PV: Xin Thứ trưởng đánh giá các kết quả chính đạt được trong cuộc họp tham vấn chính trị lần thứ sáu và đối thoại chiến lược lần thứ ba giữa Việt Nam và Ấn Độ vừa kết thúc tại New Dehli?
Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Cuộc họp tham vấn chính trị lần thứ sáu và đối thoại chiến lược lần thứ ba giữa Việt Nam và Ấn Độ tổ chức tại New Delhi từ ngày 16-17/4/2014 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp thiết thực vào việc triển khai toàn diện các lĩnh vực hợp tác trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước thời gian tới.
Tại cuộc họp và các cuộc trao đổi, hai bên đánh giá cao sự phát triển tốt đẹp của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ trong thời gian qua, nhất là sau chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Ấn Độ hồi tháng 11/2013.
Hai bên cùng khẳng định tầm quan trọng của việc tiếp tục duy trì và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và quan hệ hợp tác chiến lược tin cậy giữa hai nước.
Trên tinh thần đó, hai bên đã cùng trao đổi và thống nhất đề xuất triển khai nhiều biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ trên năm trụ cột chính là hợp tác chính trị, kinh tế, an ninh-quốc phòng, khoa học-công nghệ và văn hóa-giáo dục.
Đáng chú ý, hai bên nhất trí phối hợp chuẩn bị tốt cho chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee tới Việt Nam (dự kiến vào nửa cuối năm 2014); phấn đấu ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng trong chuyến thăm này.
Trên tinh thần hữu nghị và tin cậy, hai bên cũng chia sẻ đánh giá và nhất trí quan điểm về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có việc bảo đảm hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển, thực hiện đầy đủ DOC và sớm tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Hai bên cũng đánh giá cao và nhất trí tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác tốt đẹp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, trong đó có hợp tác ASEAN-Ấn Độ, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn An ninh khu vực (ARF), hợp tác sông Hằng-sông Mekong (MGC) và hợp tác trong khuôn khổ Liên hợp quốc.
Nhân dịp này, Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam đã ký Thỏa thuận hợp tác với Viện Nghiên cứu Quốc tế Vivekananda của Ấn Độ, tạo điều kiện tăng cường và mở rộng hợp tác nghiên cứu trong các vấn đề mang tính chiến lược và trao đổi học giả giữa hai viện nghiên cứu.
Trên cơ sở các kết quả tích cực của kỳ họp lần này, hai bên nhất trí sẽ tổ chức họp đối thoại chiến lược lần thứ tư và tham vấn chính trị lần thứ bảy tại Việt Nam vào năm 2016.
PV: Xin Thứ trưởng cho biết những trọng tâm chiến lược mà hai nước Ấn Độ và Việt Nam hướng tới trong quan hệ hợp tác song phương?
Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Quan hệ hợp tác truyền thống và đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ đã được đánh dấu bằng chuyến thăm đặc biệt quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Ấn Độ hồi tháng 11/2013.
Chuyến thăm đã mở ra một giai đoạn phát triển mới về chất trong quan hệ song phương, thúc đẩy hợp tác giữa hai nước một cách mạnh mẽ và sâu rộng hơn, xác định rõ các cam kết mang tính chiến lược trên các lĩnh vực trụ cột về hợp tác.
Trước hết, về chính trị, lãnh đạo hai nước đã nhất trí tăng cường các chuyến thăm, tiếp xúc ở cấp cao; mở rộng tiếp xúc trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, địa phương; làm sâu sắc hơn nữa các cơ chế hợp tác đã có giữa hai nước.
Thứ hai về an ninh-quốc phòng, lãnh đạo hai nước nhất trí coi đây là những lĩnh vực trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược, góp phần vào hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng tại châu Á.
Hai nước cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác về an ninh, an toàn và tự do hàng hải, chống cướp biển, tiến hành các hoạt động tìm kiếm cứu nạn; chống khủng bố, chống tội phạm xuyên quốc gia; đối phó hiệu quả với các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh năng lượng.
Thứ ba, về kinh tế, lãnh đạo hai nước nhất trí hợp tác kinh tế là một trong những nội dung chính quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược; thúc đẩy trao đổi thương mại song phương, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 7 tỷ USD vào năm 2015 và 15 tỷ USD vào 2020; thúc đẩy các dự án đầu tư giữa hai nước trong hàng loạt các lĩnh vực giáo dục, kết cấu hạ tầng, dầu khí, năng lượng, năng lượng mới và năng lượng tái tạo, nông nghiệp, dệt, công nghệ thông tin, y dược.
Lãnh đạo hai nước cũng quyết định tăng cường sự kết nối giữa Việt Nam và Ấn Độ về vận tải đường bộ, đường biển và đường không đồng thời mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác về khoa học, công nghệ sinh học, viễn thám, ứng dụng công nghệ nano, thông tin, hải dương học.
Thứ tư là hợp tác trong lĩnh vực văn hóa và giao lưu nhân dân, cụ thể trong các dự án khảo cổ học, bảo tồn di sản, du lịch, thể thao, truyền thông, giáo dục, giao lưu và hợp tác giữa các trường đại học và viện nghiên cứu, thiết lập quan hệ kết nghĩa giữa các thành phố, địa phương của hai nước.
Thứ năm là hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ quan hệ ASEAN-Ấn Độ, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM +), Diễn đàn hàng hải ASEAN mở rộng (EAMF), Hợp tác Mekong-Sông Hằng (MGC).
Hai nước cũng quyết tâm tăng cường phối hợp tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế như Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Liên hợp quốc và Phong trào Không liên kết./.