Phát biểu của Bộ trưởng tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC 24 phiên toàn thể thứ nhất ( Phiên thảo luận thứ hai: Tăng cường ứng phó với tình trạng khẩn cấp )
Thưa các vị đồng Chủ tọa,
Thưa các đồng nghiệp,
1. Tôi chia sẻ đánh giá của các vị đồng Chủ tọa về nhu cầu cấp bách gia tăng hợp tác ứng phó với tình trạng khẩn cấp. Do tác động của biến đổi khí hậu, các thảm họa thiên nhiên đang diễn ra với số lượng và cường độ gia tăng bất thường, mức độ tàn phá nghiêm trọng, gây ra nhiều tổn thất to lớn, tác động trực tiếp đến nỗ lực của chúng ta trong phục hồi kinh tế và thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Thiên tai ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tăng gấp 3 lần và tổn thất về người do thiên tai gây ra tăng gấp đôi trong 3 thập kỷ qua. Chỉ riêng trong năm 2011, các thành viên APEC chúng ta đã phải hứng chịu 91% thiệt hại kinh tế mà thiên tai gây ra trên toàn thế giới.
Trong năm nay, tiếp tục diễn ra nhiều hiện tượng thiên tai bất thường ở khu vực, gây thiệt hại nặng nề, đặc biệt là ở Phi-líp-pin, Liên bang Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Mê-xi-cô, Pa-pua Niu Ghi-nê... Tôi xin bày tỏ sự cảm thông sâu sắc cũng như sự khâm phục về nỗ lực của các thành viên APEC ứng phó với thiên tai trong thời gian vừa qua.
Thưa Quý vị,
2. Chúng ta có thể tự hào rằng, với những kết quả đạt được trong thời gian qua, APEC chứng tỏ là một Diễn đàn hợp tác rất quan trọng ở khu vực trong ứng phó với tình trạng khẩn cấp. Hợp tác trong lĩnh vực này đã trở thành một nội hàm cốt lõi của hợp tác APEC nhằm bảo đảm an ninh con người và tăng trưởng an toàn. "Nhóm công tác APEC về ứng phó với tình trạng khẩn cấp" đang triển khai tích cực "Chiến lược APEC nhằm giảm thiểu nguy cơ thiên tai và ứng phó với tình trạng khẩn cấp ở châu Á - Thái Bình Dương giai đoạn 2009 - 2015" với nhiều chương trình, hoạt động thiết thực. Chương trình hành động của APEC năm 2012 đang thúc đẩy hợp tác nâng cao năng lực phục hồi của cộng đồng và doanh nghiệp, hỗ trợ duy trì hoạt động doanh nghiệp khi xảy ra thiên tai, phục hồi sau thiên tai, và tăng cường hợp tác với các cơ chế quốc tế, khu vực. Là đồng Chủ tịch của "Nhóm công tác APEC về ứng phó với tình trạng khẩn cấp" năm 2012 – 2013, Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với các thành viên triển khai tích cực các hoạt động và sáng kiến.
3. Trong thời gian tới, chúng ta cần đẩy mạnh hơn cách tiếp cận đa ngành trong việc ứng phó với tình trạng khẩn cấp, vì đây là nhân tố tác động trực tiếp đến nỗ lực phục hồi kinh tế và thực hiện Chiến lược tăng trưởng APEC, cũng như tăng cường liên kết kinh tế khu vực và hình thành các chuỗi cung ứng đáng tin cậy.
Hợp tác ứng phó với tình trạng khẩn cấp cần được gắn kết với việc thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ, nhất là xoá đói giảm nghèo và tăng quyền năng của phụ nữ, bảo đảm an ninh lương thực, an toàn và an ninh hàng hải. Theo đó, chúng tôi đánh giá cao sáng kiến của In-đô-nê-xi-a về tạo thuận lợi cho các hoạt động của lực lượng cứu hộ APEC khi xảy ra thiên tai. Để tiếp tục đóng góp cho nỗ lực chung, Việt Nam đề xuất các sáng kiến về quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng, và tăng cường hợp tác APEC về cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Với nguồn lực và kinh nghiệm của mình, chúng ta cần tiếp tục tích cực đóng góp cho nỗ lực quốc tế và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức khu vực, quốc tế trong ứng phó với thiên tai. Chúng ta cần sớm thúc đẩy triển khai sáng kiến thiết lập "Mạng lưới các Trung tâm quản lý khủng hoảng tại châu Á - Thái Bình Dương", để phối hợp hiệu quả hơn với các Trung tâm thiên tai Thái Bình Dương, Trung tâm ứng phó với thiên tai châu Á, Trung tâm giảm thiểu thiên tai châu Á, cũng như Uỷ ban quản lý thiên tai ASEAN. Qua đó, APEC có thể thiết thực góp phần triển khai Chiến luợc của Liên hợp quốc về giảm thiểu thiên tai, và hướng tới Hội nghị thế giới lần thứ 3 về giảm thiểu thảm họa sẽ tổ chức tại Nhật Bản năm 2015.
Xin trân trọng cảm ơn./.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |