Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ bẩy, ngày 04 tháng 01 năm 2025 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Bài phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng tại Hội nghị Cấp cao của Khóa họp lần thứ 25 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

(Giơ-ne-vơ, ngày 03 tháng 03 năm 2014)

Thưa Ngài Chủ tịch,

Thưa quý vị,

Trước hết, thay mặt Đoàn Việt Nam, tôi xin bày tỏ sự tin tưởng và đánh giá cao khả năng điều hành của Ngài Chủ tịch và các thành viên Ban Điều hành để bảo đảm thành công của Hội nghị Cấp cao và Khóa họp thứ 25, cũng như thành công của Hội đồng Nhân quyền trong năm 2014.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Hoà bình, ổn định và phát triển tiếp tục là nguyện vọng và phấn đấu của thế giới để xây dựng nền tảng cho việc đảm bảo các quyền và tự do của con người. Những năm qua, chúng ta vui mừng nhận thấy cộng đồng quốc tế đã đạt được những bước tiến đáng khích lệ trong việc nâng cao nhận thức về quyền con người, tăng cường pháp điển hóa các quyền và đảm bảo mỗi người dân được thụ hưởng ngày càng tốt hơn các quyền và tự do cơ bản. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều thách thức có mức độ và phạm vi tác động to lớn, trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống, an toàn và các nhu cầu thiết yếu của người dân. Đó là tình trạng đói nghèo, thiếu lương thực, ô nhiễm nguồn nước, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu....thêm vào đó là những dư chấn của suy thoái kinh tế-tài chính toàn cầu, tình hình xáo trộn và cả bất ổn xã hội tại một số khu vực trên thế giới. Cộng đồng quốc tế cũng phải chứng kiến đây đó những xung đột sắc tộc, tôn giáo, các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và khủng hoảng nhân đạo kéo dài, không chỉ ảnh hưởng việc đảm bảo các quyền và tự do cơ bản mà còn gây ra hệ lụy không nhỏ đến hòa bình, ổn định của khu vực.

Bối cảnh này đặt ra thách thức và cơ hội với cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc và các cơ quan của mình, trước kỳ vọng đóng góp hiệu quả hơn nữa về quyền con người. Là cơ quan chính đảm trách việc thúc đẩy các quyền con người, thời gian qua Hội đồng Nhân quyền đã phát huy được vai trò, vị trí trung tâm trong việc khuyến khích đối thoại, hợp tác giữa các nước và hỗ trợ thúc đẩy các quyền con người trên thực tiễn. Chương trình nghị sự cân bằng, đề cập đầy đủ tất cả các quyền dân sự, văn hoá, kinh tế, chính trị, xã hội và số lượng các nghị quyết đồng thuận cao đã giúp hiện thực hóa một cách hiệu quả các quyết tâm chính trị của Hội đồng Nhân quyền. Bên cạnh đó, các cơ chế như Rà soát định kỳ phổ quát (UPR), hệ thống Thủ tục đặc biệt...đã giúp Hội đồng Nhân quyền có đánh giá khách quan, toàn diện hơn và tìm ra các phương thức phù hợp để hỗ trợ, thúc đẩy việc đảm bảo các quyền và tự do trong nhiều lĩnh vực một cách xây dựng.

Ngày nay, Hội đồng Nhân quyền đang đứng trước cơ hội lớn để khẳng định uy tín, vị thế và lý do tồn tại của mình khi tham gia giải quyết các thách thức về quyền con người mà thế giới đang đối mặt. Trong khi tiếp tục khuyến khích các sáng kiến mới có tính chất liên khu vực, Hội đồng Nhân quyền cần hỗ trợ thúc đẩy các nước theo đuổi chính sách kinh tế-xã hội nhằm đảm bảo việc thụ hưởng đầy đủ các quyền cơ bản của người dân trên thực tiễn, nhất là các nhu cầu cơ bản cho cuộc sống và phát triển của người dân như nhà ở, nước sạch, giáo dục, y tế… đặc biệt ưu tiên trẻ em, phụ nữ, người già và các nhóm dễ bị tổn thương. Đồng thời, Hội đồng Nhân quyền cần quan tâm đầy đủ hơn đến điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của các nước đang phát triển, vốn có xuất phát điểm thấp, gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm quyền của người dân thông qua tăng cường hỗ trợ kỹ thuật và giúp nâng cao năng lực trên cơ sở đề xuất cụ thể của nước có yêu cầu. Hơn lúc nào hết, Hội đồng Nhân quyền cần tiếp tục thúc đẩy đối thoại xây dựng và hợp tác trên cơ sở tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, đặc biệt là với các quốc gia có liên quan khi đối phó một cách kịp thời các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và những vụ việc khủng hoảng. Đề cao đối thoại, chia sẻ và hợp tác cũng chính là chìa khóa để tất cả các nước thành viên Hội đồng Nhân quyền, các nước quan sát viên và các bên liên quan khác cùng phấn đấu vì một Hội đồng Nhân quyền khách quan, không chính trị hóa và chia rẽ, ngày càng năng động và hiệu quả hơn. Đây cũng là tinh thần và cách tiếp cận mà Việt Nam luôn ủng hộ và sẽ thúc đẩy tại Hội đồng Nhân quyền.

Là thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam sẽ là một thành viên tích cực, trách nhiệm, có đóng góp thực chất vào công việc chung của Hội đồng Nhân quyền. Việt Nam sẽ là đối tác tin cậy, trao đổi xây dựng và phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên và quan sát viên trên các vấn đề cùng quan tâm trong lĩnh vực quyền con người, trong đó có các vấn đề đương đại về đảm bảo an sinh xã hội, phát triển bền vững, các quyền kinh tế, xã hội, quyền của những nhóm dễ bị tổn thương. Việt Nam cũng sẽ góp phần thúc đẩy Hội đồng Nhân quyền quan tâm đầy đủ hơn đến nhu cầu, điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của các nước đang phát triển trong công tác bảo đảm quyền con người trước các thách thức mới hiện nay như biến đổi khí hậu, xuống cấp về môi trường, khai thác tài nguyên quá mức.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Thưa quý vị,

Việt Nam khẳng định chính sách nhất quán về bảo đảm và phát huy quyền con người, xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình phát triển. Chính sách này không chỉ phù hợp với khát vọng tha thiết của toàn thể nhân dân, với truyền thống lịch sử dân tộc mà còn hòa nhịp với nguyện vọng và các giá trị chung của nhân loại. Xuất phát từ chính sách này, Nhà nước Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đáng kể trong công tác bảo đảm và phát huy quyền con người, được cụ thể hóa trong pháp luật, chính sách và thể hiện rõ bằng những thành tựu trên thực tế.

Sau gần 30 năm thực hiện chương trình Đổi mới, Việt Nam đã có nhiều kết quả tích cực và nổi bật. Tốc độ phát triển kinh tế trung bình hàng năm 6-7%/năm đã tạo tiền đề triển khai nhiều chương trình, chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống. Việt Nam đã hoàn thành 5/8 Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và triển vọng hoàn thành các Mục tiêu còn lại trước thời hạn 2015, đồng thời là một trong mười nước có mức tăng thu nhập cao nhất trong 40 năm qua theo Báo cáo chỉ số phát triển con người của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc. Người dân Việt Nam liên tục cập nhật hơi thở và nhịp sống của thế giới bên ngoài thông qua hệ thống gần 1000 báo in, 1174 cổng thông tin điện tử, 67 đài phát thanh truyền hình, sự có mặt tại Việt Nam của nhiều hãng thông tấn, truyền hình lớn trên thế giới, nhất là sự phát triển của Internet. Theo Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), số người dùng Internet tại Việt Nam gần 31 triệu, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á và thứ 8 tại châu Á. Ai từng đến Việt Nam cũng có nhận thấy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng phong phú. Tất cả các tôn giáo chính trên thế giới đều có mặt và cùng chung sống hòa bình tại Việt Nam với số lượng chức sắc, tín đồ, cơ sở thờ tự, ấn phẩm ngày càng tăng. Có thể nói rằng, chưa bao giờ người dân Việt Nam lại có mức sống cao và được thụ hưởng một cách đầy đủ, trọn vẹn tất cả những quyền và tự do của mình trên tất cả các lĩnh vực dân sự, văn hoá, kinh tế, chính trị và xã hội như hiện nay. Thời gian gần đây, bất chấp một số khó khăn kinh tế một phần do tác động của tình hình kinh tế-tài chính toàn cầu, Nhà nước Việt Nam không những không cắt giảm mà còn đẩy mạnh các chính sách đảm bảo cuộc sống của người dân, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em, các dân tộc thiểu số, người dân ở vùng sâu, vùng xa và các vùng khó khăn khác. Riêng năm 2011-2012, hơn 1 tỷ đôla đã được đầu tư để hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, miễn giảm học phí và trợ cấp tiền ăn cho trẻ em nghèo, trẻ em thuộc dân tộc thiểu số…. Đặc biệt, bản Hiến pháp được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 28/11/2013 sau một thời gian dài tiếp thu hàng chục triệu ý kiến đóng góp, dành riêng 36 điều/120 điều nói về quyền con người, là bước tiến đáng kể của việc củng cố nhà nước pháp quyền và pháp điển hóa quyền con người, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền con người. Đó cũng là những minh chứng rõ nét của sự nhất quán trong chính sách Nhà nước và đồng thuận xã hội về công cuộc bảo đảm, thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam.

Thời gian qua, Việt Nam đã ký kết, tham gia hầu hết các Công ước quốc tế cơ bản về nhân quyền, nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ báo cáo định kỳ của nước thành viên Công ước, tiến hành nhiều đối thoại về quyền con người với các nước/đối tác quan tâm. Chúng tôi cũng tích cực, chủ động tham gia vào những nỗ lực khu vực về đảm bảo và phát huy quyền con người, trong đó có ASEAN. Việt Nam đặc biệt coi trọng, tham gia tích cực vào các hoạt động tại Hội đồng Nhân quyền và hợp tác tốt với các cơ chế của Hội đồng Nhân quyền trong hơn 7 năm qua. Tháng 02/2014 vừa qua, Việt Nam đã có phiên trình bày và đối thoại Báo cáo theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) lần thứ 2, nhận được quan tâm cao, nhiều bình luận có tính xây dựng và khuyến nghị tích cực từ các nước và sẽ xem xét nghiêm túc các khuyến nghị. Việt Nam vui mừng và cảm kích khi nhận thấy những nỗ lực, thành tựu và mong muốn đóng góp hơn nữa của mình về quyền con người đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Việt Nam tin rằng tham gia Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016 không chỉ thể hiện sự ghi nhận và tín nhiệm của đông đảo các nước Liên hợp quốc dành cho Việt Nam mà cũng chính là dịp để Việt Nam học hỏi thêm những kinh nghiệm quốc tế phù hợp phục vụ cho quá trình Đổi mới, thúc đẩy và đảm bảo quyền con người ở Việt Nam.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Đảm bảo và phát huy ngày càng tốt hơn quyền con người là mục tiêu chung của Chính phủ các nước. Có thể đâu đó vẫn còn những khác biệt nhất định trong nhận định và đánh giá về các quyền của con người do sự đa dạng về bối cảnh lịch sử, văn hóa và phát triển. Thế nhưng từ khi đạt được nhận thức chung về các quyền và tự do cơ bản của con người cách đây gần 70 năm, cộng đồng quốc tế đang ngày càng cố gắng cùng chung sức vì các quyền, tự do và những giá trị nhân bản của nhân loại. Trong đó, Hội đồng Nhân quyền được đảm nhận một sứ mạng quan trọng và tiên phong trong sự nghiệp đảm bảo, thúc đẩy quyền con người trên thế giới. Với kinh nghiệm, bài học và quyết tâm của mình, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ, hợp tác với tất cả các nước để đóng góp cho Hội đồng Nhân quyền vì sự nghiệp chung này.

Xin cám ơn./.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer