Tin tiếp xúc song phương của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong khuôn khổ HNCC ASEM 11
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Marc Ayrault. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Marc Ayrault, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam gửi lời chia buồn sâu sắc đến Chính phủ và nhân dân Pháp cùng gia đình các nạn nhân của vụ khủng bố vừa xảy ra đêm 14/7 tại thành phố Nice và mong muốn nhân dân Pháp sớm vượt qua thời khắc khó khăn này.
Trao đổi về quan hệ song phương, Phó Thủ tướng đánh giá cao việc Ngài Bộ trưởng, trên cương vị Thủ tướng Pháp trước đây, đã góp phần thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước tháng 9/2013. Việt Nam đánh giá cao việc Quốc hội Pháp phê chuẩn Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam – EU (PCA) và đề nghị Pháp ủng hộ sớm ký chính thức và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp khẳng định Tổng thống Pháp Francois Holland sẽ thăm Việt Nam vào tháng 9/2016, coi đây là dấu mốc để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là về kinh tế.
Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Pháp tăng đầu tư trong các lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như công nghệ cao, hạ tầng, năng lượng, giao thông, hàng không và vũ trụ, y tế, nông nghiệp, chế biến thực phẩm và môi trường… Bên cạnh đó, đề nghị Pháp duy trì ODA cho Việt Nam và ủng hộ Việt Nam được tiếp cận vốn ưu đãi IDA sau năm 2017 và có thời gian chuyển đổi phù hợp.
Trong trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Italia Paolo Gentiloni, hai bênbày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ quan hệ hai nước trên nhiều lĩnh vực. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chúc mừng I-ta-li-a vừa trúng cử làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2017-2018. Về quan hệ kinh tế, Phó Thủ tướng đánh giá cao việc Quốc hội I-ta-li-a tháng 3/2016 vừa qua hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam – EU (PCA) cũng như việc EU và Việt Nam tiến tới ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Chính phủ Việt Nam cũng hoan nghênh và sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các doanh nghiệp I-ta-li-a thúc đẩy đầu tư trong các lĩnh vực mà các bạn có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như cơ khí chế tạo, dệt may, da giày, chế biến gỗ, công nghiệp phụ trợ, vật liệu xây dựng, năng lượng, chế biến thực phẩm…
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị I-ta-li-a ủng hộ Việt Nam được tiếp cận vốn ưu đãi IDA sau năm 2017 và có thời gian chuyển đổi phù hợp. Hai Bộ trưởng Ngoại giao cũng đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Tiếp Bộ trưởng Giáo dục Thụy Điển Gustav Fridolin, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cảm ơn Thụy Điển đã luôn ủng hộ Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng đất nước trước đây và công cuộc phát triển hiện nay; đánh giá cao hợp tác kinh tế giữa hai nước, trong đó có việc đầu tư và kinh doanh hiệu quả của nhiều doanh nghiệp Thụy Điển tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng Phạm BìnhMinh hoan nghênh đề xuất của Thủ tướng Thụy Điển về thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ. Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Khoa học & Công nghệ nghiên cứu đề xuất này.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Thụy Điển ủng hộ Việt Nam được tiếp tục tiếp cận vốn ưu đãi IDA của WB với cam kết giảm theo lộ trình phù hợp với khả năng và điều kiện của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy WB xây dựng phương án trả nợ phù hợp nhằm bảo đảm khả năng trả nợ bền vững.
Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Ai-len Charlie Flanagan, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minhhoan nghênh chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ai-len dự kiến vào cuối năm 2016 nhân dịp hai nước kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Phó Thủ tướng đánh giá cao Chiến lược Quốc gia về Hợp tác phát triển với Việt Nam giai đoạn 2011-2015 do Chính phủ Ai-len đưa ra và sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Ai-len trong việc xây dựng và triển khai Chiến lược này trong giai đoạn tiếp theo. Bộ trưởng Ngoại giao Ai-len mong muốn hai nước đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực còn rất nhiều tiềm năng như văn hóa, giáo dục, nông nghiệp, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa Ai-len vào Việt Nam và Đông Nam Á./.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |