Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc tham dự Khoá họp lần thứ 70 của Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á – Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP)
Trong phát biểu khai mạc, bà Shamshad Akhtar - Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký Điều hành ESCAP nhấn mạnh châu Á – Thái Bình Dương vẫn là động lực của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, trước dự báo tốc độ tăng trưởng của khu vực tiếp tục dưới mức 6% cùng với sự gia tăng các thách thức về phát triển, môi trường và xã hội, các quốc gia trong khu vực cần tăng cường nguồn lực tài chính cho phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, cải cách thể chế, cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực hội nhập và tận dụng hiệu quả các liên kết khu vực. Bà Shamshad Akhtar cho rằng sau gần 70 năm ra đời, đây là lúc ESCAP cần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, chú trọng các quốc gia có nhu cầu đặc biệt, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN và các thể chế khu vực khác, đồng thời tiếp tục đóng góp vào tiến trình xây dựng các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) và Chương trình nghị sự về phát triển sau năm 2015.
Tại các phiên họp, đại diện các quốc gia thành viên, các học giả, chuyên gia đã tập trung thảo luận vấn đề phát triển bền vững, định hướng phát triển giai đoạn sau năm 2015, và các biện pháp thúc đẩy liên kết khu vực thông qua 04 lĩnh vực chính gồm thương mại và giao thông vận tải, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), năng lượng và kết nối con người. Khóa họp đã thông qua 12 Nghị quyết nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, cơ sở hạ tầng và môi trường.
Tại Phiên toàn thể, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc đã nhấn mạnh để tăng cường kết nối kinh tế khu vực, các nước cần nỗ lực củng cố môi trường hòa bình và ổn định, trong đó cần bảo đảm tự do và an toàn hàng hải, giải quyết các tranh chấp trên biển trong khu vực bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và các cam kết khu vực. Thủ tướng Đông Timo chủ trì phiên họp và đại diện nhiều đoàn đã chia sẻ, đồng tình với Việt Nam về mối quan tâm chung này.
Thứ trưởng cũng cho rằng cần chú trọng nâng cao năng lực kết nối thông qua đẩy mạnh cải cách, phát triển cơ sở hạ tầng và bảo đảm an sinh xã hội để tranh thủ hiệu quả các lợi ích từ kết nối và hội nhập kinh tế khu vực. Hoan nghênh nỗ lực và đóng góp của ESCAP vào thúc đẩy kết nối khu vực, Thứ trưởng đề nghị ESCAP phối hợp với các đối tác phát triển tiếp tục hỗ trợ ASEAN triển khai kết nối ASEAN, trong đó tích cực hỗ trợ Việt Nam hội nhập kinh tế hướng tới tăng trưởng bền vững, tăng cường kết nối với khu vực qua các hành lang kinh tế tiểu vùng như Hành lang Kinh tế Đông-Tây (EWEC), Hành lang Băng Cốc - Phnôm Pênh - TP. Hồ Chí Minh (SEC), v.v… Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẵn sàng hợp tác cùng các nước ven sông Mê Công và các đối tác thúc đẩy liên kết và phát triển bền vững Lưu vực sông Mê Công, thực hiện tốt các định hướng đã được thông qua tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 Ủy hội sông Mê Công quốc tế (Tp.HCM, 4/2014).
Phát biểu tại Phiên thảo luận về phát triển bền vững, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc khẳng định phát triển bền vững là một nguyên tắc cơ bản trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Thứ trưởng đề nghị ESCAP tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hoàn thành các mục tiêu còn lại của Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) đến năm 2015 và triển khai các mục tiêu phát triển bền vững trong chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 của Liên hợp quốc.
Bên lề Khoá họp đã diễn ra buổi họp báo giới thiệu Báo cáo khảo sát kinh tế xã hội khu vực châu Á –Thái Bình Dương năm 2014 của ESCAP. Theo ESCAP, khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến tăng trưởng trung bình 5,8% trong năm 2014. Các nền kinh tế ở Đông Nam Á vẫn còn khó khăn, dự báo tăng trưởng khoảng 4,6% năm 2014, so với 4,9% năm 2013 và 5,5% năm 2012. ESCAP đánh giá kinh tế Việt Nam đang chuyển biến tích cực, dự kiến tăng trưởng 5,9% năm 2014 cao hơn mức 5,4% năm 2013. Với những nỗ lực của Chính phủ nhằm kiểm soát lạm phát, cải cách các doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng, kinh tế Việt Nam từng bước phục hồi, các lĩnh vực đầu tư, tiêu dùng, dịch vụ tăng trưởng ổn định. Ghi nhận nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc mở rộng chương trình bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, ESCAP dẫn các số liệu cho thấy trong ASEAN Việt Nam là nước đầu tư nhiều nhất cho các hoạt động an sinh xã hội, chiếm khoảng 5% GDP so với mức trung bình từ 1-3%.
* Một số thông tin cơ bản về ESCAP:
Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) là một trong 05 ủy ban khu vực của LHQ, được thành lập từ năm 1947. Hiện ESCAP có 53 nước thành viên và 09 thành viên liên kết, có Trụ sở Ban Thư ký đặt tại Băng-cốc, Thái Lan. Bà Shamshad Akhtar, quốc tịch Pakistan, hiện là Phó Tổng Thư ký LHQ kiêm Thư ký điều hành ESCAP. Vai trò của ESCAP được thể hiện trong 3 lĩnh vực chính: (i) Phối hợp nỗ lực chung của LHQ trong phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực; (ii) Diễn đàn chính của các nước trong khu vực về các vấn đề liên quan đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội; (iii) Hỗ trợ kỹ thuật cho các nước thành viên. ESCAP đang hướng đến mục tiêu trở thành diễn đàn đa phương toàn diện nhất thúc đẩy hợp tác giữa các thành viên trong phát triển kinh tế xã hội bền vững ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. ESCAP đã và đang hỗ trợ các thành viên trong nhiều lĩnh vực quan trọng như phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, giao thông vận tải, công nghệ thông tin, giải quyết các vấn đề xã hội và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Từ khi chính thức tham gia LHQ năm 1977, Việt Nam đã không ngừng tăng cường quan hệ hợp tác với ESCAP trên nhiều lĩnh vực. ESCAP đã triển khai nhiều dự án tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong phát triển kinh tế xã hội, góp phần giúp Việt Nam giải quyết các khó khăn, thách thức, nhất là trong thời kỳ tái thiết sau chiến tranh cũng như trong giai đoạn phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay. Các trọng tâm hoạt động của ESCAP trong giai đoạn tới cũng phù hợp với quan tâm của Việt Nam. Nhiều Bộ, ngành của ta đã tích cực tham gia các chương trình hợp tác của ESCAP trên nhiều lĩnh vực như tư vấn, xây dựng chính sách kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, giao thông vận tải, công nghệ thông tin, thống kê, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường./.
Back Top page Print Email |