Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt trả lời phỏng vấn về kết quả Phiên họp thông qua Báo cáo UPR chu kỳ IV của Việt Nam

Câu 1: Thưa Thứ trưởng, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc (LHQ) đã thông qua Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV ngày 27/9 tại Geneve, Thụy Sỹ. Xin Thứ trưởng chia sẻ thêm về kết quả này?


Hội đồng Nhân quyền LHQ vừa chính thức thông qua Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế UPR chu kỳ IV. Đây là kết quả của một quá trình dài chuẩn bị của Chính phủ Việt Nam. Ngay sau Phiên đối thoại vào tháng 5/2024 vừa qua, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan tích cực tiến hành rà soát kỹ lưỡng tất cả 320 khuyến nghị đã nhận được từ 133 nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tại Phiên họp ngày 27/9, Việt Nam đã thông báo quyết định chấp thuận 271 trên tổng số 320 khuyến nghị các nước đưa ra, đạt tỷ lệ 84,7%. Đây là tỉ lệ chấp thuận cao nhất của ta trong 4 chu kỳ. Điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với tiến trình UPR, cũng như khẳng định mong muốn và quyết tâm của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Có khoảng 90 nước, các tổ chức quốc tế và một số tổ chức phi chính phủ tham dự Phiên họp. Có thể nói tuyệt đại đa số các ý kiến phát biểu đều đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam, sự tham gia của đoàn Việt Nam trong trao đổi, đối thoại cởi mở, thẳng thắn, có nhiểu thông tin hữu ích, giúp cộng đồng quốc tế hiểu hơn về tình hình Việt Nam.

Nhân dịp này, chúng ta cũng đã cập nhật thông tin về các tiến triển mới kể từ Phiên đối thoại tháng 5 vừa qua trên các lĩnh vực như xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, tiếp tục bảo đảm các nền tảng cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội để bảo đảm tốt hơn quyền con người ở Việt Nam.

Đồng thời, đoàn Việt Nam cũng đã kịp thời có những ý kiến phản bác những luận điệu sai lệch, sử dụng những thông tin chưa được kiểm chứng thể hiện định kiến về Việt Nam trong phát biểu của một số ít tổ chức phi chính phủ tại Phiên họp. Chúng ta khẳng định luôn tạo môi trường thuận lợi cho người dân tham gia đóng góp xây dựng chính sách pháp luật; khẳng định việc thực hiện các quyền con người cũng cần dựa trên thượng tôn pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích của cá nhân, cộng đồng, vì sự ổn định và thịnh vượng của cả đất nước; nhấn mạnh quyết tâm không khoan nhượng trước những hành động lợi dụng các quyền tự do, dân chủ để kích động, gây bất ổn.

Câu 2: Xin Trưởng đoàn chia sẻ thêm về những nội dung đáng chú ý nhất trong phát biểu của các nước tại Phiên thông qua?

Điều đặc biệt xúc động tại Phiên họp ngày 27/9 là việc các nước, các bạn bè quốc tế đã tranh thủ sử dụng thời lượng ít ỏi mà HĐNQ dành cho phát biểu của mình để bày tỏ tình cảm đoàn kết, chia sẻ với những đau thương, mất mát do cơn bão Yagi vừa gây ra cho nhân dân Việt Nam. Phát biểu của đại biểu bày tỏ với nỗ lực, cam kết của Chính phủ, đời sống lao động, sản xuất của người dân sẽ sớm được ổn định, hậu quả sớm được khắc phục để tiếp tục đà tăng trưởng. Đồng thời, cũng có những ý kiến đánh giá cao ý nghĩa của việc Việt Nam tiến hành các hoạt động đối thoại về UPR tại HĐNQ ở Geneva Thuỵ Sĩ đúng vào năm 2024, kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên và ký kết Hiệp định Geneva về kết thúc chiến tranh và lập lại hoà bình ở Đông Dương. Một số phát biểu cũng điểm lại quá trình đấu tranh của nhân dân Việt Nam để tự quyết định vận mệnh và con đường đi tới độc lập, tự do, hạnh phúc, coi đó là nền tảng để bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam.

Với mục đích chính của Phiên họp là về kết quả rà soát chu kỳ IV với Việt Nam, tất cả các nước phát biểu đều khuyến nghị Hội đồng Nhân quyền thông qua báo cáo quốc gia chu kỳ IV của ta, cùng với lập trường với 320 khuyến nghị mà ta đã thông báo. Các nước hoan nghênh việc ta chấp thuận số lượng lớn các khuyến nghị, thể hiện cam kết mạnh mẽ với tiến trình UPR nói riêng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người nói chung. Các nước cũng có những đánh giá tích cực về nỗ lực, thành tựu của ta trên một số khía cạnh như thúc đẩy phát triển bền vững để bảo đảm tốt hơn quyền con người, có cách tiếp cận giảm nghèo đa chiều, quan tâm đến thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương… Đồng thời, một số nước đánh giá ta có những kinh nghiệm tốt về tham gia hiệu quả UPR và đề nghị ta tiếp tục chia sẻ cùng các nước.

Tôi cho rằng các ý kiến đánh giá toàn diện, khách quan, và cũng rất sát với thực tế ở Việt Nam cho thấy các đối tác quốc tế có sự quan tâm tích cực, hiểu biết sâu sắc với thông tin được cập nhật đất nước, con người, lịch sử, văn hoá và quá trình phát triển ở Việt Nam, cũng như thể hiện vị thế, uy tín quốc tế của chúng ta tại các diễn đàn đa phương. Đây là điểm chúng ta cần tiếp tục bồi đắp, phát huy trong thời gian tới.

Câu 3: Xin Thứ trưởng chia sẻ thêm về các bước tiếp theo của Việt Nam nhằm thực hiện 271 khuyến nghị Việt Nam đã tuyên bố chấp thuận trong chu kỳ IV?

Chúng ta đã có kinh nghiệm triển khai thực hiện các khuyến nghị UPR tại ba chu kỳ trước đây. Tại chu kỳ IV này, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ thông qua một Kế hoạch tổng thể nhằm triển khai thực hiện 271 khuyến nghị đã chấp thuận. Kế hoạch tổng thể này sẽ phân công cụ thể trách nhiệm, nhiệm vụ cho từng Bộ, ngành, cơ quan thực hiện các khuyến nghị, cũng như đề xuất cơ chế theo dõi, đánh giá việc thực hiện đó. Ta cũng có kế hoạch tiến hành kiểm điểm giữa kỳ để xác định tiến độ thực hiện và những lĩnh vực cần đẩy mạnh nỗ lực hơn nữa.

Trong quá trình này, Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với Liên hợp quốc, các đối tác quốc tế, các nước bạn bè để có thêm các nguồn lực giúp chúng ta có thể thực hiện tốt nhất các khuyến nghị này./.

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn