Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Monday, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Hội nghị tổng kết công tác Ngoại giao vaccine – Bài học kinh nghiệm để thúc đẩy công tác Ngoại giao kinh tế trong tình hình mới

(MOFA) - Chiều tối 30/11/2022, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác Ngoại giao vaccine – Bài học kinh nghiệm để thúc đẩy công tác Ngoại giao kinh tế trong tình hình mới. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, lãnh đạo các bộ, ngành thành viên Tổ công tác, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương và 94 Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại, cách đây hơn một năm, ngày 11/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Đây là một bước chuyển hướng hết sức đúng đắn, kịp thời, phù hợp, có vai trò, ý nghĩa quyết định với việc mở cửa trở lại, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, điều kiện tiên quyết để đất nước chuyển trạng thái đó là triển khai thành công chiến lược vaccine, đặc biệt là công tác ngoại giao vaccine, một trong ba trọng tâm của chiến lược.

Thay mặt Tổ công tác, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã báo cáo kết quả triển khai công tác ngoại giao vaccine trong gần hai năm qua, trong đó phân tích sâu sắc bối cảnh tình hình, kết quả triển khai, các bài học kinh nghiệm và định hướng triển khai công tác ngoại giao kinh tế trong thời gian tới. Bộ trưởng nhấn mạnh trong bối cảnh khan hiếm vaccine là vấn đề cấp bách toàn cầu, việc triển khai ngoại giao vaccine đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đã có hơn 130 cuộc điện đàm, tiếp xúc, trao đổi, gửi hơn 100 thư tới lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế và các tập đoàn; Bộ trưởng và lãnh đạo các Bộ Y tế, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an và các bộ, ngành khác cũng đã có rất nhiều cuộc trao đổi, điện đàm để tiếp cận, vận động vaccine. Nếu như đến ngày 27/4/2021, Việt Nam mới có 320 nghìn liều vaccine viện trợ của COVAX thì đến tháng 10/2021, Việt Nam đã tiếp nhận trên 97,5 triệu liều và đến nay đã tiếp nhận hơn 258 triệu liều. Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Tổ công tác về ngoại giao vaccine là hết sức nhạy bén, kịp thời, sáng suốt để có một lực lượng nòng cốt, chuyên trách, huy động sức mạnh tổng lực triển khai nhiệm vụ ngoại giao vaccine.

Trao đổi tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đều nhất trí cho rằng ngoại giao vaccine là quyết sách vô cùng đúng đắn, kịp thời của Đảng và Nhà nước ta. Việc thực hiện thành công ngoại giao vaccine nói riêng và chiến lược vaccine nói chung đã tiếp tục khẳng định tính ưu việt của Nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, giúp “xoay chuyển tình thế” để Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia “đi sau về trước” trong tiêm chủng vaccine.

Chia sẻ những câu chuyện về tiếp cận, vận động các nguồn vaccine tại sở tại, các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cho biết, lãnh đạo các quốc gia và các tổ chức quốc tế đánh giá cao quyết tâm chính trị, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, ý chí kiên cường, sự đồng lòng, quyết tâm của toàn dân. Bạn bè quốc tế vô cùng khâm phục kết quả phòng chống dịch của Việt Nam, đặc biệt là triển khai thành công chiến lược vaccine, sớm chuyển trạng thái để phục hồi, phát triển kinh tế, trở thành một điểm sáng về phát triển kinh tế-xã hội trên thế giới.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chia sẻ những khó khăn, thách thức trong việc tiếp cận vaccine trong những ngày đầu chống dịch cũng như những kỷ niệm trong suốt quá trình chống dịch và thực hiện chiến lược vaccine, nhất là ngoại giao vaccine và triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử. Phó Thủ tướng đặc biệt cảm ơn các bộ, ngành thành viên Tổ công tác, các thế hệ lãnh đạo ngành y tế và lực lượng tuyến đầu chống dịch cũng như các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã đóng góp hết sức mình vào những nỗ lực chung.

Phát biểu kết luận hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời cảm ơn, ghi nhận và đánh giá cao đóng góp của ngành ngoại giao và các bộ, ngành liên quan vào hoạt động ngoại giao vaccine, đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống dịch. Thủ tướng chia sẻ, khó nhất là vì thời điểm đó, tiếp cận vaccine không bình đẳng, bên mua chịu rất nhiều rủi ro trong khi nền kinh tế của chúng ta còn nhiều khó khăn. Nhờ kiểm soát được dịch bệnh, đến nay Việt Nam đã ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn. Theo Thủ tướng, đạt được kết quả trên là do nhiều nguyên nhân, trong đó, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Việt Nam đã đề ra Chiến lược vaccine phù hợp, đúng đắn, hiệu quả; công tác ngoại giao vaccine được triển khai tích cực, ở đâu có vaccine là tiếp cận bằng mọi phương pháp, mọi hình thức từ mua, vay, mượn, ứng trước… nhằm “chạy đua” với thời gian, đưa vaccine về nước sớm nhất, nhiều nhất để bảo vệ sức khỏe và tính mạng nhân dân. Thủ tướng đánh giá cao sự tâm huyết, trách nhiệm của các Đại sứ, cán bộ ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đã vượt qua nhiều khó khăn, nỗ lực tiếp cận vaccine, thuốc, trang thiết bị y tế. Đồng thời, nhờ đường lối đối ngoại đúng đắn, chúng ta đã nhận được sự giúp đỡ tận tình, chân thành của bạn bè quốc tế.

Thủ tướng đã chỉ ra sáu bài học kinh nghiệm, trong đó nhấn mạnh phải kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; phải nắm chắc diễn biến tình hình, xuất phát từ thực tiễn để có biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả; phải bình tĩnh, sáng suốt, càng khó khăn, phức tạp càng kiên trì, kiên quyết, kiên định, tất cả vì mục tiêu bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của người dân. Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác tư vấn, tham mưu, triển khai thực hiện, “đeo bám” đến khi đạt kết quả của các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài; phải đoàn kết, thống nhất, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, doanh nghiệp, đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương.

Thời gian tới, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, miễn dịch suy giảm theo thời gian, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai ngoại giao vaccine, đẩy mạnh công tác tiêm chủng, nhất là các đối tượng có nguy cơ cao, học sinh, sinh viên, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ để làm chủ công nghệ sản xuất vaccine. Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao, từ kinh nghiệm của ngoại giao vaccine, xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ nhằm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về ngoại giao kinh tế, nhất là lúc này cần mở rộng thị trường xuất khẩu bởi các thị trường lớn đang bị thu hẹp.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ và các lãnh đạo Chính phủ đã trao huy chương hữu nghị và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước đã có thành tích xuất sắc trong triển khai công tác ngoại giao vaccine./.

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer