Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Sunday, ngày 22 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Tuyên bố chung về hợp tác Việt Nam-Myanmar

VNA 03/04/2010 - Nhận lời mời của Thủ tướng Liên bang Myanmar, Ngài Đại tướng Thein Sein, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã thăm làm việc tại Liên bang Myanmar từ ngày 2 đến ngày 4/4.
Lãnh đạo hai nước đã thông báo cho nhau về tình hình chính trị, kinh tế của mỗi nước và trao đổi ý kiến về việc củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Hai bên cam kết tiếp tục ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề cùng quan tâm tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Các cuộc trao đổi đã diễn ra trong không khí hữu nghị, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau.

Trong các cuộc trao đổi, phía Myanmar chúc mừng Việt Nam giữ chức Chủ tịch ASEAN từ tháng 1/2010. Ngài Đại tướng, Thủ tướng Thein Sein cũng thông báo với Thủ tướng Việt Nam những tiến triển gần đây trong việc thực hiện Lộ trình 7 bước về dân chủ hóa và tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Myanmar; trong đó có việc công bố Luật Bầu cử và việc thành lập Ủy ban Bầu cử.

Thủ tướng Việt Nam bày tỏ thông hiểu về sự phức tạp của tình hình Myanmar và tái khẳng định ủng hộ nỗ lực của Myanmar trong việc thực hiện thành công Lộ trình 7 bước. Thủ tướng Việt Nam khuyến khích Myanmar dành nhiều nỗ lực hơn nữa vì một cuộc bầu cử tự do và công bằng trong năm 2010.

Hai thủ tướng hài lòng ghi nhận những bước phát triển mới tích cực trong quan hệ hợp tác song phương trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, viễn thông, hàng không dân dụng, ngân hàng, nông nghiệp..., đồng thời đánh giá cao sự hợp tác tốt đẹp giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Hai thủ tướng nhất trí đẩy mạnh và mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam-Myanmar, đặc biệt là hợp tác kinh tế trên cơ sở khai thác tối đa các tiềm năng của hai nước.

Trên tinh thần đó, hai thủ tướng nhất trí đẩy mạnh hợp tác trên 12 lĩnh vực then chốt theo các định hướng cụ thể sau:

Về nông nghiệp, hai bên nhất trí tập trung triển khai hiệu quả Bản Ghi nhớ về Nông nghiệp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam với Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Myanmar; tăng cường hợp tác sản xuất giống lúa, ngô, càphê và chè chất lượng cao, thương mại và xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

Về cây công nghiệp, hai bên nhất trí thúc đẩy đàm phán dự thảo Bản Ghi nhớ về Đầu tư trồng cây cao su tại Myanmar giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Myanmar; phấn đấu sớm đạt được mục tiêu thương mại về trồng cây cao su và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư của Tập đoàn Cao su Việt Nam, Lực lượng Thanh niên Xung phong Thành phố Hồ Chí Minh và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Hai bên cũng nhất trí mở rộng hợp tác trồng các loại cây công nghiệp khác.

Về thủy sản, hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác nuôi trồng, khai thác đánh bắt thủy hải sản và xuất nhập khẩu các sản phẩm thủy sản, cũng như hợp tác về khoa học công nghệ trong lĩnh vực thủy sản trên tinh thần Bản Ghi nhớ về Thủy sản giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Bộ Chăn nuôi và Thủy sản Myanmar.

Trên tinh thần đó, hai bên nhất trí khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập các liên doanh đánh bắt và nuôi trồng thủy sản giữa hai nước, trong đó có liên doanh giữa Tập đoàn A.S.V. Holdings và các đối tác phù hợp của Myanmar.

Trong lĩnh vực ngân hàng-tài chính, hai bên hoan nghênh việc mở văn phòng đại diện của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tại Yangon. Hai bên đánh giá cao việc ký Bản Ghi nhớ về hợp tác giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Trung ương Myanmar, nhằm tạo khung pháp lý cơ bản cho các hoạt động hợp tác ngân hàng trong thời gian tới.

Trong lĩnh vực hàng không, hai bên đánh giá cao việc khai trương đường bay thẳng Hà Nội-Yangon và hoan nghênh việc mở văn phòng đại diện của Tổng công ty Hàng không Việt Nam tại Yangon. Hai bên nhất trí xem xét đạt được thỏa thuận việc miễn thị thực cho tổ bay của các hãng hàng không hai nước và xem xét khả năng liên doanh khai thác các đường bay quốc tế của Myanmar vào thời gian thích hợp. Phía Việt Nam bày tỏ mong muốn được liên doanh khai thác các đường bay nội địa của Myanmar.

Về viễn thông, hai bên hoan nghênh việc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Việt Nam (Viettel) thành lập văn phòng đại diện tại Yangon và ký các hợp đồng chuyển vùng song phương, chuyển vùng và thoại quốc tế. Myanmar nhất trí tiếp tục xem xét các dự án đầu tư khác Viettel đã đệ trình, đồng thời tạo điều kiện cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) hợp tác kinh doanh tại Myanmar.

Về dầu khí, Myanmar nhất trí tiếp tục tạo các điều kiện hai bên cùng có lợi cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi Myanmar. Myanmar cũng nhất trí xem xét ý định thăm dò và khai thác dầu khí của Tập đoàn A.S.V. Holdings tại Myanmar.

Về khoáng sản, phía Việt Nam đánh giá cao việc Myanmar cấp giấy phép khai thác mỏ đá hoa trắng tại vùng Patle-in, Thabyaw Taung, bang Mandalay cho Công ty cổ phần SIMCO Sông Đà. Myanmar nhất trí tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác thăm dò khai thác khoáng sản tại Myanmar.

Trong sản xuất thiết bị điện, Myanmar quan tâm ghi nhận ý định của các công ty của Việt Nam, trong đó có công ty cổ phẩn Tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á và Tập đoàn Hanaka trong hợp tác sản xuất và cung cấp thiết bị điện tại Myanmar.

Trong sản xuất lắp ráp ôtô, Myanmar quan tâm ghi nhận ý định của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có công ty Vinaxuki, Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco) và Tổng Công ty Công nghiệp Ôtô Việt Nam (Vinamotor) đầu tư trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp ôtô tại Myanmar.

Trong lĩnh vực xây dựng, Myanmar hoan nghênh và nhất trí trao đổi với các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và Công ty cổ phần SIMCO Sông Đà đầu tư các dự án xây dựng khách sạn và trung tâm văn hóa-thương mại cũng như các dự án phát triển khác tại Myanmar.

Về hợp tác thương mại và đầu tư, hai bên nhất trí tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác trong thương mại hàng hóa và dịch vụ; khuyến khích các hoạt động xúc tiến thương mại và giao thương giữa doanh nghiệp hai nước. Phía Việt Nam bày tỏ quan tâm trong lĩnh vực bán buôn và bán lẻ ở Myanmar. Hai bên nhất trí xúc tiến đàm phán ký kết Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về chứng nhận chất lượng sản phẩm.

Hai bên sẽ tăng cường hợp tác xúc tiến đầu tư ở mỗi nước phù hợp với Bản Ghi nhớ về Xúc tiến Đầu tư giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Phát triển Kinh tế Myanmar và luật pháp của mỗi nước.

Hai bên hoan nghênh doanh nghiệp hai nước thành lập công ty để tiến hành kinh doanh tại mỗi nước. Hai bên hài lòng ghi nhận việc BIDV vừa qua nộp hồ sơ xin thành lập Công ty Đầu tư và Phát triển Myanmar (MIDC) tại Myanmar.

Ngoài các lĩnh vực trên, hai thủ tướng nhất trí tăng cường hợp tác văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch, giao thông đường bộ, an ninh và quốc phòng, trong đó có việc đàm phán ký Bản Ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương. Hai bên nhất trí thảo luận hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó có việc đàm phán Hiệp định về Hợp tác Lâm nghiệp.

Hai bên mong muốn cùng trao đổi để sớm ký Hiệp định miễn thị thực cho công dân mang hộ chiếu phổ thông của hai nước phù hợp với Hiệp định ASEAN về miễn thị thực cho công dân mang hộ chiếu phổ thông.

Hai thủ tướng nhất trí giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan hai nước triển khai thực hiện các thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm này, coi đó là nhân tố quan trọng nhằm không ngừng củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Tuyên bố chung này được làm tại Nay Pyi Taw ngày 2/4.

Trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội kiến với Thống tướng Than Shwe, Chủ tịch Hội đồng Hòa bình và Phát triển quốc gia Myanmar.

Thủ tướng chúc nhân dân Myanmar thực hiện thành công Lộ trình 7 bước về dân chủ hóa, tổ chức Tổng tuyển cử bầu cử công bằng và tự do, vì lợi ích của nhân dân Myanmar và góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn không ngừng tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Myanmar; đồng thời bày tỏ mong muốn chuyến thăm lần này sẽ tạo ra một bước chuyển mới về chất trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Thống tướng Than Shwe khẳng định nhất trí cao với Tuyên bố chung về hợp tác giữa hai chính phủ và đề nghị các bộ, ngành hữu quan và doanh nghiệp hai nước tăng cường trao đổi các biện pháp nhằm thực hiện các thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm này.

Trong thời gian thăm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự Hội nghị Xúc tiến Đầu tư của Việt Nam vào Myanmar và lễ ra mắt Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam vào Myanmar.

Thủ tướng đã chứng kiến lễ khánh thành đường bay thẳng Hà Nội-Yangon, lễ khai mạc Hội chợ hàng Việt Nam tại Yangon và lễ mở Văn phòng Đại diện của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Nhân dịp chuyến thăm, các bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác, thỏa thuận và hợp đồng kinh doanh./.

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer