Việt Nam tham gia tích cực Ủy hội sông Mekong

VNA 05/04/2010 - Ngày 5/4, Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ nhất đã diễn ra trọng thể tại Hua Hin (Thái Lan) với sự tham gia của thủ tướng 4 quốc gia thành viên là Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia; các nước đối thoại là Trung Quốc, Myanmar; các quốc gia và các tổ chức tài trợ quốc tế.

 
Thủ tướng bốn nước (từ trái sang phải): Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam tại hội nghị. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh hội nghị quốc tế về quản lý tài nguyên nước xuyên quốc gia được tổ chức ngay trước hội nghị cấp cao này đã đưa ra nhiều đánh giá, khuyến nghị quan trọng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ Hiệp định Mekong 1995 với việc thành lập Ủy hội sông Mekong đã mở ra một chương mới trong hợp tác Mekong.

Hiệp định đã đưa ra tầm nhìn chiến lược và những nguyên tắc cơ bản về sử dụng công bằng, hợp lý nước và tài nguyên nước trong lưu vực sông Mekong, xác định những lĩnh vực hợp tác và quy định cụ thể về các hoạt động phát triển chung trong lưu vực.

Thực tế hợp tác Mekong 15 năm qua cho thấy Hiệp định Mekong là xu thế của sự hợp tác của các dân tộc chung sống trong lưu vực và được sự ủng hộ tích cực của cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng trong thời gian tới, lưu vực sông Mekong đứng trước nhiều thách thức. Sự phát triển năng động, nhanh chóng ở lưu vực sông Mekong đang gia tăng sức ép đối với các nguồn tài nguyên, trong đó có tài nguyên nước. Cùng với đó là những tác động bất lợi khó lường của biến đổi khí hậu và hiểm họa ô nhiễm môi trường.

Trên tinh thần này, Thủ tướng nhất trí với tầm nhìn và những định hướng ưu tiên đã đề ra trong Tuyên bố chung của hội nghị với chủ đề “Đáp ứng nhu cầu, bảo đảm cân bằng: Hướng tới phát triển bền vững lưu vực sông Mekong” và đề nghị các quốc gia cần tập trung đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước, nghiên cứu xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu đối với toàn lưu vực sông Mekong, để từ đó đề ra kế hoạch hành động ứng phó chung.

Thủ tướng đồng thời đề nghị các quốc gia hoàn thiện các khung pháp lý và thiết lập cơ chế cụ thể để phối hợp thực hiện các bộ thủ tục về sử dụng nguồn nước đã được Ủy hội thông qua và hoàn tất bộ thủ tục về bảo đảm chất lượng nguồn nước, tăng cường năng lực về mọi mặt cho Ủy hội sông Mekong cả về đội ngũ cán bộ, tổ chức và cơ sở vật chất.

Đối với các nước đối thoại là Trung Quốc và Myanmar, Thủ tướng đánh giá cao việc Trung Quốc mới đây đã cung cấp thêm số liệu thủy văn trong mùa khô để các nước trong lưu vực có thêm cơ sở đánh giá hiện trạng dòng chảy của sông Mekong và mong muốn hai nước xem xét tích cực việc trở thành thành viên đầy đủ của ủy hội để cùng với tất cả các nước ven sông Mekong hợp tác sử dụng bền vững và có trách nhiệm nguồn tài nguyên nước vì sự phồn vinh chung trong khu vực.

Đối với các đối tác phát triển, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật để giúp triển khai các hoạt động trên những lĩnh vực ưu tiên đã được xác định trong Tuyên bố chung của hội nghị cũng như Chiến lược phát triển lưu vực 2011-2015 của Ủy hội sông Mekong.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam coi trọng hợp tác Mekong và luôn tham gia tích cực, chủ động và xây dựng trong các hoạt động của ủy hội, đồng thời cam kết sẽ phối hợp với các nước nhằm chung sức xây dựng sông Mekong không chỉ là dòng sông kết nối các nền văn hóa, dòng sông của tình đoàn kết và hữu nghị mà còn là dòng sông của hợp tác, phát triển và hội nhập.

Đồng tình với phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phát biểu của thủ tướng các nước Thái Lan, Lào và Campuchia đều khẳng định cam kết mạnh mẽ của các nước thành viên Ủy hội sông Mekong trong việc tiếp tục hợp tác và thúc đẩy phát triển bền vững, sử dụng, bảo vệ và quản lý hiệu quả tài nguyên nước và tài nguyên liên quan của hạ lưu sông Mekong và đồng ý với những Tuyên bố Huahin, trong đó nhìn nhận về những thành tựu, cơ hội và thách thức, tầm nhìn của Ủy hội sông Mekong quốc tế, lĩnh vực ưu tiên hành động và định hướng.

Các nhà lãnh đạo ghi nhận những tiến bộ đạt được trong mở rộng hợp tác giữa Ủy hội sông Mekong quốc tế với các đối tác quốc tế, khu vực và quốc gia, đồng thời đánh giá cao việc Trung Quốc chia sẻ số liệu khí tượng-thủy văn về tình hình hạn hán hiện nay và hy vọng sự hợp tác này sẽ tiếp tục được duy trì.

Những người đứng đầu chính phủ 4 nước cam kết thúc đẩy hợp tác để giải quyết những thách thức cấp bách trong lưu vực Mekong gồm giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản do lũ lụt, kết hợp xem xét tính bền vững trong phát triển thủy điện, đảm bảo quản lý hiệu quả nước cho nông nghiệp, chuẩn bị các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu để giải quyết những nguy cơ cao về đói nghèo và mất an ninh lương thực trong các cộng đồng dễ bị tổn thương.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng các nước Thái Lan, Lào, Campuchia mong muốn Ủy hội sông Mekong quốc tế tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như phê chuẩn và thực hiện Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước; tăng cường các nỗ lực để bảo vệ hiệu quả người dân khỏi nguy cơ lũ lụt, hạn hán và nước biển dâng; hỗ trợ một khuôn khổ pháp lý quốc tế nhằm khuyến khích vận tải và thương mại đường thủy; nghiên cứu và giải quyết các mối đe dọa đến sinh kế do biến đổi khí hậu...

Chiều 5/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã rời Huahin, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong./.

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn