Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Thụy Sỹ Christian Hofer
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Thụy Sỹ Christian Hofer (Ảnh: TTXVN)
Chiều 24/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Christian Hofer, Bộ trưởng Nông nghiệp Thụy Sỹ đang thăm Việt Nam dự Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững (SFS).
Hoan nghênh Bộ trưởng Christian Hofer đến Việt Nam dự Hội nghị SFS, Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng Bộ trưởng và đoàn Thụy Sỹ sẽ đóng góp quan trọng cho thành công của hội nghị.
Thủ tướng cho rằng lương thực, thực phẩm không chỉ là vấn đề ăn uống mà là vấn đề hết sức rộng lớn, từ sức khỏe, văn hóa, kinh tế, an ninh… do đó, cần có sự nhận định đúng giá trị của lương thực, thực phẩm đối với con người. Hội nghị là dịp để đánh giá thỏa đáng các vấn đề liên quan nông nghiệp nói chung, vấn đề lương thực, thực phẩm nói riêng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Christian Hofer đánh giá cao kết quả quan hệ Việt Nam-Thụy Sỹ sau hơn 50 năm thiết lập. Thụy Sỹ là nơi diễn ra lễ ký kết Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương; Thụy Sỹ luôn ủng hộ việt Nam trong công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước.
Hiện, Thụy Sỹ là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam ở châu Âu, là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ 6 tại Việt Nam với tổng đầu tư khoảng 2 tỷ USD. Thụy Sỹ là một trong số ít các nước Tây Âu duy trì viện trợ phát triển và hợp tác kinh tế đối với Việt Nam trong suốt 3 thập kỷ qua.
Ngoài ra, Việt Nam và Thụy Sỹ có nhiều tiềm năng, dư địa để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực. Với nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước; tin tưởng, thời gian tới quan hệ hai nước tiếp tục được tăng cường, phát triển, trong đó có quan hệ, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, an ninh lương thực.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nông nghiệp có vai trò, vị trí hết sức quan trọng, do đó cần có thay đổi nhận thức về nông nghiệp; đánh giá đúng vai trò, vị trí, giá trị của nông nghiệp; huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, trong đó có sản xuất lương thực, thực phẩm; việc sản xuất nông nghiệp bền vững lại liên quan đến huy động nguồn lực, đầu tư khoa học công nghệ, nguồn nhân lực, thị trường...
Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm…
Do đó, Thủ tướng mong muốn Thụy Sỹ tiếp tục các dự án ODA liên quan nông nghiệp, nông thôn, nông dân cho Việt Nam, nhất là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng chia sẻ, hợp tác đầu tư về vốn, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, khoa học quản lý, xây dựng thể chế trong đó có lĩnh vực nông nghiệp; đề nghị hỗ trợ Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường tại Thụy Sỹ và các nước châu Âu, nhất là đối với các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và Thụy Sỹ có nhu cầu như các loại rau, quả: cà phê, hạt điều, mắc ca, hạt tiêu, đậu đỗ; nghiên cứu phát triển giống cây trồng, vật nuôi, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp; trao đổi thông tin, dự báo chiến lược, trong đó có dự báo thị trường... trên quan điểm hai bên cùng có lợi.
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn Thụy Sỹ tiếp tục các dự án ODA liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân cho Việt Nam, nhất là ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (Ảnh: TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Thụy Sỹ cảm ơn Thủ tướng dành thời gian tiếp đoàn và cho biết, sau 20 năm trở lại, ông thực sự bất ngờ trước những thay đổi, phát triển thần kỳ của Việt Nam.
Bày tỏ đồng tình với các ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Christian Hofer đánh giá cao vai trò sáng kiến của Việt Nam trong Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực thực phẩm bền vững, cũng như vai trò, năng lực của Việt Nam trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, đóng góp cho đảm bảo an ninh lương thực thế giới.
Bộ trưởng Christian Hofer cho biết, Thụy Sỹ có nhiều doanh nghiệp, trường Đại học danh tiếng, có thể hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có phát triển nông nghiệp chất lượng cao; sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trong phát triển nông nghiệp hữu cơ, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; mong muốn Việt Nam và Thụy Sỹ đàm phán đi đến ký kết Hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai nước.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |