Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Wednesday, ngày 25 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Diễn văn khai mạc của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng tại Hội nghị cao cấp ASEM về phòng chống và cứu trợ thiên tai

Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 2013
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu khai mạc Hội nghị.

 
Thưa các vị khách quý,

Thưa các quý vị đại biểu,


Thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng các quý vị đại biểu, các quan chức và chuyên gia hàng đầu đến từ các thành viên Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) cùng đại diện của Liên hợp quốc, các tổ chức khu vực và quốc tế, tham dự Hội nghị ngày hôm nay.

Nhân dịp này, một lần nữa, tôi xin bày tỏ sự cảm thông sâu sắc của Chính phủ và nhân dân Việt Nam chia sẻ những đau thương, mất mát to lớn mà nhân dân Phi-líp-pin anh em đang phải chịu đựng do thảm họa tàn khốc của siêu bão Hải Yến.

Tôi cũng xin chân thành cảm ơn tình đoàn kết và sự ủng hộ quý báu mà các thành viên ASEM và các tổ chức quốc tế đã dành cho nhân dân Việt Nam cùng nhân dân Phi-líp-pin trong nỗ lực khắc phục hậu quả của cơn bão này.

Như Diễn đàn toàn cầu lần thứ 4 về giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Giơ-ne-vơ tháng 5 vừa qua, Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 19 đang diễn ra tại Vác-sô-vi và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 11 tại Đê-li tuần trước nêu rõ, hơn bao giờ hết, thiên tai ngày càng trở nên khắc nghiệt. Hơn bao giờ hết, chúng ta đang đứng trước nhu cầu hết sức cấp bách cần   tăng cường phối hợp chính sách, đẩy mạnh hợp tác và hành động quyết liệt nhằm ứng phó thiên tai hiệu quả hơn.

Thưa các quý vị,

Chúng ta đã tiến những bước dài trong ứng phó và giảm nhẹ tác động của thiên tai nhờ sự phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ và hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, bước vào thế kỷ 21, các thảm họa thiên nhiên trở nên khắc nghiệt hơn rất nhiều, gia tăng đột biến cả về tần suất, quy mô và phạm vi ảnh hưởng. Như Tuyên bố mới đây về khí hậu toàn cầu năm 2013 của Tổ chức Khí tượng thế giới cảnh báo, chỉ trong hơn một thập kỷ đầu thế kỷ này, chúng ta đã chứng kiến mực nước biển dâng cao kỷ lục với tốc độ gấp đôi thế kỷ 20, bão, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, bão tuyết và giá rét, lốc xoáy, hạn hán, cháy rừng … gay gắt và kéo dài. Năm 2013 là một trong 10 năm có nhiệt độ cao nhất kể từ năm 1850. Hiện tượng ấm lên toàn cầu đang làm thay đổi các hệ sinh thái, dẫn đến những diễn biến thiên tai bất thường.

Hai châu lục Á- Âu chúng ta là những khu vực đang phải hứng chịu thiên tai nhiều nhất trên toàn cầu. Đặc biệt, châu Á – Thái Bình dương là khu vực hứng chịu khoảng 70% thiên tai toàn cầu và 2/3 nạn nhân của thiên tai là ở Châu Á. Chỉ trong 5 năm qua, chúng ta đã liên tục chứng kiến những thảm họa thiên tai chưa từng có, đó là động đất và sóng thần tại Nhật Bản, lũ lụt ở Thái Lan cùng năm 2011, nhiều trận bão và siêu bão ở Phi-líp-pin và bão lụt trên diện rộng mới đây ở Châu Âu…

Đây chính là hệ quả của tác động khôn lường của tình trạng biến đổi khí hậu - thách thức lớn nhất trong thế kỷ 21. Đây chính là hệ quả của những hành vi của con người, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và dân số tăng nhanh, đẩy nhanh quá trình xuống cấp của môi trường. Chúng ta đang đứng trước những thách thức đáng kể trong việc hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ vào năm 2015, các nỗ lực xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường kết nối… Trong thế giới toàn cầu hóa, thiên tai không chỉ làm gián đoạn hoạt động của doanh nghiệp tại một địa phương hay một quốc gia, mà còn làm gián đoạn chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu kéo dài nhất trong hơn một thế kỷ qua cũng đang làm giảm đáng kể nguồn lực và khả năng của chúng ta ứng phó và giảm nhẹ thiên tai.

Thảm họa thiên tai sẽ là một trong những thách thức an ninh phi truyền thống gay gắt nhất trong thế kỷ này, cản trở nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống của  người dân, phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội bền vững của từng quốc gia cũng như liên kết kinh tế quốc tế.

Thưa các quý vị,

Bài học thực tiễn cho thấy, mặc dù chúng ta chưa đủ sức để chế ngự các diễn biến bất thường của thiên nhiên, nhưng nếu chúng ta phối hợp chính sách, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau kịp thời, chúng ta có thể giảm thiểu đáng kể các thiệt hại về người và của. Là diễn đàn liên khu vực quan trọng hội tụ 51 thành viên của hai châu lục Á - Âu với tiềm năng công nghệ và kinh tế đáng kể, ASEM hoàn toàn có khả năng và có trách nhiệm đóng góp vào nỗ lực chung trong ứng phó thiên tai.

Ngay từ Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ hai tại Luân-đôn đúng 15 năm trước, các nhà Lãnh đạo đã xác định ứng phó và giảm nhẹ thiên tai là một nội dung quan trọng của đối thoại và hợp tác. Tại Hội nghị Cấp cao ASEM 9 tổ chức tại Viêng-chăn năm ngoái, các nhà Lãnh đạo đã nhất trí tăng cường “hợp tác trong lĩnh vực quản lý thiên tai và ứng phó với tình trạng khẩn cấp, trong đó ưu tiên tăng cường nhận thức về phòng chống và giảm thiểu rủi ro thiên tai, hợp tác và kết nối hệ thống cảnh báo sớm thiên tai, cứu hộ cứu nạn và cứu trợ sau thiên tai”.

Là một trong những quốc gia nông nghiệp thường chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và thiên tai, Việt Nam coi trọng và cam kết mạnh mẽ hợp tác quốc tế trong phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Đây là một nội hàm quan trọng của "Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020", "Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020" và “Luật Phòng, chống thiên tai” vừa được thông qua tháng 6/2013. Chúng tôi chủ trương tích cực tham gia và đóng góp vào nỗ lực chung trên mọi cấp độ hợp tác quốc tế, trong đó có Diễn đàn toàn cầu về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, các khuôn khổ hợp tác ASEAN, ASEM, APEC và song phương. Trong tháng 10, chúng tôi vừa tổ chức Diễn tập ASEAN ứng phó thảm họa và cứu trợ nhân đạo.  

Thưa các quý vị,


Chỉ có chung tay hành động mạnh mẽ ngay từ ngày hôm nay, thì chúng ta mới có thể phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Do đó, tôi mong rằng Hội nghị lần này sẽ tập trung một số vấn đề sau.

Một là, trao đổi, tìm ra những kinh nghiệm điển hình, những bài học thực tiễn và chính sách hữu ích về giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Hai là, đề xuất phương hướng, xác định các biện pháp cụ thể, những hoạt động thiết thực nhằm sớm triển khai hợp tác ASEM trong lĩnh vực này, đặc biệt là tăng cường nhận thức, thay đổi hành vi, nâng cao năng lực cứu hộ cứu nạn và cứu trợ và ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ, phục hồi sau thiên tai. Việc trao đổi thường xuyên và triển khai các hoạt động hợp tác một cách định kỳ là cần thiết, nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu của các thành viên trong tình hình thiên tai hiện nay.

Ba là, một vấn đề cấp thiết nữa là cần sớm thiết lập mạng lưới kết nối các trung tâm, các viện nghiên cứu và các hệ thống cảnh báo sớm thiên tai của các thành viên ASEM với nhau cũng như giữa hai châu lục và với các cơ chế khu vực và quốc tế. ASEM cần có hành động chung cụ thể và mạnh mẽ hơn trong việc triển khai “Khuôn khổ hành động Hy-ô-gô” của Liên hợp quốc.  

Việt Nam vinh dự được tín nhiệm đăng cai tổ chức Hội nghị ASEM hôm nay. Chúng tôi đánh giá cao sự ủng hộ nhiệt thành và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các thành viên ASEM, đặc biệt là các thành viên đồng sáng kiến, cùng Liên hợp quốc, các tổ chức khu vực và quốc tế, trong quá trình chuẩn bị và tổ chức Hội nghị lần này.

Tôi tin tưởng rằng, với những ý kiến đóng góp quý báu của các quý vị, Hội nghị sẽ thành công. Hội nghị hôm nay cùng các hoạt động sẽ được đăng cai tổ chức tại Phi-lip-pin năm 2014 và các thành viên khác trong những năm tới và việc triển khai “Nhóm hợp tác về ứng phó và giảm nhẹ thiên tai, nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn và cứu trợ” là những hành động thiết thực góp phần hiện thực hóa mục tiêu “kiến tạo mối quan hệ đối tác Á - Âu mới” và khẳng định vị thế của ASEM trong cục diện đang định hình.

Trên tinh thần đó, tôi trân trọng tuyên bố khai mạc Hội nghị.

Xin trân trọng cảm ơn./.

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer