Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Monday, ngày 30 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

ASEAN xoá bỏ hàng rào phi thuế quan vào năm 2015

LĐ 13/01/2010 - Trao đổi với Lao Động trước thềm Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, Trưởng SOM Việt Nam Phạm Quang Vinh cho biết, với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam sẽ ưu tiên thúc đẩy hợp tác kinh tế.

“Kể từ năm 2010, 6 nước phát triển hơn trong ASEAN bắt đầu áp dụng mức thuế suất 0% đối với hầu hết các mặt hàng. 4 nước còn lại sẽ thực hiện vào năm 2015. Các hàng rào phi thuế quan cũng sẽ được dỡ bỏ hết vào năm 2015” - ông Vinh nói.

Đến nay, ASEAN đang ở giai đoạn nào của quá trình xây dựng cộng đồng kinh tế vào năm 2015?

- Mục tiêu cơ bản của việc xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 là tạo dựng một thị trường duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất trong ASEAN, thúc đẩy luân chuyển hàng hoá, dịch vụ, đầu tư trong khu vực, nhằm xây dựng một thị trường có sức cạnh tranh cao, tạo một khu vực phát triển bình đẳng, đồng đều, đưa ASEAN hội nhập đầy đủ với quốc tế.

Năm 2010 là năm bản lề để thực hiện mục tiêu này. Kể từ đầu năm 2010, 6 nước phát triển hơn trong ASEAN (ASEAN 6 - Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Brunei) áp dụng thuế suất bằng 0% đối với hầu hết các mặt hàng. 4 nước còn lại (ASEAN 4 - Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar) sẽ thực hiện vào năm 2015.

Ngoài ra, các nước sẽ hướng tới việc xoá bỏ hết những hàng rào phi thuế quan vào năm 2015. Mười nước ASEAN cũng phấn đấu tạo ra chính sách một cửa quốc gia vào năm 2015, trong đó Singapore và Brunei đang bắt đầu áp dụng, còn Việt Nam sẽ cố gắng thực hiện vào năm 2013.

Các rào cản phi thuế quan mà doanh nghiệp Việt Nam thường hay gặp phải là gì, thưa ông?

- Đó là phụ phí hải quan với hơn 2.000 dòng thuế áp dụng, tiêu chuẩn kỹ thuật (hơn 500 dòng thuế), tiêu chuẩn về sản phẩm và các loại phí bổ sung khác...

Vì sao các nước ASEAN lại có lộ trình khác nhau trong việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan cũng như thực hiện các bước đi khác để xây dựng cộng đồng chung?

- ASEAN là một khu vực có tiềm năng rất lớn với tổng GDP là 1,5 nghìn tỉ USD, tổng thương mại là 1,7 nghìn tỉ USD (năm 2008). ASEAN đã có định hướng liên kết thành một thể thống nhất với những bước đi trải dài từ năm 1992 đến 2015. Tuy nhiên, 10 nước ASEAN có tiềm lực khác nhau, có khả năng hội nhập khác nhau và có nhiều khác biệt đa dạng.

Chẳng hạn, dân số Indonesia và Brunei chênh nhau 575 lần. Sự khác biệt đó đòi hỏi có những bước đi từng giai đoạn mới hướng tới mục tiêu chung được. Chính vì vậy, chúng tôi xây dựng công thức ASEAN - X. Nghĩa là 10 nước cùng hướng tới 1 thể thống nhất, nhưng trên đường ai đi trước được thì đi. Miễn đến năm 2015 thì gặp nhau.

Dường như các nhà đầu tư vẫn chưa coi ASEAN như một đơn vị kinh tế thống nhất, mà họ vẫn nhìn ASEAN như những nền kinh tế riêng rẽ? ASEAN cần làm gì?

- Về thương mại, các nhà đầu tư đã nhìn ASEAN một cách tổng thể, nên mới có chuyện ASEAN ký Hiệp định tự do thương mại FTA với hầu hết các nền kinh tế lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Âận Độ, Australia, New Zealand. ASEAN và Mỹ có hiệp định khung về đầu tư. Tuy nhiên, ASEAN cần đẩy mạnh liên kết nội khối.

Nếu không liên kết thì ASEAN khó đứng vững và phát triển quan hệ đối tác với các nước. ASEAN đã có lộ trình, có chương trình, và năm nay là năm của hành động. Chính vì vậy, Việt Nam lấy chủ đề năm ASEAN 2010 là "Từ tầm nhìn đến hành động".

Xin cảm ơn ông!

Ngày mai (14.1), các bộ trưởng ngoại giao ASEAN bắt đầu nhóm họp tại Đà Nẵng - sự kiện quan trọng mở đầu cho hàng loạt các hoạt động của năm ASEAN 2010 do Việt Nam làm chủ tịch. Các bộ trưởng đã khởi hành từ Bangkok - Thái Lan, đi bằng đường bộ qua Lào, tới cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) và đến Đà Nẵng. Đây là lần đầu tiên các ngoại trưởng ASEAN thực hiện chuyến đi bằng đường bộ, nhằm quảng bá tiềm năng phát triển của khu vực Tiểu vùng sông Mêkông và hành lang kinh tế Đông - Tây.

 
Back Top page Print Email

Related news:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer