Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Trả lời phỏng vấn báo chí của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh về kết quả chuyến đi Xinh-ga-po của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng

(MOFA-3/6/2013) - Trong hai ngày từ 31/5-1/6/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thăm Xinh-ga-po dự và phát biểu dẫn đề tại Đối thoại Shangri La lần thứ 12; đồng thời đã các cuộc hội kiến với Tổng thống Tony Tan và Thủ tướng Lý Hiển Long của Xinh-ga-po, làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Xinh-ga-po. Sau khi kết thúc chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh đã có trả lời phỏng vấn về kết quả chuyến đi.

PV: Xin Thứ trưởng cho biết mục đích và nội dung chuyến thăm Xinh-ga-po vừa qua của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng?

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Nhận lời mời của Thủ tướng Xinh-ga-po Lý Hiển Long và Ban tổ chức Đối thoại Shangri La 12, từ 31/5-1/6/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thăm Xinh-ga-po dự và phát biểu dẫn đề tại Đối thoại Shangri La lần thứ 12; đồng thời đã có các cuộc hội kiến với Tổng thống Tony Tan và Thủ tướng Lý Hiển Long của Xinh-ga-po, có buổi làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Xinh-ga-po.

Diễn đàn Shangri La, với tên gọi “Thượng đỉnh An ninh Châu Á-Thái Bình Dương”, được thành lập năm 2002, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong hợp tác quốc phòng, an ninh của Châu Á-Thái Bình Dương, với sự tham gia của đại diện gần 30 quốc gia trong và ngoài khu vực, trong đó có các nước ASEAN và các nước lớn.

Việc Thủ tướng Xinh-ga-po và Ban Tổ chức mời Thủ tướng ta dự và phát biểu chính thể hiện sự coi trọng và đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam, cũng như những quan điểm và đóng góp xây dựng của Việt Nam trong những vấn đề chung về hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển của khu vực. Thủ tướng ta nhận lời dự và phát biểu tại Diễn đàn nhằm chia sẻ những quan điểm và đóng góp của Việt Nam với tư cách là thành viên có trách nhiệm đối với những vấn đề thuộc quan tâm chung của khu vực; thể hiện và đề cao đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta là hòa bình, độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia; khẳng định chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ.

PV: Tại Đối thoại Shangri La lần thứ 12, Thủ tướng Chính phủ đã có bài phát biểu dẫn đề trong phiên khai mạc tối 31/5, được dư luận trong và ngoài khu vực quan tâm trông đợi và hoan nghênh. Xin Thứ trưởng cho biết nội dung và thông điệp của bài phát biểu quan trọng này?

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Đúng như vậy, Hội nghị cũng như dư luận trong và ngoài khu vực trông đợi, hướng ứng và đã đưa tin rộng rãi về sự kiện Thủ tướng ta dự và phát biểu chính tại Đối thoại Shangri La lần thứ 12. Thực tế là, dư luận chung, trong đó có Tổng thống và Thủ tướng Xinh-ga-po, Trưởng Ban tổ chức Tiến sỹ Giôn Chip-man, nhiều vị Trưởng đoàn các nước, truyền thông khu vực và thế giới đã đánh giá cao bài phát biểu của Thủ tướng và những thông điệp chính sách lớn, mang tầm chiến lược về những vấn đề thuộc quan tâm chung nổi lên tại Châu Á-Thái Bình Dương.

Bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ đã được đăng toàn văn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là bài phát biểu chính sách lớn, mang tầm chiến lược. Với hiểu biết của mình, ở đây, tôi chỉ xin phép chia sẻ một số điểm rất có ý nghĩa mà mình lĩnh hội được như sau:

 - Thứ nhất, bài phát biểu của Thủ tướng đã chuyển thông điệp quan trọng xuyên suốt là xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác và thịnh vượng của Châu Á-Thái Bình Dương; nhấn mạnh muốn có hòa bình, phát triển, thịnh vượng thì phải tăng cường xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược. Đặc biệt, đối với Việt Nam thì lòng tin chiến lược cần được hiểu trên hết là sự thực tâm và chân thành. Điều kiện tiên quyết để xây dựng lòng tin chiến lược là phải tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử chung; không chấp nhận chính trị cường quyền, áp đặt hay can thiệp nội bộ; cần tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi. 

  - Thứ hai, bài phát biểu của Thủ tướng đã phân tích sâu sắc bức tranh tổng thể khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, nêu trúng những vấn đề thuộc quan tâm chung nổi lên ở khu vực, ở tầm chiến lược và với cách tiếp cận xây dựng, phù hợp, đáp ứng trông đợi của khu vực và thế giới; trong đó nhấn mạnh:

 + Việt Nam có niềm tin sâu sắc vào tương lai tươi sáng trong hợp tác phát triển của khu vực, nhưng với xu thế tăng cường cạnh tranh và can dự - nhất là từ các nước lớn – thì bên cạnh những mặt tích cực, cũng tiềm ẩn những rủi ro tiêu cực mà các nước cần phải cùng nhau chủ động ngăn ngừa.

 + Để xây dựng lòng tin chiến lược, các nước cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm của các quốc gia – nhất là các nước lớn, và nâng cao hiệu quả thực thi của các cơ chế hợp tác an ninh đa phương.

 + Nói đến hòa bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, không thể không nói đến một ASEAN đồng thuận, đoàn kết và với vai trò trung tâm trong nhiều cơ chế hợp tác đa phương.  

- Thứ ba, bài phát biểu đã trình bày một cách hệ thống quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, chính sách quốc phòng của Việt Nam; trong đó khẳng định: Việt Nam kiên định nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ; đa dạng hóa, đa phương hóa; là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước; tích cực chủ động hội nhập quốc tế và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Theo đó, Việt Nam không ngừng nỗ lực làm sâu sắc thêm và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, đối tác hợp tác cùng có lợi với các quốc gia; mong muốn thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ một khi nguyên tắc độc lập chủ quyền, không can thiệp nội bộ, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi được cam kết và nghiêm túc thực hiện.

Chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ; Việt Nam không là đồng minh quân sự của nước nào và không để nước ngoài nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam; Việt Nam không liên minh với nước này để chống lại nước khác.

Chúng ta thông báo Việt Nam đã quyết định tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, trước hết là trong lĩnh vực công binh, quân y, quan sát viên quân sự.

Về vấn đề Biển Đông, chúng ta khẳng định Việt Nam tuân thủ nhất quán Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN; nỗ lực làm hết sức mình cùng ASEAN và Trung Quốc nghiêm túc thực hiện DOC và sớm đạt được COC. Là quốc gia ven biển, Việt Nam khẳng định và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình theo đúng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS).

 - Thứ tư, trong tổng quan tình hình châu Á-Thái Bình Dương, bài phát biểu cũng đã phân tích sâu sắc ở tầm chiến lược và đề xuất những giải pháp thực tiễn phù hợp, trên cơ sở hợp tác và xây dựng lòng tin, về nhiều vấn đề chung nổi lên của khu vực, trong đó có:

 + Về hợp tác và trách nhiệm của các quốc gia: mỗi quốc gia luôn phải là một thành viên có trách nhiệm đối với hòa bình và an ninh chung. Các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, cần có quan hệ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cao hơn là có lòng tin chiến lược vào nhau. Các nước lớn có vai trò và có thể đóng góp nhiều hơn, đồng thời có trách nhiệm lớn hơn trong việc tạo dựng và củng cố lòng tin chiến lược. Về các nước lớn, đặc biệt coi trọng vai trò của một nước Trung Hoa đang trỗi dậy mạnh mẽ và của Hoa Kỳ - một cường quốc Châu Á-Thái Bình Dương; trông đợi và ủng hộ Hoa Kỳ và Trung Quốc khi mà các chiến lược, các việc làm của hai cường quốc này tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia, vừa đem lại lợi ích cho chính mình, đồng thời đóng góp thiết thực, mang tính xây dựng vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng chung.

 + Về ASEAN: khẳng định ASEAN là hình mẫu của nguyên tắc đồng thuận và lòng tin vào nhau; thành công của ASEAN là thành quả của cả quá trình kiên trì xây dựng lòng tin và văn hóa đối thoại, hợp tác cũng như ý thức trách nhiệm chia sẻ vận mệnh chung giữa các nước Đông Nam Á; là cơ sở để các nước ngoài khu vực gửi gắm lòng tin vào ASEAN với tư cách là “người trung gian thực tâm” trong vai trò dẫn dắt nhiều cơ chế hợp tác khu vực. Một ASEAN thiếu thống nhất, hay một ASEAN mà các quốc gia thành viên buộc phải lựa chọn đứng về bên này hay bên kia vì lợi ích riêng của mình trong mối quan hệ với các nước lớn, thì sẽ tự đánh mất vị thế và không có lợi cho bất cứ một ai, kể cả các nước ASEAN và các đối tác.

 + Về an ninh hàng hải và vấn đề Biển Đông: trước những diễn biến, nguy cơ, thách thức đối với an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông, ASEAN và Trung Quốc cần đề cao trách nhiệm, cùng nhau củng cố lòng tin chiến lược, trước hết là thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nỗ lực hơn nữa để sớm có Bộ Quy tắc ứng xử (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS). ASEAN và các nước đối tác có thể và cần cùng nhau xây dựng một cơ chế khả thi để bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải ở khu vực.

PV: Xin Thứ trưởng cho biết kết quả chính trong các cuộc hội kiến giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Nhà Lãnh đạo Xinh-ga-po?

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Trong chuyến thăm này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc hội kiến chính thức với Tổng thống Tony Tan và Thủ tướng Lý Hiển Long của Xinh-ga-po. Hai bên đã có những cuộc trao đổi sâu rộng và thực chất nhằm thúc đẩy và tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam - Xinh-ga-po trên tất cả các lĩnh vực, nhất là tổ chức các hoạt động kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao hai nước và ký kết văn kiện nâng quan hệ Việt Nam - Xinh-ga-po lên Đối tác chiến lược trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Lý Hiển Long trong năm 2013.

Hai bên nhất trí thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại và đầu tư, an ninh quốc phòng, giáo dục, văn hóa, du lịch; đánh giá cao hiệu quả thành công của các khu công nghiệp Việt Nam – Xinh-ga-po (VSIP), coi đây là điểm sáng trong hợp tác hai nước. Các Nhà Lãnh đạo Xinh-ga-po đánh giá cao quan hệ hợp tác song phương tin cậy với Việt Nam cũng như vai trò và vị thế của Việt Nam tại khu vực; mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam, cả trên bình diện song phương và đa phương. Các Nhà Lãnh đạo Xinh-ga-po cũng đánh giá cao việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu tại Đối thoại Shangri La lần thứ 12, đề cao ý nghĩa thông điệp về xây dựng lòng tin chiến lược, mà trên hết là sự thực tâm và chân thành, vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của Châu Á-Thái Bình Dương. Về các vấn đề khu vực cùng quan tâm, hai bên ủng hộ ASEAN đoàn kết, xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực. Về Biển Đông, hai bên cũng nhất trí về tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; ủng hộ Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN, thực hiện đầy đủ DOC và sớm tiến tới COC.

Kết thúc các cuộc hội kiến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lý Hiển Long đã cùng chứng kiến Lễ trao giấy phép bổ sung cho dự án Nhà máy nhiệt điện Dung Quất của tỉnh Quảng Ngãi (với tổng mức đầu tư khoảng 2 tỷ đô la Mỹ) cho Tập đoàn Sembcorp của Xinh-ga-po.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc làm việc với những tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Xinh-ga-po nhằm tăng cường các hoạt động hợp tác và đầu tư của Xinh-ga-po tại Việt Nam.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer