Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin. (Ảnh: TTXVN)
Phát biểu tại hội đàm, Tổng thống Pu-tin nhiệt liệt chào mừng và đánh giá cao chuyến thăm Nga củaChủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, tạo động lực mạnh mẽ tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Nga; đánh giá cao thành tựu Việt Nam đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao uy tín trên trường quốc tế; khẳng định Liên bang Nga luôn coi Việt Nam là đối tác chiến lược hàng đầu tại khu vực.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng thăm lại Liên bang Nga và gặp Tổng thống Pu-tin, người bạn lớn và thân thiết của nhân dân Việt Nam, khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga, mong muốn tăng cường mạnh mẽ hơn nữa hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, vì lợi ích chung của hai đất nước. Chủ tịch nước cũng chuyển lời chào và lời chúc tốt đẹp nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đến Tổng thống Nga Pu-tin.
Trong không khí tin cậy, chân thành và cởi mở, đặc trưng cho quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Liên bang Nga, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Nga Pu-tin đã trao đổi, thống nhất nhiều phương hướng và biện pháp quan trọng nhằm mở ra giai đoạn hợp tác mới, đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Nga với tầm nhìn đến năm 2030. Hai Nguyên thủ cũng thảo luận nhiều vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, cũng như hợp tác giữa hai nước trên trường quốc tế nhằm góp phần vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Nga Pu-tin đánh giá quan hệ chính trị - ngoại giao Việt Nam – Nga có độ tin cậy chiến lược cao, với tiếp xúc các cấp, nhất là cấp cao, được duy trì thường xuyên trong cả khuôn khổ song phương và đa phương bất chấp tác động không thuận của dịch bệnh COVID-19; nhất trí đẩy mạnh trao đổi đoàn trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, cũng như giao lưu địa phương, nhân dân sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát.
Hai Nguyên thủ đánh giá cao hợp tác quốc phòng, an ninh hai nước đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, làm sâu sắc quan hệ chính trị tin cậy hai nước và khẳng định quyết tâm đưa hợp tác kinh tế trở thành trụ cột quan trọng của quan hệ Việt Nam – Nga; cho rằng hợp tác thương mại và đầu tư tuy duy trì tăng trưởng tích cực thời gian qua, nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển khi hai nền kinh tế có hàng hoá, dịch vụ mang tính bổ sung cho nhau hơn là cạnh tranh, nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu, cũng như tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại và đầu tư song phương, nhằm tạo đột phá mạnh mẽ trên các lĩnh vực hợp tác quan trọng này.
Hai nhà Lãnh đạo khẳng định năng lượng và dầu khí tiếp tục là một trong những trụ cột chính của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, mang lại lợi ích thiết thực cho hai nước; nhất trí tiếp tục duy trì và mở rộng hoạt động của doanh nghiệp dầu khí Việt Nam tại Nga và doanh nghiệp dầu khí Nga tại thềm lục địa Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982; hoan nghênh và tạo thuận lợi cho hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực cung cấp khí hóa lỏng, nhiệt điện - khí, năng lượng điện tái tạo...; đẩy nhanh dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân tại Việt Nam, coi đây là một trong những dự án trọng điểm giữa hai nước trong thời gian tới.
Hai bên đánh giá cao hợp tác tin cậy, thực chất, hiệu quả và toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga trên trêncác lĩnh vực truyền thống và tiềm năng như giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa, du lịch, thông tin truyền thông...; ủng hộ đẩy mạnh quan hệ trực tiếp giữa các địa phương và tổ chức hữu nghị, nhân dân hai nước, góp phần làm phong phú hơn nữa hợp tác toàn diện Việt – Nga trên các lĩnh vực; nhất trí sớm mở lại đường bay thẳng ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát nhằm khôi phục giao lưu giữa người dân hai nước…
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Pu-tin đánh giá cao hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực phòng, chống COVID-19 thời gian qua, bao gồm cả những hành động chia sẻ rất thiết thực, hỗ trợ nhau chống dịch, như trao tặng khẩu trang, vật tư y tế, vắc-xin...
Cũng trong khuôn khổ cuộc hội đàm, hai nhà Lãnh đạo đã trao đổi về tình hình thế giới và khu vực. Chủ tịch nước ủng hộ và đánh giá cao vai trò cường quốc và uy tín quốc tế ngày càng cao của Nga tại khu vực, khẳng định Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối hợp tác giữa Nga với ASEAN và các nước Châu Á – Thái Bình Dương. Hai lãnh đạo cũng trao đổi về việcphối hợp duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Tổng thống Pu-tin, cũng như chính quyền các cấp của Liên bang Nga đã luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam được sinh sống, làm ăn, học tập ổn định tại Nga, nhất là bảo đảm các điều kiện chăm sóc y tế trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Kết thúc hội đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Pu-tin đã ra Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Nga đến năm 2030, nhằm định hướng cho hợp tác tin cậy sâu sắc giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, đáp ứng lợi ích lâu dài của hai quốc gia, dân tộc, góp phần vào hoà bình, an ninh và phát triển bền vững tại khu vực và trên thế giới.
Ngay sau Hội đàm, Tổng thống Pu-tin đã mở tiệc chiêu đãi thân mật Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Hai nhà lãnh đạo đã tiếp tục cùng nhau trao đổi về quan hệ 2 nước và những vấn đề cùng quan tâm trong không khí thân tình, cởi mở và thắm tình hữu nghị giữa hai nước. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng mời Tổng thống Pu-tin sớm thăm lại Việt Nam. Tổng thống Pu-tin đã chân thành cảm ơn và vui vẻ nhận lời./.
Back Top page Print Email |