Các Bộ trưởng Ngoại giao Á- Âu quyết tâm tăng cường quan hệ đối tác ứng phó với các thách thức mới
MOFA 8/6/2011 - Trong hai ngày 6 và 7 tháng 6 năm 2011, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) lần thứ 10 đã diễn ra tại Cung điện Hoàng gia Gô-đô-lô, cách thủ đô Bu-đa-pét của Hung-ga-ry ba mươi ki-lô-mét. Tham dự Hội nghị có 46 Bộ trưởng, Trưởng đoàn cùng Tổng thư ký ASEAN và Đại diện cao cấp về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu. Đây là Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên sau khi ASEM mở rộng thành viên lần thứ 3 tại Cấp cao ASEM 8 (tháng 10 năm 2010). Hội nghị do ông Ia-nô-sơ Mo-rơ-tô-nhi (János Martonyi) Ngoại trưởng Hung-ga-ry và bà Ca-thơ-rin At-xtơn (Catherine Ashton), Đại diện cao cấp về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu, đồng chủ trì.
Tại Lễ đón chính thức, Thủ tướng Hung-ga-ry Vic-tô-rờ Ô-rờ-ban (Victor Orban) đã nồng nhiệt chào đón các Bộ trưởng, đặc biệt là 3 thành viên mới Nga, Ốt-xtrây-li-a và Niu Di-lân lần đầu tiên tham dự Hội nghị. Trong phát biểu khai mạc, Thủ tướng Hung-ga-ry nhấn mạnh Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 10 đánh dấu chặng đường 15 năm hình thành và phát triển năng động của Diễn đàn, và ngày nay ASEM đang đại diện cho hơn 50% dân số thế giới, đóng góp khoảng 50% GDP và 60% thương mại toàn cầu. ASEM tiếp tục chứng tỏ là diễn đàn đối thoại và phối hợp chính sách quan trọng giữa hai châu lục Á – Âu, với vị thế quốc tế ngày càng nâng cao.
Với chủ đề bao trùm“Hợp tác cùng ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống”, Hội nghị đã tiến hành 5 phiên thảo luận sâu sắc về những quan tâm chung đối với tình hình quốc tế, khu vực cũng như hợp tác ASEM. Trong các phiên thảo luận về các vấn đề toàn cầu và an ninh phi truyền thống, các thành viên ASEM nhất trí cho rằng, bên cạnh các thách thức an ninh truyền thống vốn có, thế giới nói chung và hai châu lục Á – Âu nói riêng đang đứng trước hàng loạt thách thức phi truyền thống. Hiện nay, đang nổi lên tình trạng khan hiếm năng lượng, nguồn nước, thực phẩm, các hoạt động khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu thiên tai… tác động sâu sắc đến ổn định, an ninh và phát triển ở hai châu lục và đến đời sống của người dân. Do đó, Hội nghị khẳng định lại quyết tâm chung tăng cường phối hợp chính sách và hành động, đóng góp vào việc ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, an toàn hạt nhân, bảo đảm an ninh lương thực bền vững, an toàn và an ninh trên biển, an ninh năng lượng, sử dụng bền vững nguồn nước trong đó có sáng kiến hợp tác giữa các quốc gia ven sông Mê Công và sông Đa-nuýp…
Các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của cách tiếp cận đa phương và hành động chung để xử lý các vấn đề toàn cầu và duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, cũng như vai trò của Liên hợp quốc trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Các thành viên trao đổi phương hướng cải cách toàn diện Liên hợp quốc cho phù hợp với thực tiễn đời sống quốc tế ngày nay và nâng cao năng lực của tổ chức này nhằm giải quyết có hiệu quả các thách thức toàn cầu đang nổi lên.
Về phục hồi sau khủng hoảng kinh tế - tài chính, các thành viên ASEM đánh giá kinh tế thế giới tuy đang phục hồi song không đồng đều và vẫn phải đương đầu với nhiều rủi ro, nhất là lạm phát, nợ công, thất nghiệp, biến động giá cả thực phẩm và năng lượng… Vì vậy, các Bộ trưởng nhấn mạnh vấn đề cấp bách hiện nay là cần phải có hợp tác và phối hợp hiệu quả hơn trên quy mô toàn cầu thì mới có thể xử lý được các khó khăn này. Hội nghị nhất trí, với vị thế và tiềm năng to lớn của mình, ASEM cần ủng hộ các mục tiêu của G-20, củng cố hệ thống thương mại đa phương, thúc đẩy kết thúc Vòng đàm phán Đô-ha với kết quả cân bằng và nhằm mục tiêu phát triển, tiếp tục cải cách các thể chế tài chính toàn cầu như Ngân hàng thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế theo hướng bảo đảm vai trò của các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển. Hội nghị khẳng định tiếp tục các nỗ lực tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư giữa các thành viên ASEM, thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ, giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội, cùng tích cực chuẩn bị cho Hội nghị Liên hợp quốc về phát triển bền vững sẽ tổ chức tại Bra-xin năm 2012.
Tại phiên thảo luận về các vấn đề khu vực, các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của các cơ chế hợp tác khu vực trong việc duy trì hòa bình, ổn định, và phát triển của khu vực. Các Bộ trưởng cũng đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, hoan nghênh việc mở rộng Cấp cao Đông Á và thiết lập cơ chế Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng, đồng thời ghi nhận những bước phát triển của liên kết trong Liên minh Châu Âu.
Đánh giá chặng đường phát triển của Diễn đàn ASEM, Hội nghị nhất trí cho rằng ASEM đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, thể hiện rõ qua số lượng thành viên ngày càng tăng và nhiều nước hiện nay tiếp tục có nguyện vọng tham gia ASEM. Hội nghị nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEM 9 tại Lào năm 2012, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 11 tại Ấn Độ năm 2013 và chuẩn bị cho các Hội nghị Bộ trưởng Giao thông - Vận tải, Môi trường, Kinh tế... Các Bộ trưởng quyết định thành lập “Nhóm hỗ trợ Chủ tịch Hội nghị ASEM” và thông qua một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả điều phối hoạt động ASEM.
Sau hai ngày làm việc, chiều ngày 07 tháng 6, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM 10 đã bế mạc trọng thể. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Chủ tịch với nhiều quyết định quan trọng về phương hướng và chương trình hợp tác của Diễn đàn.
* Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị. Với cương vị chủ nhà của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM 9 tổ chức tại Hà Nội năm 2009, Phó Thủ tướng đã được mời phát biểu tại Lễ khai mạc ngay sau phát biểu của Thủ tướng nước chủ nhà Hung-ga-ri. Trong bài phát biểu, Phó Thủ tướng nhấn mạnh “nội dung của Hội nghị lần này có ý nghĩa hết sức thiết thực, đáp ứng những quan tâm hàng đầu hiện nay của mỗi thành viên ASEM cũng như của hai châu lục”. Tại các phiên thảo luận, Phó Thủ tướng nêu rõ rằng, hợp tác tiếp tục là xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế đa tầng nấc, song thế giới có nhiều chuyển biến sâu sắc, các thách thức toàn cầu biến đổi nhanh chóng, đan xen nhau và cùng quá trình phục hồi kinh tế không bền vững đang tác động sâu rộng đến nhân loại, khiến tình hình quốc tế và khu vực thêm phức tạp. Đề cập tình hình Đông Nam Á, Phó Thủ tướng cho rằng một số vụ việc trên Biển Đông gần đây khiến các quốc gia thêm quan ngại về an toàn, an ninh trên biển, đồng thời khẳng định việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực và ở Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực, các bên liên quan cần tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển của LHQ năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử tại Biển Đông (DOC) nhằm gìn giữ hòa bình, ổn định khu vực và quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các nước.
Phó Thủ tướng đã đề xuất nhiều biện pháp cụ thể tăng cường hợp tác và nâng cao vai trò quốc tế của ASEM, trong đó có dự báo biến đổi khí hậu và cảnh báo sớm thiên tai, nước biển dâng, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp và môi trường sinh thái, thiết lập mạng lưới thông tin và phối hợp để bảo đảm an toàn và an ninh trên biển, hợp tác quản lý, khai thác và sử dụng bền vững các nguồn nước đi qua nhiều lãnh thổ… Hội nghị hoan nghênh Việt Nam đăng cai “Hội nghị Bộ trưởng ASEM về lao động và việc làm lần thứ 4” trong năm 2012 và “Hội thảo ASEM không chính thức về nhân quyền” trong năm 2014.
* Nhân dịp Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Gia Khiêm đã có các cuộc tiếp xúc với Đại diện cao cấp về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh Châu Âu bà Ca-thơ-rin At-xtơn (Catherine Ashton), Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Bỉ ông Xti-vân Van-nac-cơ-rê (Steven Vanackere), Ngoại trưởng nước chủ nhà Hung-ga-ri ông Ia-nô-sơ Mo-rơ-tô-nhi (János Martonyi), Ngoại trưởng Nhật Bản ông Mat-su-mô-tô Ta-kê-a-ki (Matsumoto Takeaki), Ngoại trưởng In-đô-nê-xi-a ông Mac-ty Na-ta-lê-ga-oa (Marty Natalegawa), và Ngoại trưởng Xin-ga-po ông Ka-xi-vi-sơ-oa-na-than Shan-mu-gam (Kasiviswanathan Shanmugam) để trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương cũng như những diễn biến quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Các nước đánh giá cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, nhất là thành công của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010, và khẳng định mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Việt Nam. Các cuộc trao đổi đã diễn ra trên tinh thần hữu nghị, thẳng thắn và tin cậy lẫn nhau./.
Back Top page Print Email |
Related news: |