Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác Trung Đông - Bắc Phi

(Hà Nội, ngày 4/11/2013)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại lễ khai mạc.

 

Thưa các vị Trưởng đoàn đại diện Chính phủ các quốc gia Trung Đông - Bắc Phi và các tổ chức quốc tế,

Thưa các vị đại biểu, các vị khách quý và các Bạn,

Hôm nay, tôi rất vui mừng đến dự và phát biểu tại Diễn đàn hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác Trung Đông - Bắc Phi lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các vị Trưởng đoàn, các vị Bộ trưởng, Đại sứ và Quý vị đại biểu đã đến dự Diễn đàn quan trọng và đầy ý nghĩa này.

Diễn đàn của chúng ta hôm nay với sự tham dự đông đảo của Quý vị thể hiện sự quan tâm sâu sắc và quyết tâm mạnh mẽ của tất cả chúng ta nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - Bắc Phi, vì mục tiêu chung là hòa bình, hợp tác và phát triển.

Vượt qua khoảng cách về địa lý, Việt Nam và các quốc gia Trung Đông - Bắc Phi từ lâu đã có mối quan hệ hợp tác và hữu nghị truyền thống, cùng chia sẻ khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và phát triển, cùng giúp đỡ và ủng hộ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước kia cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, thủy chung với bạn bè, nhân dịp này, một lần nữa tôi xin chuyển tới Chính phủ và nhân dân các nước Trung Đông - Bắc Phi lời cảm ơn chân thành về sự đoàn kết, ủng hộ và giúp đỡ quý báu mà các Bạn đã dành cho đất nước và nhân dân Việt Nam.

 Thưa Quý vị và các Bạn,

Thế kỷ 21 với những thành tựu khoa học vĩ đại, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, sự gia tăng liên kết kinh tế ở mọi cấp độ giữa các quốc gia, khu vực và toàn cầu đã tạo ra cho nhân loại những cơ hội phát triển mới rất to lớn. Song nhiều khu vực vẫn phải đối mặt với nghèo đói, tranh chấp, xung đột, chiến tranh và hậu quả chiến tranh. Hiểm họa do thiên tai, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, cạn kiệt nguồn nước, nguồn tài nguyên đang là thách thức đối với tất cả các dân tộc. Những khó khăn trong phát triển kinh tế, dẫn tới các bất ổn xã hội đã khiến một số quốc gia lỡ nhịp trên con đường phát triển. Trong bối cảnh đó, tăng cường hợp tác kinh tế vì phồn vinh và thịnh vượng chung, góp phần xóa đói nghèo, thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), giảm khoảng cách về phát triển giữa các quốc gia là nhân tố quan trọng để xây dựng và tăng cường lòng tin chiến lược giữa các quốc gia, góp phần vào mục tiêu chung là hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.

Thưa Quý vị và các Bạn,

Việt Nam và các nước Trung Đông - Bắc Phi có thể cùng nhau vượt qua thách thức, chủ động tạo lập và tận dụng mọi cơ hội tăng cường hợp tác vì sự phát triển phồn vinh của đất nước mình, cũng như đóng góp vào sự phục hồi của nền kinh tế thế giới.

Bên cạnh quan hệ chính trị tốt đẹp, Việt Nam và các nước Trung Đông - Bắc Phi có những lợi thế và tiềm năng to lớn có thể bổ trợ cho nhau để hợp tác cùng phát triển. Sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới và mở cửa, Việt Nam đã trở thành một nước đang phát triển có thu nhập trung bình và đang vững bước đi lên trên con đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Việt Nam đang là địa điểm đầu tư hấp dẫn với môi trường chính trị - xã hội ổn định, có thị trường tiềm năng và nguồn nhân công dồi dào có kỹ năng lại nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển năng động và là một động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới. Các nước Trung Đông - Bắc Phi có vị trí địa chiến lược, địa kinh tế quan trọng, là nơi kết nối của ba châu lục Á - Âu - Phi, có nguồn vốn dồi dào và nguồn tài nguyên phong phú với trữ lượng về dầu mỏ và khí đốt hàng đầu thế giới.

Với phương châm “là Bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, Việt Nam luôn chú trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước Trung Đông - Bắc Phi. Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với tất cả các quốc gia trong khu vực Trung Đông - Bắc Phi; Việt Nam có 12 cơ quan đại diện ngoại giao tại các nước Trung Đông - Bắc Phi và 15 nước trong khu vực đã mở cơ quan đại diện tại Việt Nam. Quan hệ hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Trong 10 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông – Bắc Phi tăng 878%, từ 889 triệu đô-la Mỹ (2002) lên 7,4 tỉ đô-la Mỹ (2012), trong đó kim ngạch với một số đối tác đã vượt ngưỡng 1 tỉ đô-la Mỹ/năm. Nhiều doanh nghiệp của khu vực này đang tích cực tham gia đầu tư vào nhiều dự án tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực dầu khí, cảng biển, công nghiệp và bất động sản... Một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đã triển khai các dự án đầu tư ở khu vực, trong đó đáng chú ý có dự án thăm dò và khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tại An-giê-ri. Hiện Việt Nam đang có khoảng 26.000 lao động làm việc tại các nước trong khu vực Trung Đông – Bắc Phi.

Tuy nhiên, những kết quả đã đạt được còn khiêm tốn so với tiềm năng hợp tác to lớn và mong muốn của chúng ta. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực tuy tăng nhanh, song mới chỉ chiếm khoảng 5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2012 của Việt Nam. Trong khi đó, tổng khối lượng đầu tư vào Việt Nam chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong dòng vốn đầu tư hàng chục tỷ USD ra nước ngoài hàng năm của các quốc gia Trung Đông – Bắc phi; số lượng lao động Việt Nam cũng chỉ chiếm chưa đến 0,3% tổng số lao động nước ngoài đang làm việc tại Trung Đông – Bắc Phi.

Trong bối cảnh đó, Diễn đàn hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các đối tác Trung Đông - Bắc Phi với sự tham gia của đông đảo các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đề xuất việc tổ chức Diễn đàn này, Chính phủ Việt Nam mong muốn Diễn đàn sẽ tạo thêm động lực và những đột phá mới, thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước Trung Đông - Bắc Phi phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, dầu khí và lao động.

Với mục tiêu đó, tôi đề nghị Diễn đàn của chúng ta tập trung thảo luận về những nội dung lớn như sau:

Một là, cung cấp thông tin về những lĩnh vực ưu tiên đầu tư, kinh doanh của mỗi nước; kinh nghiệm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao để tạo thuận lợi tốt nhất cho doanh nghiệp của chúng ta đầu tư, kinh doanh thành công vào thị trường của nhau.

Đề xuất các sáng kiến và biện pháp cụ thể, nâng cao hiệu quả thực chất của các cơ chế hợp tác để Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước Trung Đông – Bắc Phi hỗ trợ hiệu quả hơn nữa các doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Hai là, thảo luận tìm ra các biện pháp thúc đẩy và mở rộng quan hệ hợp tác trên những lĩnh vực mà mỗi bên có thế mạnh, nhất là thương mại, năng lượng, khai khoáng và phát triển cơ sở hạ tầng; xây dựng và ký kết các hiệp định, thỏa thuận nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định, lâu dài cho quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực này.

Ba là, xây dựng các định hướng, biện pháp nâng cao và cải thiện hơn nữa hiệu quả hoạt động trong các lĩnh vực như nông nghiệp, lao động, giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa và du lịch.
Việt Nam và một số nước châu Phi đã gặt hái được những kết quả tích cực ban đầu về hợp tác trong những lĩnh vực này. Đó là những kinh nghiệm thực tiễn bổ ích cho chúng ta xây dựng và triển khai các dự án hợp tác song phương giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Trung Đông - Bắc Phi hoặc đa phương với sự hỗ trợ của bên thứ ba.
Việt Nam có nguồn lực lao động dồi dào, có kỹ năng, tay nghề ngày càng được nâng cao, có thể đáp ứng tốt nhu cầu lao động ngày càng lớn của các nước Trung Đông – Bắc Phi. Đây là lĩnh vực chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm hợp tác và chúng ta cần phát huy tốt tiềm năng hợp tác to lớn này.

Thưa Quý vị và các Bạn,

Việt Nam chúng tôi đang triển khai mạnh mẽ chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020, với trọng tâm là hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đi đôi với việc tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng tạo động lực cho phát triển nhanh - bền vững. Việt Nam cũng đang tham gia đàm phán các Hiệp định Thương mại tự do quan trọng như Hiệp định đối tác hợp tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do với EU, với Liên minh Thuế quan Nga, Bê-la-rút và Ka-dắc-xtan và một số hiệp định thương mại tự do khác. Những Hiệp định này sẽ mở ra cơ hội hợp tác to lớn không chỉ cho các doanh nghiệp Việt Nam mà cả các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Chúng tôi cam kết luôn tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam. Thành công của các Bạn cũng là thành công của Việt Nam.
Chúng tôi tin tưởng rằng có quyết tâm, có sự tin cậy và với những hành động thiết thực, chúng ta sẽ thành công trong việc tăng cường và nâng cao hiệu quả hợp tác, góp phần thúc đẩy sự phát triển phồn vinh và thịnh vượng của Việt Nam và các nước Trung Đông - Bắc Phi. Tôi tin tưởng Diễn đàn hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác Trung Đông - Bắc Phi hôm nay sẽ là khởi đầu của giai đoạn hợp tác ở tầm cao mới trong quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các đối tác Trung Đông - Bắc Phi.

Chúc Quý vị và các bạn sức khỏe, hạnh phúc. Chúc Diễn đàn thành công tốt đẹp.

Xin cảm ơn Quý vị và các Bạn./.


 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer