Bộ Ngoại giao, 02/7/2010
Từ ngày 28 tháng 6 đến ngày 02 tháng 7 năm 2010, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, đã dẫn đầu Đoàn lãnh đạo nữ cao cấp thăm Ô-xtrây-lia và Niu Di-lân để trao đổi kinh nghiệm xây dựng chính sách và thực hiện bình đẳng giới cũng như góp phần tăng cường hợp tác song phương. Tham gia Đoàn có bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, cùng lãnh đạo nữ của Uỷ ban văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ và một số Bộ, ngành.
Tại Ô-xtrây-lia, Đoàn đã chào xã giao bà Toàn quyền Quen-tin Brai-xơ (Quentin Bryce, Governor-General) và Thống đốc Bang Niu Xao Uên (Governor of New South Wales) bà Ma-ri Ba-sơ (Marie Bashir), làm việc với Bộ trưởng phụ trách viện trợ phát triển quốc tế của Quốc hội Mắc Ma-lân (McMullan, Parliamentary Secretary for International Development Assistance), Bộ trưởng Bộ nhà ở và các vấn đề phụ nữ bà Ta-nia Pli-bơ-xec (Tanya Plibersek, Minister for Housing and Status of Women), Chủ tịch Ủy ban nhân quyền Ca-tơ-rin Bren-xơn (Catherine Branson, President of the Australian Human Rights Commission and Human Rights Commissioner), và có các cuộc toạ đàm tại Đại học quốc gia Ô-xtrây-lia (ANU) và Học viện cao đẳng, kỹ thuật và đào tạo nghề (TAFE) của Bang Niu Xao Uên. Tại Niu Di-lân, Đoàn đã làm việc với Bộ trưởng về các vấn đề xã hội và việc làm bà Pao-la Ben-net (Paula Bennett, Minister for Social Development and Employment), Bộ trưởng phụ trách các vấn đề phụ nữ bà Pan-xi U-ong (Pansy Wong, Minister of Women’s Affairs), Bộ trưởng lao động bà Kei Ui-lơ-kin-xơn (Kate Wilkinson, Minister of Labour) và một số nữ nghị sĩ lãnh đạo Quốc hội của Niu Di-lân.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đã thông báo về tình hình cũng như thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian qua, khẳng định chính sách của Việt Nam coi trọng và mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện với Ô-xtrây-lia và Niu Di-lân. Các vị lãnh đạo Ô-xtrây-lia và Niu Di-lân bày tỏ sự ngưỡng mộ, tình cảm sâu sắc đối với lịch sử độc lập dân tộc hào hùng của nhân dân Việt Nam và bày tỏ hài lòng về sự phát triển nhanh chóng của quan hệ đối tác toàn diện được thiết lập kể từ chuyến thăm của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tháng 9 năm 2009. Lãnh đạo hai nước đều đánh giá cao chính sách và quyết tâm đổi mới của Việt Nam và bày tỏ vui mừng trước những thành tựu đáng kể mà nhân dân Việt Nam đạt được trong công cuộc hiện đại hóa đất nước nói chung và trong nỗ lực vượt qua khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, duy trì tăng trưởng kinh tế. Lãnh đạo Ô-xtrây-lia và Niu Di-lân nhất trí cùng Việt Nam tiếp tục nỗ lực tăng cường hợp tác và quan hệ đối tác, trong đó có việc thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề, lao động và an sinh xã hội, nghiên cứu khả năng ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Lao động của hai nước với Việt Nam, Ô-xtrây-lia tiếp tục tăng viện trợ phát triển cho Việt Nam….
Lãnh đạo Ô-xtrây-lia và Niu Di-lân đánh giá cao chính sách và thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong việc thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vai trò,vị thế của phụ nữ. Là những quốc gia đi đầu khu vực Châu Á- Thái bình dương trong việc thực hiện bình đẳng giới, nhiều lãnh đạo Ô-xtrây-lia và Niu Di-lân đã chia sẻ những kinh nghiệm thiết thực, nhấn mạnh cần coi việc nâng cao năng lực và trao quyền cho phụ nữ là một định hướng góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Thực tiễn của Ô-xtrây-lia và Niu Di-lân cho thấy, để bảo đảm bình đẳng giới trở thành hiện thực, cần phải có các quy định pháp lý, quyết tâm chính trị và sự hỗ trợ của cả hệ thống chính trị, có cơ quan Nhà nước chuyên trách triển khai và Quốc hội phối hợp với các tổ chức xã hội giám sát chặt chẽ. Nhằm khuyến khích phụ nữ tham gia đóng góp nhiều hơn cho xã hội, Nhà nước cần bảo đảm phụ nữ được bình đẳng trong việc hưởng các quyền lợi về giáo dục, kinh tế, chính trị và mọi mặt, và cần nâng cao chất lượng của hệ thống dịch vụ xã hội, đặc biệt là hệ thống nhà trẻ và chăm sóc y tế cho trẻ em…
Chuyến thăm nói trên của Đoàn lãnh đạo nữ cao cấp được thực hiện trong khuôn khổ “Dự án nâng cao năng lực lãnh đạo nữ” (Project on “Empowerment of Women in the Public Sector in the Context of International Economic Integration”) do Bộ Ngoại giao Việt Nam và Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp thực hiện trong 5 năm 2008-2013. Dự án cũng đang triển khai nhiều hoạt động khác như cấp học bổng, nghiên cứu đề xuất chính sách, tổ chức các khoá đào tạo, toạ đàm… nhằm góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo cho cán bộ nữ trong giai đoạn mới của hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước./.