Ông Hoàng Chí Trung, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức Quốc tế, Bộ Ngoại giao phát biểu khai mạc Hội thảo (Ảnh: Thế giới & Việt Nam)
Hội thảo được tổ chức nhằm thông báo rộng rãi cho mọi cá nhân, tổ chức quan tâm về kết quả rà soát tình hình đảm bảo các quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế UPR của Hội đồng nhân quyền, lấy ý kiến tham vấn về các khuyến nghị Việt Nam có thể chấp nhận cũng như lộ trình thực hiện các khuyến nghị này.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hoàng Chí Trung, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức Quốc tế, Bộ Ngoại giao cho biết, là một quốc gia tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo cơ chế UPR và đặc biệt là đã chuẩn bị hết sức nghiêm túc cho UPR chu kỳ II, với sự tham gia của tất cả các bộ, ngành liên quan, các tổ chức chính trị, đoàn thể, xã hội, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các cá nhân quan tâm.
Theo ông Hoàng Chí Trung, Việt Nam đã trình bày Báo cáo UPR chu kỳ 2 tại phiên họp thứ 18 của Nhóm làm việc về UPR của Hội đồng Nhân quyền, đối thoại thẳng thắn, cởi mở với các nước thành viên Liên hợp quốc, cung cấp đầy đủ các thông tin về luật pháp, chính sách và thực tế bảo đảm các quyền con người tại Việt Nam.
UPR được đánh giá là một cơ chế thành công, hiệu quả nhất của Hội đồng Nhân quyền và trên thực tế đã góp phần thúc đẩy quyền con người tại nhiều quốc gia và trên toàn thế giới, vì cơ chế này đã đảm bảo các nguyên tắc tiến bộ về nhân quyền như phổ cập, toàn diện, công bằng, hợp tác và đối thoại liên chính phủ.
Tham gia Hội thảo, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc, chúc mừng Chính phủ Việt Nam vì đã trình bày báo cáo quốc gia và tham gia thảo luận tương tác với các quốc gia thành viên về thành tựu và thách thức tồn tại trong quá trình thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam. Kết quả của rà soát là Việt Nam đã nhận được tổng cộng 227 khuyến nghị. Vào tháng 6 tới, Chính phủ sẽ báo cáo lại với Hội đồng Nhân quyền số lượng khuyến nghị mà Chính phủ đồng ý sẽ thực hiện trong bốn năm tới. Bà Mehta cũng đánh giá Hội thảo là sự kiện có ý nghĩa “giúp người dân hiểu hơn về đánh giá của Chính phủ về tình hình và những thách thức trong việc thực hiện nhân quyền ở Việt Nam”.
“Điều này cũng rất hữu ích trong thời điểm hiện tại khi các quy định mới được xây dựng theo hướng phù hợp với các cam đoan về nhân quyền trong Hiến pháp thông qua tháng 11/2013 và các luật mới cần có trong nỗ lực đáp ứng của Việt Nam với UPR”, bà Pratibha Mehta nói.
Đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam cũng khẳng định, thông qua kế hoạch chung giai đoạn 2012-2016, Liên hợp quốc tại Việt Nam cam kết ủng hộ các nỗ lực quốc gia nhằm bảo đảm, bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền. Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các đối thoại thường xuyên như hôm nay nhằm thảo luận kế hoạch hành động triển khai UPR.
Hội thảo đã nghe ông Hoàng Chí Trung trình bày Tổng quan chu trình Báo cáo Rà soát Định kỳ phổ quát và Báo cáo quốc gia UPR của Việt Nam. Các ý kiến đóng góp tại Hội thảo trong phiên thảo luận sau đó sẽ là cơ sở để Bộ Ngoại giao tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định về việc chấp thuận đối với các khuyến nghị UPR, dự kiến sẽ thông báo tại khóa họp lần thứ 26 của Hội đồng Nhân quyền diễn ra vào tháng 6/2014.