Hội nghị trực tuyến quan chức cao cấp (SOM) diễn đàn khu vực ASEAN (ARF)
Tại Hội nghị, các nước kiểm điểm và ghi nhận những tiến triển tích cực trong hợp tác ARF thời gian qua, nhất là việc thực hiện Kế hoạch hành động Hà Nội II (2020-2025) cũng như hoạt động hợp tác thực tiễn của ARF trên các lĩnh vực ưu tiên như ngoại giao phòng ngừa, cứu trợ thảm họa, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh biển, an ninh mạng, chống phổ biến vũ khí hạt nhân và giải trừ quân bị, hợp tác quốc phòng và gìn giữ hòa bình.
Trong bối cảnh môi trường địa chính trị, an ninh thế giới và khu vực đang trải qua nhiều biến động đa chiều, phức tạp, các nước nhấn mạnh tầm quan trọng và nhu cầu tiếp tục phát huy giá trị của ARF với tư cách một diễn đàn an ninh hàng đầu thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương với ASEAN đóng vai trò trung tâm. Trên cơ sở đó, các nước chia sẻ quan điểm về nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của ARF, xem xét một loạt đề xuất hợp tác mới và thống nhất danh mục các hoạt động của ARF cho năm giữa kỳ 2022-2023.
Cũng tại Hội nghị, các nước dành nhiều thời gian thảo luận các vấn đề quốc tế và khu vực nóng hiện nay. Về xung đột tại Ukraine, nhiều đại biểu bày tỏ quan ngại về căng thẳng quân sự tiếp diễn và hệ lụy tiêu cực của xung đột đối với hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển chung của thế giới và khu vực; đề nghị các bên liên quan kiềm chế, thực hiện ngừng bắn, nối lại đối thoại xây dựng để tìm giải pháp bền vững, đồng thời bảo đảm an toàn công tác hỗ trợ nhân đạo cho thường dân tại các vùng chiến sự. Về vấn đề Myanmar, các nước ủng hộ ASEAN tiếp tục phát huy vai trò hỗ trợ Myanmar sớm tìm giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng hiện nay thông qua thúc đẩy thực hiện Đồng thuận 5 điểm, trong đó cần đạt tiến triển thực chất trong triển khai công tác Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN về Myanmar cũng như tiếp tục hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar.
Về vấn đề Biển Đông, mặc dù còn khác biệt trong cách tiếp cận, các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; nhấn mạnh tự kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng LPQT, bao gồm Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc 1982 (UNCLOS); kêu gọi các bên liên quan thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC và sớm đạt được Bộ quy tắc COC phù hợp với LPQT, bao gồm UNCLOS.
Trên tinh thần chủ động và xây dựng, Đại sứ Vũ Hồ đã tích cực tham gia và chia sẻ nhiều ý kiến thiết thực tại Hội nghị. Trong bối cảnh các nước tham gia ARF phải đối diện nhiều vấn đề phức tạp, Đại sứ cho rằng, khác biệt về quan điểm, cách tiếp cận giữa các nước là khó tránh khỏi; tuy nhiên, các bên cần phát huy tinh thần thiện chí, xây dựng và hợp tác, thể hiện trách nhiệm với hòa bình và ổn định chung của thế giới và khu vực, tăng cường đối thoại thông qua các cơ chế như ARF để xây dựng lòng tin, giảm thiểu khác biệt, cùng tìm giải pháp hữu hiệu cho các vấn đề hiện nay. Đại sứ cũng khẳng định cam kết của Việt Nam sẵn sàng phối hợp cùng các nước đóng góp cho các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để giải quyết các vấn đề.
Về Biển Đông, Đại sứ Vũ Hồ chia sẻ những diễn biến phức tạp trên Biển Đông thời gian qua gây phương hại tới hòa bình, an ninh, ổn định và môi trường biển; tái khẳng định quan điểm lập trường của ASEAN về tầm quan trọng của hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, thực hiện kiềm, chế giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương; thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC nhằm góp phần tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS.
Kết thúc Hội nghị, Chủ tịch Campuchia thông báo kế hoạch tổ chức trực tiếp Hội nghị Bộ trưởng ARF lần thứ 29 đầu tháng 8/2022 tại Phnôm Pênh./.
Back Top page Print Email |