Cùng với đó, các nhà lãnh đạo APEC cũng thừa nhận sự cần thiết phải xây dựng mô hình tăng trưởng mới, phù hợp với sự đổi thay của cục diện thế giới sau khủng hoảng và một chương trình nghị sự về đầu tư-thương mại nhằm củng cố hội nhập kinh tế khu vực tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
APEC không thể trở lại mô hình “tăng trưởng như thường lệ”, mà phải thiết lập một chiến lược tăng trưởng toàn diện trong dài hạn nhằm hỗ trợ sự tăng trưởng cân bằng hơn trong và giữa các nền kinh tế.
Ủng hộ các mục tiêu của Khuôn khổ G-20 vì sự tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng, các nhà lãnh đạo APEC đồng thời bày tỏ quyết tâm bảo đảm tăng trưởng kinh tế trong tương lai sẽ toàn diện hơn, mở rộng các cơ hội tiếp cận mà tăng trưởng mang lại, phân phối rộng rãi các lợi ích của tăng trưởng.
Các nhà lãnh đạo APEC nhất trí cho rằng chương trình nghị sự về tăng trưởng toàn diện của APEC dựa trên hai yếu tố.
Thứ nhất, tiến hành các điều chỉnh về cơ cấu để mọi thành phần trong xã hội có thêm nhiều cơ hội được hưởng lợi từ tăng trưởng. Thứ hai, củng cố khả năng phục hồi của xã hội nhằm giúp các đối tượng vượt qua những khó khăn trước mắt, đồng thời tạo sự khích lệ cho nỗ lực về lâu dài.
Về khuyến khích tăng trưởng bền vững, các nhà lãnh đạo APEC bày tỏ quyết tâm rằng tăng trưởng kinh tế trong khu vực phải đi đôi với tăng trưởng bền vững.
Sự biến đổi khí hậu do con người gây ra đang là một trong những thách thức lớn nhất mà thế giới phải đối mặt, vì vậy các nhà lãnh đạo APEC tái khẳng định cam kết đạt được kết quả khả quan tại Copenhagen để có thể triển khai đầy đủ, hiệu quả và lâu dài Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC).
Đối với vấn đề chống chủ nghĩa bảo hộ, các nhà lãnh đạo APEC bày tỏ quyết tâm bác bỏ một cách không khoan nhượng mọi hình thức bảo hộ, đồng thời khẳng định lại cam kết kiềm chế việc tạo thêm các rào cản mới đối với đầu tư hay thương mại hàng hóa và dịch vụ.
Tuyên bố chung cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với hệ thống thương mại đa phương; thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực; thúc đẩy hợp tác kinh tế và kỹ thuật; tăng cường an ninh con người; đấu tranh chống tham nhũng, tăng cường quản trị và minh bạch.
Trong Tuyên bố “Một mô hình tăng trưởng mới vì một châu Á-Thái Bình Dương gắn kết trong thế kỷ 21”, các nhà lãnh đạo APEC ủng hộ các mục tiêu của Khuôn khổ G-20 nhằm thúc đẩy một mô hình tăng trưởng mới “mạnh mẽ, bền vững và cân bằng”.
Mất cân bằng đầu tư và tiết kiệm toàn cầu chính là gốc rễ của cuộc khủng hoảng kinh tế. Mục tiêu tăng trưởng mạnh và bền vững đòi hỏi phải dần tháo gỡ sự mất cân bằng này và tiến hành cải cách cơ cấu để nâng cao sản lượng tiềm năng của các nền kinh tế.
Để đạt được tăng tưởng toàn diện, các nhà lãnh đạo cho rằng APEC phải mở rộng tiếp cận các cơ hội kinh tế và xây dựng khả năng phục hồi của xã hội trước những cú sốc kinh tế. Đồng thời, tăng trưởng trong tương lai phải phù hợp với các nỗ lực toàn cầu nhằm giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.
Các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu phải đi đôi với việc duy trì thương mại, đầu tư tự do và cởi mở. Với vai trò là khu vực kinh tế năng động nhất trên thế giới, chiếm một nửa khối lượng thương mại và sản lượng toàn cầu, các nhà lãnh đạo APEC tin tưởng rằng APEC hội đủ điều kiện để có thể tạo ra động lực cần thiết đạt được những mục tiêu này.
Vì một châu Á-Thái Bình Dương gắn kết, các nhà lãnh đạo APEC khẳng định sẽ theo đuổi phương pháp tiếp cận toàn diện về một mô hình hội nhập kinh tế của thế kỷ 21, trong đó kết hợp tự do hóa thương mại “tại biên giới”, cải thiện môi trường kinh doanh “sau biên giới”, và tăng cường kết nối chuỗi cung “xuyên biên giới”.
Các nhà lãnh đạo APEC khẳng định sẽ triển khai sáng kiến “Người mở đường” do Australia, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Singapore và Mỹ tiên phong thực hiện nhằm tự chứng nhận về nguồn gốc xuất xứ để các doanh nghiệp có thể tận dụng triệt để hơn lợi thế của các thỏa thuận thương mại tự do trong khu vực.
Đồng thời các nhà lãnh đạo APEC cam kết thúc đẩy Sáng kiến Dịch vụ APEC, trong đó đề ra kế hoạch hành động và các nguyên tắc nhằm thúc đẩy thương mại qua biên giới trong lĩnh vực dịch vụ.
Đối với cải cách cơ cấu sau biên giới, các nhà lãnh đạo APEC khẳng định một phần cấu thành quan trọng của các nỗ lực cải cách về cơ cấu nhằm giảm những trở ngại trong quản lý là Chương trình Hành động về Tạo thuận lợi trong kinh doanh.
Theo đó, APEC sẽ nỗ lực nhằm đạt mục tiêu chung vào năm 2015 là giảm 25% chi phí, thời gian và số lượng các thủ tục; giảm 5% chi phí giao dịch kinh doanh vào năm 2010.
Về tăng cường kết nối chuỗi cung qua biên giới, các nhà lãnh đạo APEC nhất trí xem xét các cách thức tăng cường kết nối đa phương thức qua đường không, đường biển và đường bộ, nhằm tạo thuận lợi hơn cho dòng luân chuyển hàng hóa, dịch vụ và việc đi lại của các doanh nhân trên khắp châu Á-Thái Bình Dương./.