Hợp tác hữu nghị phù hợp lợi ích căn bản của nhân dân Việt Nam và Trung Quốc
Ngày 18-1-1950 đã diễn ra một sự kiện trọng đại trong lịch sử quan hệ hai nước Việt Nam và Trung Quốc: nước CHND Trung Hoa và Việt Nam DCCH (nay là CHXHCN Việt Nam) chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Sự kiện này đã mở ra kỷ nguyên mới cho quan hệ giữa hai nước xã hội chủ nghĩa do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông đích thân gây dựng và nhiều thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp.
65 năm qua, thời cuộc thế giới và khu vực đã có nhiều biến động sâu sắc, tác động đến cả hai nước. Nhưng, có một nhận thức chung không thay đổi là sự phát triển ổn định, lâu dài của quan hệ hai nước có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với phát triển ở mỗi nước, mà còn đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của khu vực. 65 năm qua, quan hệ hai nước có lúc thăng trầm, nhưng hợp tác hữu nghị vẫn là dòng chính vì nó vừa đáp ứng được nguyện vọng thiết tha và lợi ích cơ bản của nhân dân hai nước, vừa phù hợp với xu thế chung của thời đại là hòa bình, hợp tác để cùng phát triển thịnh vượng.
Trong tổng thể đường lối đối ngoại của mình, Việt Nam, trước sau như một luôn coi trọng phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, coi đây là một trong những ưu tiên chiến lược hàng đầu, nhất quán và lâu dài. Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên sự giúp đỡ to lớn và hiệu quả của nhân dân Trung Quốc đối với sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc và thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và đổi mới của Việt Nam ngày nay. Chúng tôi coi sự phát triển thịnh vượng của TQ là cơ hội cho VN, đồng thời mong muốn TQ cũng coi sự ổn định và phát triển thịnh vượng của VN là cơ hội cho TQ.
Trong những năm gần đây, quan hệ Việt – Trung có nhiều bước phát triển vượt bậc. Hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện theo “phương châm 16 chữ” và “tinh thần 4 tốt”; triển khai hàng chục các cơ chế hợp tác đa dạng ở mọi cấp, mọi ngành. Trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao giữa hai Đảng, hai nước cũng như giữa các Bộ, ngành, địa phương liên tục được duy trì và thúc đẩy. Từ 2005, hai nước triển khai cơ chế Hội thảo lý luận cấp cao hai Đảng đưa hợp tác kênh Đảng đi vào chiều sâu cả về lý luận và thực tiễn. Trong 10 năm qua, TQ luôn là bạn hàng thương mại lớn nhất của VN còn VN đã trở thành bạn hàng lớn thứ 2 của TQ ở Đông Nam Á với kim ngạch song phương năm 2014 ước đạt 58,5 tỷ USD (số liệu của TQ là hơn 80 tỷ USD). Hợp tác trên các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, khoa học kỹ thuật, du lịch… có nhiều tiến triển thực chất. Hai nước đã giải quyết ổn thỏa 2 vấn đề lớn do lịch sử để lại là hoàn thành phân giới cắm mốc biên giới trên bộ và phân định Vịnh Bắc Bộ.
Năm 2015 là năm có nhiều ý nghĩa đối với cả hai nước Việt – Trung, hai bên sẽ tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Để thúc đẩy quan hệ song phương phát triển lành mạnh, hiệu quả trong năm 2015, chúng tôi cho rằng cần tập trung làm tốt một số việc sau:
- Một là, cần tiếp tục cũng cố và tăng cường hiểu biết và tin cậy chính trị giữa hai bên. Đây là vấn đề quan trọng nhất, là tiền đề thực hiện thành công các chương trình, thỏa thuận hợp tác giữa hai nước, đảm bảo cho quan hệ hai nước phát triển đúng hướng, lành mạnh. Theo đó cần sử dụng tốt các cơ chế giao lưu, tiếp xúc cấp cao; giữa các bộ/ngành, ban Đảng hai nước; đồng thời tăng cường giao lưu nhân dân, đặc biệt là giữa nhân dân các địa phương biên giới hai nước, góp phần củng cố vững chắc cơ sở xã hội của quan hệ giữa hai nước.
- Hai là, cần thúc đẩy hợp tác thực chất và có hiệu quả trong các lĩnh vực giữa hai nước, phát huy vai trò của các cơ chế hợp tác sẵn có để triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là về kinh tế - thương mại và đầu tư. Chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt – Trung đã được lãnh đạo cấp cao hai nước thỏa thuận cần được thực hiện một cách nghiêm túc, triệt để. Đồng thời hai bên cần sớm thành lập hai nhóm công tác về cơ sở hạ tầng và tài chính tiền tệ.
- Ba là, cần tiếp tục kiên trì giải quyết vấn đề trên biển bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS năm 1982 . Trong năm 2015, hai nước cần tiếp tục quán triệt nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai nước, trong đó có Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển; không có những hành động làm phức tạp thêm tình hình, gìn giữ hòa bình ổn định trên biển. Đồng thời, cần phối hợp thực hiện tốt các dự án hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển; thúc đẩy đàm phán Nhóm công tác về khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc bộ đạt tiến triển thực chất; tiếp tục duy trì các cơ chế đàm phán giữa hai nước về các vấn đề trên biển trong đó có Nhóm công tác về hợp tác cùng phát triển.
- Bốn là, hai nước cần tăng cường tuyên truyền tích cực, khách quan về công cuộc đổi mới, cải cách mở cửa, xây dựng CNXH ở mỗi nước và về quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Trung. Trong đó, vai trò của báo chí – truyền thông hai nước là hết sức quan trọng trong việc tăng cường thiện cảm, tình hữu nghị và hiểu biết giữa hai dân tộc, giúp hai nước xích lại gần nhau, mở rộng điểm tương đồng, thu hẹp bất đồng, góp phần thúc đẩy hợp tác hữu nghị và cùng có lợi./.
Back Top page Print Email |