Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ năm, ngày 26 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng tại Hội nghị " APEC trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Thế kỷ 21"

(Hà Nội, ngày 15/11/2013)

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu khai mạc Hội nghị.


Thưa Ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ,

Thưa Ông Alexander Downer, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Australia,

Thưa các Đại sứ và đại diện các nền kinh tế thành viên APEC,

Thưa các vị khách quý và các quý vị đại biểu,

 
Trước hết, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các vị khách quý cùng toàn thể quý vị đại biểu đến tham dự Hội nghị “APEC trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương của thế kỷ 21”. Đây là sự kiện APEC quan trọng nhất mà Việt Nam tổ chức trong năm nay, và với sự phối hợp của Cơ quan phát triển Liên hợp quốc (UNDP).

Hội nghị của chúng ta diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa quan trọng đối với APEC và khu vực.

Trước hết,  tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 21 được tổ chức rất thành công vào tháng trước tại Bali, các nhà Lãnh đạo đã khẳng định quyết tâm chung và đề ra nhiều biện pháp hướng tới “Châu Á – Thái Bình Dương tự cường, động lực của tăng trưởng toàn cầu”. Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế và cục diện trên thế giới và các khu vực chuyển biến nhanh, phức tạp hơn bao giờ hết, chúng ta cần tiếp tục trao đổi để nhận diện rõ hơn những thách thức và những vấn đề mới đối với châu Á – Thái Bình Dương nói chung và đối với APEC nói riêng trong thế kỷ 21.

Thứ hai là, sau 24 năm hình thành và phát triển, Diễn đàn APEC khẳng định vị thế là một cơ chế hợp tác kinh tế quan trọng hàng đầu ở khu vực. Đồng thời, cấu trúc khu vực đang định hình đòi hỏi APEC cần có những biện pháp hữu hiệu hơn để đẩy mạnh cải cách và nâng cao vai trò của Diễn đàn APEC. 

Thứ ba là, đúng ngày này cách đây 15 năm, Việt Nam đã trở thành thành viên của Diễn đàn APEC. Trong thời kỳ phát triển chiến lược mới hiện nay, với chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, một trong những ưu tiên chính sách của Việt Nam là cùng đồng hành hiệu quả hơn với các thành viên khác và đóng góp một cách chủ động hơn, thiết thực hơn vào các nỗ lực chung của khu vực và APEC.

Chính xuất phát từ những lý do trên mà chúng tôi mong muốn có dịp trao đổi với các quý vị ngày hôm nay.

Thưa các quý vị,

Có thể nói, bức tranh toàn cảnh kinh tế, chính trị ở châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới đang có nhiều thay đổi sâu sắc, mang tính bước ngoặt. Chúng ta đang đứng trước những vận hội mới đan xen với các thách thức to lớn.

Một mặt, nền tảng kinh tế thế giới đang chuyển dịch căn bản, thúc đẩy nhu cầu đổi mới và gắn kết. Quá trình tái cấu trúc kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng diễn ra mạnh mẽ ở từng quốc gia, từng khu vực và trên tầm toàn cầu.Sự phát triển mau lẹ của công nghệ thông tin và sáng tạo, các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu thúc đẩy những thay đổi căn bản, từ tư duy phát triển, tư duy kinh tế, đến nội hàm, hình thái và cách thức quản trị các mối quan hệ kinh tế, thương mại quốc tế. Các nền kinh tế mới nổi trở thành động lực của sự tăng trưởng.

Do đó, trên tổng thể toàn cầu, hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển là xu thế nổi trội, theo hướng đa trung tâm, đa tầng nấc. Châu Á – Thái Bình Dương trở thành động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế thế giới, là khu vực phát triển năng động nhất với phạm vi và mức độ liên kết ngày càng sâu rộng.

Trong xu hướng chuyển dịch trọng tâm chính trị - kinh tế toàn cầu về châu Á – Thái Bình Dương, APEC đang bước vào một giai đoạn có ý nghĩa then chốt, với  những cơ hội to lớn để gia tăng tiềm lực và vị thế quốc tế. Là cơ chế đã được hình thành với bề dầy hơn 2 thập kỷ, APEC hội tụ đầy đủ các trung tâm kinh tế lớn của hai bờ Thái Bình Dương. Các nền kinh tế APEC đã nỗ lực thực hiện các Mục tiêu Bô-go nhằm thúc đẩy mở rộng hợp tác, liên kết về tự do hóa thương mại - đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh và hợp tác kinh tế kỹ thuật, tiến hành cải cách, thúc đẩy mô hình tăng trưởng bền vững và ứng phó với các thách thức toàn cầu.  APEC sẽ tiếp tục đóng vai trò không thể thiếu trong liên kết kinh tế, điều phối, gắn kết các cơ chế liên kết khu vực, hướng tới hình thành Khu vực thương mại tự do toàn châu Á – Thái Bình Dương.

Mặt khác, đúng 5 năm sau cuộc khủng hoảng trầm trọng và kéo dài nhất trong một thế kỷ qua, kinh tế thế giới phục hồi chưa vững chắc, tiềm ẩn nhiều rủi ro và dự báo sẽ phục hồi chậm. Sau hơn một thập kỷ, hệ thống thương mại đa phương, Vòng đàm phán Đô-ha vẫn trì trệ, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, trong khi nhiều vấn đề mới về kinh tế - thương mại đang đặt ra. Những chuyển dịch trong cục diện chung sẽ tiếp diễn trong những thập kỷ tới, đặt ra nhiều thách thức đối với nỗ lực phục hồi kinh tế và phát triển bền vững. Bài học từ hai cuộc khủng hoảng tài chính mà khu vực chúng ta trải qua trong gần hai thập kỷ cho thấy, cách thức quản trị kinh tế, tài chính của từng nền kinh tế và cả khu vực còn nhiều bất cập, chưa được kịp thời điều chỉnh phù hợp với những chuyển biến của tình hình.

Bên cạnh các thách thức chung, APEC cũng đang đứng trước không ít những thách thức nội tại. Việc triển khai các Mục tiêu Bô-go còn hạn chế. Nội hàm hợp tác và tầm đóng góp trong các vấn đề khu vực và quốc tế cần tiếp tục được điều chỉnh. Quá trình cải cách APEC chưa kịp với tình hình mới. Sự nổi lên của một số cơ chế khu vực cũng là thách thức đối với vị thế của APEC.

Hơn bao giờ hết, hợp tác và hội nhập đang trở thành yêu cầu cấp thiết đối với APEC. Các thành viên APEC đang cùng nhau chia sẻ nhiều lợi ích và trách nhiệm chung to lớn. Đó là hỗ trợ các nền kinh tế thành viên phục hồi kinh tế, đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực, duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và vai trò đầu tầu của châu Á – Thái Bình Dương trong nền kinh tế toàn cầu.

Thưa các quý vị,


Quyết định tham gia Diễn đàn APEC cách đây 15 năm là bước triển khai quan trọng chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Việt Nam đang bước sang thời kỳ chiến lược mới, tiếp tục đổi mới sâu rộng, tái cơ cấu nền kinh tế và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện. Do đó, châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Diễn đàn APEC nói riêng càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. Hầu hết các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và đối tác kinh tế - thương mại hàng đầu của Việt Nam đều ở châu Á - Thái Bình Dương. Đây cũng là khu vực có đầu tư trực tiếp lớn nhất với 65% tổng số vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 60% giá trị xuất khẩu, 80% giá trị nhập khẩu và 75% lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam. 12 trong 14 Hiệp định mậu dịch tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán là với các đối tác trong khu vực.

Vì vậy, một định hướng chính sách lớn của chúng tôi là hợp tác cùng các thành viên APEC hướng tới hình thành một châu Á – Thái Bình Dương tự cường, gắn kết, phát triển đồng đều, công bằng và bền vững. Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực tham gia các cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế đa tầng nấc ở châu Á - Thái Bình Dương, từ tiểu vùng đến xây dựng Cộng đồng ASEAN, Diễn đàn APEC và cả khu vực. Trong khuôn khổ APEC, Việt Nam ưu tiên đẩy mạnh thực hiện các Mục tiêu Bô-go về tự do hóa thương mại và đầu tư, Chiến lược tăng trưởng mới, và tăng cường kết nối khu vực. Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp hết sức mình vào các nỗ lực chung nhằm bảo đảm an ninh lương thực, quản lý bền vững nguồn nước, ứng phó với thiên tai và tình trạng khẩn cấp.

Thưa các quý vị,

Trong bối cảnh đó, chúng tôi hết sức coi trọng ý nghĩa của Hội nghị hôm nay. Chúng tôi mong rằng, qua Hội nghị, các Bộ, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp, học giả Việt Nam có dịp trao đổi với các diễn giả và đại diện từ các thành viên APEC, Ban Thư ký APEC về triển vọng của châu Á – Thái Bình Dương và phương hướng hợp tác của APEC. Quan trọng nhất đối với chúng tôi là lắng nghe những gợi ý, đề xuất của các quý vị về những chính sách và biện pháp để Việt Nam có thể đóng góp hiệu quả hơn, thực chất hơn đối với hợp tác và liên kết kinh tế ở châu Á – Thái Bình Dương.

Một lần nữa, tôi xin được chào mừng và chân thành cảm ơn các vị khách quý và các quý vị đại biểu, đặc biệt là nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan và cựu Ngoại trưởng Australia Alexander Downer. Tôi đánh giá cao sự ủng hộ nhiệt thành của các vị Trưởng quan chức cao cấp APEC, ông Alan Bollard, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC, đại diện Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đã dành thời gian đến dự và chia sẻ với chúng tôi những ý kiến tại Hội nghị này.

Tôi tin tưởng rằng, với những đóng góp quý báu của các quý vị, Hội nghị của chúng ta sẽ thành công.

Xin trân trọng cảm ơn./.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer