Trả lời phỏng vấn của Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi về chuyến thăm làm việc tới CHDCND Lào của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

(MOFA)

Xin ông cho biết mục đích chuyến thăm, làm việc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới CHDCND Lào?

Chuyến thăm Lào lần này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là sự kiện chính trị quan trọng trong quan hệ hai Đảng, hai nước, diễn ra trong bối cảnh quan hệ đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt - Lào không ngừng được củng cố và phát triển: Lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên trao đổi, tiếp xúc; quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh, quốc phòng, giao thông, năng lượng, văn hóa, thể thao, giáo dục đào tạo, giao lưu giữa các Bộ/ngành, địa phương và giao lưu nhân dân… tiếp tục được tăng cường.

Mục đích của chuyến thăm lần này là nhằm khẳng định quyết tâm củng cố và tăng cường mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước vì đây chính là quy luật phát triển, là chiến lược lâu dài, là nhân tố có ý nghĩa sống còn quyết định thắng lợi sự nghiệp cách mạng cũng như công cuộc xây dựng và phát triển của mỗi nước. Chuyến thăm cũng là dịp để Lãnh đạo cấp cao hai nước tập trung trao đổi về phương hướng lớn và những biện pháp cụ thể để tăng cường và củng cố quan hệ đặc biệt, gắn bó, tin cậy giữa hai Đảng hai nước, thúc đẩy hợp tác mọi mặt giữa hai nước trong thời gian tới cũng như về lâu dài thiết thực hơn, hiệu quả hơn.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có những hoạt động cụ thể nào tại CHDCND Lào, thưa ông?

Trong hai ngày ở thăm Lào, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có rất nhiều hoạt động phong phú như hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Choummaly Sayasone; tiếp kiến Thủ tướng Thongsinh Thammavong và Chủ tịch Quốc hội Pany Yathotu. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thay mặt Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã gửi tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Choummaly Sayasone, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào, toàn thể đảng viên Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và nhân dân các dân tộc Lào anh em lời chúc mừng chân thành nhất nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, cũng như những ngày lễ lớn của nhân dân Lào trong năm 2015.

Chủ tịch nước cũng đã đến thăm gia đình một số đồng chí lãnh đạo lão thành của Lào; tiếp Chủ tịch Hội Hữu nghị Lào - Việt; thăm Đại sứ quán Việt Nam và nói chuyện với cộng đồng người Việt và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Lào; thăm một số cơ sở kinh tế, văn hóa tại thủ đô Vientiane.

Ông có thể nêu những kết quả nổi bật trong chuyến thăm lần này?

Có thể nói, kết quả nổi bật nhất của chuyến thăm là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các Lãnh đạo cấp cao của Lào đã nhất trí cao cùng quyết tâm nỗ lực phấn đấu duy trì, gìn giữ để quan hệ Việt - Lào không ngừng phát triển, ngày càng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thực chất trên mọi lĩnh vực, cụ thể như sau:

Thứ nhất, hai bên nhất trí tiếp tục duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cấp nhằm tăng cường sự gắn bó và tin cậy lẫn nhau; phối hợp tổ chức quán triệt tốt và triển khai hiệu quả các thỏa thuận giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước cũng như các Hiệp định hợp tác giữa hai bên; phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền về truyền thống quan hệ láng giềng hữu nghị, đoàn kết đặc biệt giữa hai nước, nhất là nhân dịp các ngày lễ lớn của hai Đảng, hai nước trong năm 2015.

Thứ hai, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, biên giới; tích cực phối hợp để hoàn thành Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc giới quốc gia Việt Nam - Lào và sớm hoàn thiện các văn bản pháp lý về quản lý biên giới trong năm 2015; tích cực triển khai Thỏa thuận cấp Chính phủ về giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú ở vùng biên giới hai nước; tích cực triển khai Nghị định thư hợp tác quốc phòng Việt Nam - Lào, ký ngày 20/01/2015; ngăn chặn các loại tội phạm nhất là tội phạm ma tuý, gian lận thương mại, buôn lậu lâm - khoáng sản…

Thứ ba, hai bên nhất trí tiếp tục phát huy hiệu quả của kết quả Kỳ họp 37 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào. Việc ký kết Hiệp định Thương mại mới là bước đột phá về cơ chế, chính sách để phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều năm 2015 đạt 2 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2014; sớm trao đổi, xây dựng một hiệp định thương mại biên giới giữa hai nước trong năm 2015 và hoàn thành “Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại biên giới Việt Nam - Lào đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”.

Hai bên nhất trí đẩy nhanh thực hiện các dự án kết nối về giao thông và năng lượng. Ngoài ra, hai bên sẽ tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể thao, nông nghiệp, thủy sản, bưu chính viễn thông…

Thứ tư, nhân dịp này, hai bên cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Hai bên cho rằng năm 2015 là năm Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập, do vậy, việc tăng cường phối hợp giữa các nước thành viên ASEAN nói chung cũng như giữa hai nước nói riêng có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần củng cố đoàn kết của ASEAN và đưa hợp tác ASEAN lên tầm cao mới. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với phía Lào để đảm bảo Lào đảm nhiệm thành công vai trò nước Chủ tịch ASEAN trong năm 2016. Hai bên cũng trao đổi về việc duy trì hòa bình, ổn định tại Biển Đông cũng như việc sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công, trong đó có cả việc xây dựng các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công.

Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của chuyến thăm trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế của thế giới hiện nay?

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh quan hệ giữa hai Đảng, hai nước Việt Nam - Lào là mối “quan hệ đặc biệt” và khẳng định “Việt - Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long”. Chúng ta tự hào về sự phát triển không ngừng của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Trải qua bao gian nan, thử thách, mối quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai dân tộc, do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane trực tiếp xây dựng, được hai Đảng và nhân dân hai nước dày công vun đắp, hun đúc bằng mồ hôi và xương máu của các anh hùng liệt sĩ và các thế hệ người Việt Nam - Lào, đã trở thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung, trong sáng, là nguồn sức mạnh và nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi của cách mạng mỗi nước. Trong chính sách đối ngoại và việc triển khai chính sách đối ngoại trước đây cũng như hiện nay, chúng ta luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào và coi đây là nhiệm vụ chiến lược.

Thời gian qua, tình hình chính trị - kinh tế thế giới biến động phức tạp và khó lường. ASEAN đang tiến đến thời khắc lịch sử của việc hình thành Cộng đồng. Sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước tại mỗi nước cũng đang đặt Việt Nam và Lào trước những yêu cầu lớn lao. Năm 2016 là năm hết sức quan trọng, hai nước Việt Nam và Lào đều tổ chức Đại hội Đảng, bầu ra thế hệ Lãnh đạo mới và xác định phương hướng, kế hoạch cho những năm tới. Trong bối cảnh đó, chuyến thăm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy truyền thống hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác gắn bó giữa hai Đảng, hai nước, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.

Chuyến thăm làm việc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân tới CHDCND Lào đã thành công tốt đẹp, khẳng định một lần nữa quyết tâm của hai nước cùng nhau mãi mãi duy trì và phát triển mối quan hệ thủy chung, trong sáng như lời Chủ tịch Kaysone Phomvihane từng nói "Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào - Việt sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông"./.

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn