Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc thăm Bô-li-va Vê-nê-xu-ê-la, Cô-lôm-bi-a và Đô-mi-ni-ca-na
Tại Vê-nê-xu-ê-la, với tư cách là Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc đã tiếp kiến Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Dầu và Mỏ Ra-pha-en Ra-mi-rết (Rafael Ramirez) và phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Ê-li-át Ha-u-a (Elias Jaua), đồng chủ trì cuộc họp liên bộ, ngành hai nước và phiên tham khảo chính trị với Thứ trưởng Ngoại giao Xo-an Pa-blô Nôi-gia (Xoan Pablo Noya), gặp gỡ với nhóm Nghị sĩ Nghị viện Mỹ Latinh của Vê-nê-xu-ê-la, Lãnh đạo Đảng XHCN Thống nhất cầm quyền (PSUV) và Đảng Cộng sản Vê-nê-xu-ê-la, đặt vòng hoa tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, viếng lăng Anh hùng Giải phóng Mỹ Latinh Xi-môn Bô-li-va (Simon Bolivar) và cố Tổng thống U-gô Cha-vết (Hugo Chavez), thăm Đại sứ quán và Văn phòng đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại Vê-nê-xu-ê-la. Trong tiếp xúc, Đặc phái viên Hà Kim Ngọc đã chuyển thông điệp của Lãnh đạo Cấp cao và nhân dân Việt Nam chúc mừng những thành quả của Cách mạng Bô-li-va, mời Tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô (Nicolas Maduro) và Lãnh đạo cấp cao Vê-nê-xu-ê-la sang thăm chính thức Việt Nam trong năm 2014. Lãnh đạo Cấp cao Vê-nê-xu-ê-la hoan nghênh và đánh giá cao chuyến thăm của Đặc phái viên, cảm ơn lời mời của Lãnh đạo Việt Nam, khẳng định Chính phủ Vê-nê-xu-ê-la coi trọng quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam, tiếp tục thúc đẩy và tạo điều kiện cho các chương trình hợp tác, trong đó có Dự án liên doanh dầu khí PetroMacareo, nhà máy sản xuất bóng điện, hệ thống chiếu sáng công cộng, xây nhà ở xã hội… ở Vê-nê-xu-ê-la cũng như các dự án khác hai bên quan tâm, tổ chức Khoá họp III Uỷ ban liên Chính phủ tại Hà Nội vào tháng 9/2014 và thúc đẩy chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống N. Ma-đu-rô dự kiến vào cuối năm; đồng thời nhất trí các biện pháp khác như trao đổi đoàn, tổ chức kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1989 – 2014), hoàn thiện khung pháp lý cho quan hệ. Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, khẳng định duy trì hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, ECOSOC, Uỷ ban Nhân quyền, WTO, Phong trào Không liên kết, Hợp tác Nam – Nam.
Tại Cô-lôm-bi-a và Cộng hoà Đô-mi-ni-ca-na, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã tiếp kiến Tổng Bí thư Đảng Phong trào cánh tả thống nhất (MIU), Bộ trưởng Chính sách Hội nhập khu vực Cộng hoà Đô-mi-ni-ca-na Mi-ghen Mê-hi-a (Miguel Mejia); tiến hành các phiên tham khảo chính trị với các Bộ Ngoại giao và gặp gỡ Lãnh đạo các Bộ, ngành phụ trách lĩnh vực kinh tế, thương mại, nông nghiệp, đầu tư, du lịch của hai nước; gặp gỡ với Lãnh đạo Đảng MIU, Đảng Cộng sản và Đảng Lao động Đô-mi-ni-ca-na; khai trương Văn phòng Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Cô-lôm-bi-a, tham dự mít tinh tại lễ đặt vòng hoa tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thủ đô Cộng hoà Đô-mi-ni-ca-na; nói chuyện với sinh viên đại học Bô-gô-ta, Cô-lôm-bi-a. Trong tiếp xúc, Thứ trưởng Ngoại giao ta đã chuyển thông điệp của Lãnh đạo Cấp cao Việt Nam khẳng định quan tâm của Việt Nam phát triển quan hệ với Mỹ Latinh, trong đó có Cô-lôm-bi-a và Cộng hoà Đô-mi-ni-ca-na và mời Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước sang thăm Việt Nam, đặc biệt trong dịp kỷ niệm 35 quan hệ với Cô-lôm-bi-a (1979 – 2014) và 10 năm với Cộng hoà Đô-mi-ni-ca-na (2005 – 2015). Hai bên cũng nhấn mạnh cần tăng cường thực chất và hiệu quả quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư, ưu tiên lựa chọn các dự án điểm phù hợp với nhu cầu và tiềm năng hai bên và cùng có lợi như thương mại, trồng lúa, nuôi tôm, cà phê, xây dựng hạ tầng, dầu khí, viễn thông. Theo đó, các bộ, ngành liên quan của hai nước nhất trí thúc đẩy và xem xét tích cực quan tâm của các doanh nghiệp hai nước, trong đó có Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Để góp phần tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại, hai nước cũng ghi nhận tích cực đề nghị công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Trong các phiên tham khảo chính trị, hai bên đã trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có sự phát triển của các cơ chế khu vực và liên khu vực như ASEAN, APEC, CELAC (Cộng đồng các Quốc gia Mỹ Latinh và Ca-ri-bê), UNASUR (Liên minh các Quốc gia Nam Mỹ), AP (Liên minh Thái bình dương), TPP… Liên quan đến những diễn bến gần đây ở Biển Đông, Lãnh đạo và các cơ quan hữu quan của ba nước đều bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước những hành động gây căng thẳng trên Biển Đông, nhấn mạnh sự cần thiết giải quyết các tranh chấp quốc tế thông qua đối thoại hoà bình, không sử dụng vũ lực hay de dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Luật Biển 1982.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |