VN cam kết thúc đẩy mô hình phát triển bền vững
Trong hai ngày diễn ra hội nghị (4-5/10), Thủ tướng đã có các bài phát biểu quan trọng tại các phiên họp, đóng góp nhiều ý kiến và đưa ra các đề xuất thiết thực về những vấn đề lớn của hội nghị.
Thủ tướng đề nghị cộng đồng quốc tế và ASEM cần tăng cường hợp tác nhằm khắc phục những hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế, đồng thời chuẩn bị cho thời kỳ hậu khủng hoảng.
Khẳng định Việt Nam ủng hộ những nỗ lực chung cải tổ mạnh mẽ các cơ chế quản trị kinh tế toàn cầu theo hướng công bằng, dân chủ và hiệu quả hơn, Thủ tướng đồng thời đề nghị các thành viên phối hợp trong hoạch định chính sách kinh tế-tài chính, tăng cường hợp tác để góp phần nâng cao hiệu quả thực sự của cơ chế G20.
ASEM cần tiếp tục khuyến khích các tổ chức khu vực đóng góp vào việc xây dựng cơ chế quản trị toàn cầu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới tiếp tục cải tổ theo hướng tăng vai trò trong việc ra quyết định thông qua việc tăng tỷ lệ quyền biểu quyết của các nước đang phát triển và các nền kinh tế chuyển đổi.
Là một trong những lãnh đạo đầu tiên được mời phát biểu về chủ đề phát triển bền vững, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu nhiều đề xuất nhằm đưa ASEM trở thành động lực thúc đẩy phát triển bền vững, nhất là tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ hoạch định chiến lược phát triển và các mô hình tăng trưởng bền vững, thực hiện an sinh xã hội đối với những đối tượng yếu thế và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội và hỗ trợ các chương trình phát triển bền vững ở cấp độ tiểu khu vực và khu vực đang được triển khai tại hai châu lục.
Theo Thủ tướng, hơn bao giờ hết, phát triển bền vững đang là nhu cầu cấp thiết của mỗi quốc gia và đã trở thành yêu cầu mang tính toàn cầu. Phát triển bền vững bao gồm ba thành tố: phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Đây là ba mặt của sự phát triển, có quan hệ chặt chẽ, tuỳ thuộc và bổ trợ lẫn nhau, không thể coi nhẹ mặt nào, trong đó, con người là chủ thể và là trọng tâm của sự phát triển.
Trên tinh thần này, Thủ tướng đã đề xuất hai sáng kiến mới là tổ chức “Diễn đàn ASEM về tăng trưởng xanh” và “Diễn đàn ASEM về lưới an toàn xã hội.” Cả hai sáng kiến này được nhiều thành viên như Anh, Đức, Hà Lan, Phần Lan, Hàn Quốc đánh giá rất cao.
Phát biểu về những diễn biến nổi bật ở hai châu lục, với vai trò Chủ tịch ASEAN 2010, Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN đang chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, với mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN tự cường, năng động và bền vững vào năm 2015.
ASEAN tiếp tục là nhân tố quan trọng hàng đầu trong việc bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và hợp tác vì phát triển ở khu vực, là động lực chính thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế-thương mại khu vực thông qua tăng cường hợp tác trong các cơ chế ASEAN+1, ASEAN+3 và Cấp cao Đông Á.
Thủ tướng nhấn mạnh, với vị trí địa-chiến lược quan trọng ở khu vực, ASEAN đã trở thành một đối tác thiết yếu của các nước lớn và các trung tâm lớn trên thế giới, trong đó có các thành viên ASEM.
Bên lề Hội nghị Cấp cao ASEM 8, ngày 5/10, các nhà lãnh đạo cũng có cuộc đối thoại với các đại diện của Diễn đàn Doanh nghiệp Á-Âu lần thứ 12 nhằm trao đổi về nâng cao đóng góp của giới doanh nghiệp đối với nỗ lực cải tổ hệ thống quản trị tài chính toàn cầu.
Tại cuộc đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị các doanh nghiệp cần tham gia tích cực vào các nỗ lực của chính phủ trong việc giám sát hệ thống tài chính-ngân hàng, tăng cường quan hệ đối tác công-tư trong hỗ trợ tài chính và đề xuất các sáng kiến và hoạt động tài chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thủ tướng nêu rõ Việt Nam đã hội nhập sâu và toàn diện vào nền kinh tế thế giới trong đó có lĩnh vực tài chính-ngân hàng. Chính phủ Việt Nam khuyến khích sự tham gia tích cực của các tổ chức và định chế tài chính của hai châu lục và của ASEM vào sự phát triển kinh tế tại Việt Nam./.
Back Top page Print Email |