Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ ba, ngày 24 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa In-đô-nê-xi-a

(Gia-các-ta, ngày 28 tháng 6 năm 2013)

1. Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa In-đô-nê-xi-a, Ngài Xu-xi-lô Bam-bang Giu-đô-giô-nô, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ngài Trương Tấn Sang và Phu nhân đã tiến hành chuyến thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa In-đô-nê-xi-a từ ngày 27-28/6/2013.

2. Trong thời gian ở thăm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã hội đàm với Tổng thống Xu-xi-lô Bam-bang Giu-đô-giô-nô trong không khí thân mật và hữu nghị. Hai nhà Lãnh đạo đã chia sẻ quan điểm và đánh giá cao quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Việt Nam và In-đô-nê-xi-a được duy trì và phát triển tốt đẹp với nhiều thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy sự thịnh vượng của hai nước, đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1955.

3. Hai nhà Lãnh đạo cam kết đưa mối quan hệ song phương truyền thống lên một tầm cao mới và chính thức quyết định thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Việt Nam và In-đô-nê-xi-a trên cơ sở Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa In-đô-nê-xi-a về Khuôn khổ Đối tác Hữu nghị và Toàn diện bước vào thế kỷ 21 (2003) và Chương trình Hành động Việt Nam – In-đô-nê-xi-a giai đoạn 2012-2015 (2011).

4. Quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – In-đô-nê-xi-a cũng phù hợp với các nguyên tắc nêu trong Hiến chương của Liên hợp quốc và của ASEAN, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) cũng như các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi khác của luật pháp quốc tế.

5. Trên tinh thần đó, hai nhà Lãnh đạo nhất trí tăng cường trao đổi các chuyến thăm cấp cao và thúc đẩy hơn nữa hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực. Hai nhà Lãnh đạo nhất trí giao hai Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan xây dựng Chương trình Hành động đề ra các phương thức và biện pháp để triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược một cách cụ thể và hiệu quả. Hai nhà Lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hai nước kiểm điểm định kỳ việc triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược thông qua các cơ chế hợp tác song phương, trong đó có Ủy ban Hợp tác Song phương cấp Bộ trưởng Ngoại giao và Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế, Khoa học và Kỹ thuật.

6. Về hợp tác quốc phòng và an ninh, hai nhà Lãnh đạo ủng hộ việc triển khai có hiệu quả hơn nữa Bản Ghi nhớ về Tăng cường Hợp tác giữa các quan chức quốc phòng và các hoạt động liên quan (2010) và Hiệp định về Hợp tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm (2005) và Bản Tham chiếu về việc Thiết lập cơ chế Đối thoại giữa Hải quân hai nước (2012). Hai nhà Lãnh đạo cũng khuyến khích việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và an ninh phi truyền thống.

7. Về thương mại, hai nhà Lãnh đạo đánh giá cao sự tăng trưởng ổn định của thương mại hai chiều và cam kết thúc đẩy hợp tác thương mại hai chiều tăng trưởng, cân bằng và bền vững. Hai nhà Lãnh đạo tin tưởng rằng mục tiêu kim ngạch thương mại 5 tỷ đô-la Mỹ sẽ đạt được trước năm 2015 và nhất trí đề ra mục tiêu kim ngạch thương mại 10 tỷ đô-la Mỹ vào năm 2018.

8. Hai nhà Lãnh đạo chia sẻ đánh giá tích cực về hợp tác đầu tư ngày càng phát triển và cam kết tiếp tục thúc đẩy môi trường hấp dẫn và thuận lợi hơn cho đầu tư và thương mại. Tổng thống In-đô-nê-xi-a  bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục hỗ trợ và giúp đỡ việc In-đô-nê-xi-a tăng cường hợp tác kinh tế tại Việt Nam.

9. Hai nhà Lãnh đạo tái khẳng định cam kết thúc đẩy hợp tác song phương nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và lương thực bền vững thông qua trao đổi thương mại, đầu tư và nghiên cứu phát triển chung. Về an ninh lương thực, hai nhà Lãnh đạo hoan nghênh việc gia hạn Bản Ghi nhớ về Thương mại Gạo tới năm 2017 và nhất trí tăng cường hợp tác trong sản xuất thực phẩm và quản lý chất lượng cũng như quản lý nguồn dự trữ. Về an ninh năng lượng, hai nhà Lãnh đạo nhất trí khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp hai nước chủ động tìm hiểu khả năng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và tài nguyên khoáng sản, bao gồm việc phát triển ngành công nghiệp khai thác khoáng sản thân thiện môi trường, mua bán than và khoáng chất, sản xuất điện cũng như năng lượng mới và năng lượng tái tạo.

10. Hai nhà Lãnh đạo ghi nhận những bước phát triển trong hợp tác nghề cá và thủy sản, nhấn mạnh việc hai nước cần tăng cường triển khai Bản Ghi nhớ Hợp tác Nghề cá và các vấn đề Biển (2010) để khai thác tiềm năng hợp tác to lớn trong lĩnh vực này cũng như giải quyết vấn đề đánh bắt cá bất hợp pháp, không đúng quy định và không được báo cáo (IUU), bao gồm cả việc bố trí trao trả các ngư dân bị bắt hoặc giam giữ vì lý do trên.

11. Hai nhà Lãnh đạo chỉ đạo nhóm kỹ thuật hai bên đẩy nhanh tiến độ thảo luận để sớm hoàn tất việc phân định vùng đặc quyền kinh tế, và khuyến khích hai bên tìm ra một giải pháp tạm thời để tạo điều kiện cho hợp tác biển và nghề cá mà không ảnh hưởng đến kết quả phân định biên giới biển cuối cùng.

12. Hai nhà Lãnh đạo quyết tâm tiếp tục tăng cường giao lưu nhân dân thông qua việc thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa và du lịch. Với mục đích đó, hai nhà Lãnh đạo nhất trí ký lại Bản Ghi nhớ về Hợp tác Giáo dục (2005), thúc đẩy hợp tác chặt chẽ trong việc phát triển du lịch sinh thái và du lịch kết hợp tổ chức sự kiện (MICE) cũng như thúc đẩy hợp tác văn hóa, bao gồm các hoạt động trong khuôn khổ Dấu tích Văn minh.

13. Hai nhà Lãnh đạo nhất trí tăng cường hơn nữa công việc của ASEAN hướng tới xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết về chính trị, hội nhập về kinh tế và có trách nhiệm về xã hội vào năm 2015, nhằm tận dụng các cơ hội hiện tại và tương lai cũng như ứng phó hiệu quả với những thách thức khu vực và quốc tế.

14. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhắc lại cam kết của Việt Nam tiếp tục tích cực ủng hộ In-đô-nê-xi-a trong vai trò Chủ tịch APEC năm 2013. Tổng thống Xu-xi-lô Bam-bang Giu-đô-giô-nô khẳng định In-đô-nê-xi-a ủng hộ Việt Nam trong vai trò Chủ tịch APEC năm 2017. Tổng thống Giu-đô-giô-nô mời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự Hội nghị các nhà Lãnh đạo APEC tại Ba-li tháng 10/2013.

15. Về Biển Đông, hai nhà Lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải tại Biển Đông và những cam kết chung theo DOC về đảm bảo giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Hai nhà Lãnh đạo bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông và hoan nghênh việc khởi động trao đổi về COC giữa ASEAN và Trung Quốc và mong muốn các cuộc trao đổi về COC sẽ được tiếp tục và hướng tới việc sớm hoàn tất một Bộ Quy tắc Ứng xử Khu vực ở Biển Đông.

16. Sau hội đàm, hai nhà Lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác, bao gồm Hiệp định Dẫn độ, Hiệp định Tương trợ Tư pháp về Hình sự, và Bản Ghi nhớ về Hợp tác Hàng hóa Nông sản. Bên lề chuyến thăm, hai bên cũng đã ký Bản Ghi nhớ về Hợp tác Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản, Bản Ghi nhớ về Hợp tác Tài chính, và Bản Ghi nhớ về Hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và In-đô-nê-xi-a. Hai nhà Lãnh đạo chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan hai nước tích cực triển khai các văn kiện hợp tác này.

17. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cảm ơn về sự đón tiếp trọng thị và chu đáo mà Tổng thống In-đô-nê-xi-a Xu-xi-lô Bam-bang Giu-đô-giô-nô và Phu nhân đã dành cho Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Tổng thống In-đô-nê-xi-a Xu-xi-lô Bam-bang Giu-đô-giô-nô và Phu nhân vui vẻ nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Việt Nam vào thời gian thích hợp cho cả hai bên./.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer