Đề nghị tăng đối thoại giữa Việt Nam và Nghị viện EU
Vietnamplus, 14/7/2010
Tại buổi làm việc với ông Stavros Lambrinidis, Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu, bà Tòng Thị Phóng đã thông báo vắn tắt tình hình Việt Nam, những đổi mới trong hoạt động Quốc hội ở Việt Nam theo hướng dân chủ hơn, hiệu quả hơn, đáp ứng đầy đủ hơn ý chí và nguyện vọng của người dân Việt Nam.
Bà khẳng định mong muốn của Việt Nam trong quan hệ với EU là "xây dựng quan hệ đối tác bình đẳng, hợp tác toàn diện và lâu dài vì hòa bình và phát triển của khu vực và thế giới."
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng thị Phóng đánh giá cao sự giúp đỡ của EU dành cho Việt Nam, nhất là cam kết ODA trị giá 144 triệu euro cho giai đoạn 2011-2013, đồng thời bầy tỏ vui mừng trước những kết quả hợp tác trong 20 năm qua giữa hai bên.
Phó chủ tịch khẳng định Hiệp định Hợp tác và Đối tác (PCA) có ý nghĩa rất quan trọng đối với quan hệ Việt Nam-EU, vì nó tạo khuôn khổ nền tảng cho sự phát triển toàn diện, ổn định và lâu dài đối với quan hệ Việt Nam-EU, phù hợp với sự phát triển năng động của hai bên và cho phép hai bên hợp tác đối phó có hiệu quả hơn trước những thách thức mang tính toàn cầu.
Bà bày tỏ mong muốn hai bên có thể kết thúc đàm phán và ký tắt được Hiệp định PCA nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức EU vào tháng 10/2010.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng nêu rõ, một vài năm gần đây, Nghị viện châu Âu đã tỏ thái độ nhìn nhận không khách quan tình hình thực tế Việt Nam, thông qua một số nghị quyết phớt lờ những thành quả to lớn mà nhân dân Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực tôn trọng quyền con người.
Bà Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: "Chúng tôi đã phân tích và nhất trí với các nghị sĩ trong Nhóm Nghị sĩ EP quan hệ với các nước Đông Nam Á và ASEAN về nhận định rằng việc này do EP dựa vào những nguồn tin của những đối tượng người Việt ở nước ngoài không mong muốn hòa giải với đất nước, các nghị sĩ EP thiếu thông tin chính thức và xác thực từ phía các cơ quan Nhà nước Việt Nam, trong đó có phần thiếu sót của Quốc hội Việt Nam trong việc trao đổi thông tin với EP."
Bà mong muốn hai bên tiếp tục tăng cường đối thoại, tăng cường tiếp xúc và trao đổi đoàn các cấp để trao đổi thông tin về tình hình của EU, và các đại biểu Quốc hội Việt Nam sẽ chủ động, tăng cường trao đổi và tham khảo thông tin lẫn nhau, nhằm đưa quan hệ giữa hai nghị viện đi vào thực chất hơn, thiết thực và hiệu quả hơn, đóng góp tích cực hơn vào việc thúc đẩy quan hệ EU-Việt Nam nói chung.
Trong chuyến thăm EP, đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam cũng đã có cuộc làm việc với ông Norbert Neuser, Phụ trách Ủy ban Hỗ trợ cho Việt Nam, và với Nhóm Nghị sĩ EP quan hệ với Đông Nam Á và ASEAN.
Tại các cuộc tiếp xúc này, các đại biểu cấp cao của EP đã hồ hởi nhắc lại chuyến thăm Việt Nam trong tháng 3 vừa qua của đoàn nghị sĩ Nghị viện châu Âu, trong đó họ đã được chứng kiến những đổi thay ngoạn mục ở đất nước Việt Nam, ấn tượng nhất là những thành tích trong xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh kế và thương mại, đồng thời khẳng định EP sẽ nỗ lực để hoàn tất đàm phán với Việt Nam về một hiệp định đối tác và hợp tác giữa hai bên.
Đề cập việc EU áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da của Việt Nam nhập vào châu Âu, ông Norbert Neuser cho rằng hành động này đi ngược chủ trương tự do thương mại của EP và gây ảnh hưởng tiêu cực đến lực lượng lao động của Việt Nam, đặc biệt là các lao động nữ. Ông khẳng định cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu vừa qua đã không ảnh hưởng đến kỳ vọng của các nhà kinh doanh trong việc đầu tư vào Việt Nam.
Ông truyền đạt lại quan điểm của các nhà đầu tư châu Âu cho rằng hiện nay đang là thời điểm đầu tư vào Việt Nam tốt hơn nhiều vào Trung Quốc, do đó họ đang tích cực tìm kiếm đầu mối để kinh doanh với Việt Nam.
Tại các cuộc tiếp xúc, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao vai trò và thẩm quyền ngày càng cao của EP sau khi Hiệp ước Lisbon có hiệu lực. Bà đã giải đáp những câu hỏi do các nghị sĩ EP đặt ra để tìm hiểu tình hình thực tế của Việt Nam, đồng thời bày tỏ cảm ơn đối với việc EU bãi bỏ việc áp thuế chống bán phá giá đối với xe đạp Việt Nam tiêu thụ ở châu Âu.
Bà tỏ ý hy vọng EU sớm bãi bỏ việc áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy giải quyết những vấn đề còn tồn tại giữa hai bên, và sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường./.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |