Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trả lời báo chí về đối ngoại Việt Nam năm 2019 và định hướng 2020
I. TÌNH HÌNH THẾ GIỚI
1. Đánh giá về tình hình thế giới cũng như khu vực trong năm 2019 và những dự báo về tình hình trong năm 2020?
Để đánh giá tình hình năm 2019 chắc là rất dài; có thể nói rất vắn tắt tổng thể năm 2019 như sau: Bây giờ nhìn lại năm 2019 nổi lên là cái gì? Đó là tình hình kinh tế thế giới đi vào chiều hướng chậm dần, phát triển tăng trưởng chậm dần. Đây là một điều đáng lo ngại của tình hình kinh tế sau 10 năm. Cho đến lúc này, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008–2009, ước đạt 2,9%-3% (theo IMF), tốc độ tăng trưởng kinh tế của thế giới dưới mức dự đoán trên, trong khoảng 2,5% đến hơn 2,5%.
Vậy là do các nguyên nhân gì? Cũng có nhiều đánh giá, một nguyên nhân tình hình kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại là do vấn đề tăng trưởng chậm của các nước phát triển. Nhưng đánh giá tổng thể thì thấy do vấn đề thương mại thế giới chậm lại, cũng tác động đến tăng trưởng kinh tế. Đấy là một yếu tố cũng hết sức đáng chú ý. Thương mại chậm lại là do có những chính sách bảo hộ mậu dịch, có những cạnh tranh về thương mại giữa các nước lớn, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc, rồi cạnh tranh thương mại của các nước khác. Xu hướng bảo hộ mậu dịch như thế này trái ngược với xu thế chúng ta đã nhìn thấy trong các năm trước, đó là tự do hóa thương mại và vấn đề tăng trưởng cho thương mại toàn cầu tăng lên. Đây là tác động có thể nói là tiêu cực đến tình hình.
Vấn đề thứ hai, nhận định chung của chúng ta vẫn nói thế giới khu vực vẫn có chiều hướng chung là hòa bình ổn định, nhận định đó vẫn là đúng. Nhưng những vấn đề bất ổn tăng lên rất nhiều, nhất là ở các khu vực điểm nóng như khu vực Trung Đông. Chúng ta cũng nhận thấy ngay cuối năm 2019 đầu năm 2020 này đã xuất hiện tình hình Trung Đông bất ổn, cùng với những vấn đề trong cả năm 2019, như cuộc chiến chống lại nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, cuộc chiến chống khủng bố, cạnh tranh giữa các nước, đặc biệt là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tác động đến các khu vực, trong đó có khu vực của chúng ta.
Điểm đáng nói là năm 2019 bất ổn nhiều hơn. Trong khu vực của chúng ta rõ ràng là vấn đề Biển Đông. Trong năm 2019, Biển Đông hết sức phức tạp. Việc vi phạm của nhóm tàu khảo sát HD-08 vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam làm cho tình hình rất phức tạp; không những thế lại có cả vi phạm tại những vùng biển của các nước khác trong khu vực biển Đông. Tổng thể nhìn lại một năm 2019, tôi thấy tình hình bất ổn như vậy.
Nhưng một điểm rất tích cực, đó là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang có tác động lan tỏa đến tất cả các nền kinh tế; và các nền kinh tế đang phát triển nhờ nền kinh tế số. Đây cũng là một dấu hiệu cho tăng trưởng, cũng là đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Đây là dấu hiệu tích cực mà các nước cũng đang tranh thủ. Có thể nhìn lại một năm 2019 với những điểm lớn như vậy. Trong một thời gian rất ngắn, chúng ta không thể trao đổi và đánh giá hết được tình hình năm 2019.
Vậy dự báo trong năm 2020 như thế nào?
Chắc chắn năm 2020 sẽ tiếp tục khó khăn, bất ổn; nhất là tình hình kinh tế dự báo chiều hướng tiếp tục khó khăn, trong đó vấn đề thương mại toàn cầu sẽ chịu tác động. Cho dù là có được giải pháp giữa Mỹ và Trung Quốc, giải pháp tạm thời hoặc là những biện pháp, nhưng vẫn còn đâu đó chính sách bảo hộ mậu dịch, những chính sách ảnh hưởng đến vấn đề tự do thương mại. Đó là những vấn đề chúng ta nhìn thấy sẽ tiếp tục trong năm 2020. Tình hình thế giới, khả năng vẫn còn nhiều bất ổn khó lường ở các khu vực chưa giải quyết được vì chưa có các giải pháp căn cơ để giải quyết, nhất là khu vực Trung Đông, khu vực Châu Phi. Đó là những vấn đề mà trong năm 2020 chúng ta chắc chắn là phải đối phó.
II. ĐỐI NGOẠI CỦA VIỆT NAM
2. Về những thành tựu, đối ngoại trong năm 2019. Dấu ấn của chúng ta?
Chúng ta có thể nhìn lại một năm 2019 của chúng ta, cũng rất vui mừng là hoạt động đối ngoại của Đảng và nhà nước hết sức thành công và tích cực. Tích cực trên mấy phương diện là trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới như vậy, bối cảnh cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn cũng như bất ổn tại các khu vực, chúng ta tiếp tục duy trì phát triển quan hệ của Việt Nam với tất cả các nước; đặc biệt là sự phát triển ổn định quan hệ của Việt Nam với các nước lớn, các nước quan trọng, các nước láng giềng trong khu vực. Chúng ta không những làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và còn mở rộng thêm với hai nước là đối tác toàn diện, chiến lược. Chúng ta đã nâng tổng số quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện của Việt Nam lên với 30 nước. Với xu thế đó, chúng ta tiếp tục mở rộng quan hệ thêm với các nước.
Dấu ấn thứ hai đó là việc nâng tầm quan hệ đa phương của Việt Nam. Trong năm 2019 thể hiện rất rõ, thực sự là chúng ta đã triển khai một cách rất bài bản Chỉ thị của Ban Bí thư về nâng tầm đa phương. Việc này được triển khai ngay từ đầu năm 2019, đó là việc tổ chức sự kiện Mỹ-Triều tại Việt Nam. Đây không phải đơn thuần là một sự kiện, mà nó hàm chứa việc Việt Nam đã vượt ra khỏi những vấn đề trực tiếp liên quan đến lợi ích của chúng ta, sẵn sàng đóng góp vào công việc chung, đó là vấn đề đem lại hòa bình, ổn định ở khu vực Bán đảo Triều Tiên. Nếu như Hội nghị giữa Mỹ và Triêu Tiên thành công, ra được kết quả thì trong đó có đóng góp của Việt Nam đối với việc thúc đẩy hòa bình, ổn định, một vấn đề đã làm Bán đảo Triều Tiên có nhiều phức tạp trong mấy chục năm qua. Việc này còn thể hiện một điều Việt Nam đã chủ động tích cực, sẵn sàng tham gia, có thể tạm gọi là vai trò hòa giải. Đây là một nội hàm của Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về việc tăng cường vai trò dẫn dắt và hòa giải. Chúng ta thấy rất rõ việc Việt Nam được bầu và trở thành ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu có thể nói là cao nhất trong lịch sử bỏ phiếu của Liên hợp quốc. Có lẽ đây cũng là sự đánh giá vai trò của Việt Nam, vị thế Việt Nam; các nước nhìn thấy vai trò, vị thế Việt Nam, thấy khả năng và trách nhiệm của Việt Nam có thể làm được. Trong năm 2020, Việt Nam phải đảm nhiệm một lúc hai vai trò là Chủ tịch ASEAN và ủy viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đó là những công việc chúng ta phải triển khai, bên cạnh những hoạt động đối ngoại khác của Đảng và Nhà nước, nhằm tiếp tục nâng cao vai trò, làm sâu sắc thêm quan hệ của Việt Nam với các nước.
3. Về việc Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò kép: Trong năm 2020, khi đảm nhận vai trò kép vừa là Chủ tịch ASEAN 2020 vừa là Ủy viên không thường trực HĐBA, Việt Nam sẽ gặp phải khó khăn, có những thuận lợi gì?
Đương nhiên, nếu không đảm nhiệm hai vai trò này thì chắc chắn chúng ta sẽ nhàn hơn rất nhiều. Nhưng đây là chủ trương của chúng ta.
Với trách nhiệm mới là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đây là một vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm của Việt Nam; đồng thời cũng nâng vai trò của Việt Nam trong việc đóng góp vào các vấn đề lớn trên thế giới, vấn đề toàn cầu. Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Năm 2008-2009, Việt Nam đã là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam cũng đã có đóng góp cho các vấn đề của thế giới, vấn đề toàn cầu, vấn đề hòa bình, an ninh. Nhưng lần này chúng ta vào HĐBA LHQ với trọng trách hết sức nặng nề; bởi vì tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tình hình tại Liên hợp quốc, đặc biệt trong Hội đồng Bảo an, vấn đề lợi ích khác biệt trong Hội đồng Bảo an là rất lớn, có rất nhiều vấn đề.
Chúng ta gia nhập vào một thời điểm hết sức khó khăn, nhưng đó cũng là cơ hội cho Việt Nam thể hiện vai trò, trách nhiệm, đóng góp vào những vấn đề chúng ta có thể đóng góp. Như các bạn thấy, ngay tháng đầu tiên Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, chúng ta đã là Chủ tịch của Hội đồng Bảo an. Với vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, chỉ trong một vài ngày đầu Việt Nam đã được đánh giá cao, thể hiện khả năng, trách nhiệm của chúng ta.
Vừa qua, tôi vừa chủ trì phiên Thảo luận mở của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Một điều rất đáng mừng và không ít ngạc nhiên là chủ đề mà chúng ta đề xuất đã được các nước tham gia với một số lượng cao kỷ lục, không chỉ thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tại phiên Thảo luận mở các nước thành viên của Liên hợp quốc đều có thể tham gia. Có thể nói là sự tham dự cao kỷ lục vì tôi cũng đã xem lại tất cả các cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, số lượng cũng chưa bao giờ đạt mức như tại cuộc họp mở của chúng ta, là 110 nước tham gia. Điều đó cho thấy chủ đề chúng ta đặt ra, đề xuất của Việt Nam là rất phù hợp và đúng thời điểm. Các nước thấy rằng hơn bao giờ hết càng phải nâng cao vai trò, tầm quan trọng của Hiến chương Liên hợp quốc. Điều này không có nghĩa là trước đây không có các cuộc thảo luận. Năm 2015, 2016, 2018, Hội đồng Bảo an cũng đã từng có các cuộc thảo luận về các khía cạnh liên quan đến Hiến chương Liên hợp quốc; nhưng lần này, cuộc thảo luận diễn ra đúng vào thời điểm các nước thấy rằng Hiến chương hiện nay đang bị một số nước có thể là không tôn trọng; việc chúng ta nêu quan điểm là các nước, đặc biệt là các ủy viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phải là những nước đi đầu tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc. Điều này đáp ứng suy nghĩ chung của các nước thành viên khác. Các nước tham gia phát biểu rất tích cực. Điều này cũng cho thấy Việt Nam đã đi vào đúng hướng dòng chảy cũng như lợi ích của các nước, tạo được sự quan tâm của các nước đối với chủ đề của chúng ta.
Chúng ta thường nói là vạn sự khởi đầu nan, mong rằng Việt Nam khi tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ tiếp tục có những đóng góp tích cực. Đồng thời, chúng ta cũng có một vai trò hết sức quan trọng là Chủ tịch ASEAN. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN, chúng ta cũng rất mong muốn chủ đề “gắn kết và chủ động thích ứng” của chúng ta đáp ứng quan tâm chung của các nước ASEAN hiện nay là cần tăng cường đoàn kết trong nội khối, tăng cường kết nối để có thể thích ứng, hay chủ động thích ứng với những biến đổi của tình hình thế giới; đặc biệt trong sự cạnh tranh gay gắt của các nước trong khu vực, những vấn đề kinh tế, thương mại đặt ra.
Chúng ta may mắn, khi cùng lúc vừa là Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 1 và bắt đầu Chủ tịch của ASEAN. Việt Nam đã đề xuất một sáng kiến là tổ chức thông tin về ASEAN với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đây là lần đầu tiên tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức thông tin về ASEAN, nhằm tăng cường quan hệ của ASEAN với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các tổ chức Liên hợp quốc. Đây là lần đầu tiên Việt Nam, Chủ tịch của ASEAN 2020, nêu đề xuất vấn đề này. Lần đầu tiên tại Hội đồng Bảo an có cuộc trao đổi như vậy, cùng một lúc nâng cao vai trò, hình ảnh của ASEAN tại Liên hợp quốc.
4. Bên cạnh việc đảm nhiệm vai trò kép ngoại giao đa phương, các trọng tâm đối ngoại khác trong năm 2020?
Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói, việc đảm nhiệm vai trò kép là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác đối ngoại của Việt Nam trong năm 2020. Đồng thời chúng ta cũng phải tiếp tục chính sách đối ngoại của Việt Nam với các nước; không thể quên nhiệm vụ quan trọng là phải tiếp tục duy trì và tăng cường quan hệ đối tác, quan hệ với những đối tác quan trọng, với các nước, với láng giềng, nhiệm vụ đó không thể quên. Việc đảm nhận nhiệm vụ kép cũng có tác dụng cho chúng ta trong việc giải quyết các vấn đề trong Hội đồng Bảo an hay trong ASEAN, đóng góp vào việc tăng cường quan hệ của Việt Nam với các nước khác trên những lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm lợi ích, điều đó không triệt tiêu nhau. Chúng ta cùng đồng thời làm tất cả trong triển khai chính sách của Việt Nam.
5. Về quan hệ Việt-Mỹ và quan hệ Việt-Trung?
Quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc là quan hệ trong khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện; quan hệ của Việt Nam với Mỹ là trong khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện. Quan hệ của Việt Nam với các nước này đã có khuôn khổ rồi và trong năm 2019 cũng diễn ra như vậy. Chúng ta vẫn tiếp tục duy trì quan hệ của Việt Nam với các nước này thông qua các chuyến thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cấp. Cơ bản Việt Nam duy trì quan hệ ổn định; về kinh tế thương mại thì đây là hai đối tác thương mại lớn của Việt Nam; như tôi đã nói đều là tăng trưởng thương mại trong năm 2019 so với 2018, đều là tăng nhiều phần trăm so với năm 2018. Những con số đó nói lên quan hệ của chúng ta vẫn tiếp tục được duy trì.
6. Về các thành tựu của ngoại giao kinh tế trong năm 2019?
Chúng ta có 3 trụ cột quan trọng trong đối ngoại đó là chính trị - an ninh, kinh tế, ngoại giao văn hóa. Trong năm 2019, nền kinh tế của Việt Nam đạt những thành tựu rất nổi bật, thể hiện qua các con số như đây là lần đầu tiên Việt Nam vượt mức xuất nhập khẩu trên 500 tỷ USD, đạt mức 517 tỷ USD. Đó là sự đóng góp chung của cả nền kinh tế của chúng ta, trong đó có kinh tế đối ngoại trong việc thúc đẩy thực hiện các cam kết trong hiệp định thương mại tự do. Bắt đầu từ đầu năm 2019, sau khi phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Toàn diện và Tiến bộ (CPTPP), từ tháng 1/2019 Việt Nam bắt đầu triển khai thực hiện cam kết trong CPTPP. Việc thực hiện CPTPP đã đóng góp những phần trăm nhất định vào thương mại của Việt Nam.
Vấn đề thứ hai, Việt Nam tiếp tục duy trì được quan hệ với các nước có nền kinh tế mạnh. Chúng ta xuất khẩu lớn và tiếp tục thúc đẩy được thương mại của Việt Nam với Mỹ tiếp tục tăng trưởng, năm 2019 tăng trên 24% so với 2018. Quan hệ thương mại của Việt Nam với Trung Quốc trên 105 tỷ USD, tăng trưởng khoảng trên 8% so với năm 2018. Đấy là kết quả của nền kinh tế chung của Việt Nam, nhưng trong đó cũng có đóng góp của ngoại giao kinh tế nhằm thúc đẩy mở rộng thị trường và khai thác thị trường. Các Đại sứ quán, các nhà ngoại giao của chúng ta cũng tham gia vào việc quảng bá những thương hiệu, mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng nông nghiệp. Và như lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói là có những “đại sứ xoài”, “đại sứ thanh long” v.v... Đó là những đóng góp của ngoại giao kinh tế.
7. Các thành tựu ngoại giao văn hóa trong thời gian vừa qua?
Ngoại giao văn hóa đã thúc đẩy, quảng bá văn hóa ra bên ngoài. Có lẽ nên nhắc lại một sự kiện mà chúng ta đã đưa thế giới đến Việt Nam, đưa Việt Nam ra ngoài bằng việc tổ chức các sự kiện. Đó là sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ- Triều, một điển hình trong việc quảng bá qua Hội nghị. Thông qua Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều chúng ta đã quảng bá Việt Nam, con người Việt Nam ra thế giới rất nhiều. Hàng nghìn phóng viên báo chí đã đến Việt Nam. Các hãng thông tấn lớn trong khi đưa tin về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều, họ đưa cả văn hóa ẩm thực, con người cũng như phong cảnh của Việt Nam ra bên ngoài. Có lẽ chưa bao giờ chúng ta có thể đưa được những hình ảnh văn hóa hay ẩm thực trên những chương trình ti vi lớn của thế giới như vậy. Sau sự kiện đó, rất nhiều người ở nhiều nước đã biết đến phong cảnh, văn hóa Việt Nam, tăng cường du lịch đến Việt Nam. Tất nhiên cũng còn có rất nhiều yếu tố khác, tuy nhiên, đó cũng là một yếu tố quan trọng. Hay là việc chúng ta tiếp tục đưa các di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận. Trong năm 2019, chúng ta đã có 2 di sản được UNESCO công nhận, trong đó có văn hóa Then “Thực hành Then của người Tày Nùng Thái ở Việt Nam” là di sản văn hóa phi vật thể và một số hoạt động quảng bá khác.
8. Công tác bảo hộ công dân, một trong những trụ cột khác trong công tác đối ngoại, khi người Việt Nam đi ra nước ngoài rất nhiều.
Do hội nhập quốc tế người Việt Nam đi ra nước ngoài ngày càng đông và ngày càng nhiều hơn so với trước đây. Mặt tốt là chúng ta có thể học tập, lao động, tìm hiểu các nơi, nhưng đồng thời cũng có vấn đề một số công dân gặp khó khăn, hoặc thậm chí là vi phạm các luật lệ của nước sở tại. Công tác bảo hộ công dân ngày càng tăng cường hơn. Trên thực tế, trong năm 2019, theo con số mà chúng ta có được thì số trường hợp bảo hộ công dân đã tăng mười mấy phần trăm; đã bảo hộ trên 13 nghìn trường hợp. Nhìn lại năm 2019, chúng ta có những vụ bảo hộ công dân chưa từng có trong lịch sử của Việt Nam; như trường hợp xét xử vụ Đoàn Thị Hương tại Malaixia; hay là vụ ngay đầu năm 2019 khách du lịch của chúng ta đi sang Ai Cập bị tai nạn đánh bom phải xử lý; hay là gần đây, gần cuối năm 2019 là vụ 39 công dân Việt Nam đi sang Anh. Đó là những vụ phải xử lý mà chưa từng có trong lịch sử chúng ta. Điều đó nói lên là chúng ta đã làm rất nhiều công tác bảo hộ công dân trong 2019 và trong thời gian tới chắc chắn là sẽ còn nhiều bởi vì xu hướng người Việt Nam, công dân Việt Nam đi ra nước ngoài ngày càng nhiều.
9. Các biện pháp để có thể bảo vệ quyền cũng như lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam trong thời gian tới?
Đương nhiên đây là một chính sách của Đảng, nhà nước chúng ta hết sức quan tâm. Trong nước, chúng ta quan tâm đến người dân nhưng ra nước ngoài chúng ta có trách nhiệm phải bảo hộ được quyền lợi của người dân. Trước tiên, công dân chúng ta ra nước ngoài phải tôn trọng luật pháp bên ngoài, tôn trọng các quy định, luật lệ, làm việc, học tập một cách hợp pháp. Và nếu nhỡ vi phạm thì Nhà nước có trách nhiệm, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm bảo hộ công dân, để công dân của chúng ta được xét xử một cách công bằng và đúng pháp luật, không bị đối xử tàn tệ; khi công dân gặp khó khăn thì hỗ trợ người dân của chúng ta. Đó là những nhiệm vụ của công tác bảo hộ công dân. Chắc chắn khi các bạn ra nước ngoài, tin nhắn đầu tiên không phải của bố mẹ, vợ chồng mà là tin nhắn đầu tiên của Cục Lãnh sự, thông báo thông tin cho các bạn biết là khi gặp khó khăn sẽ liên lạc với số điện thoại nào, địa chỉ sẽ hỗ trợ cho công dân của Việt Nam ra nước ngoài. Bên cạnh đó, một điều chúng ta cũng cần nói là công dân Việt Nam ra nước ngoài cần đảm bảo tôn trọng luật pháp, luật lệ của các nước sở tại.
III. BIỂN ĐÔNG
10. Trong bối cảnh Biển Đông có diễn biến phức tạp, với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ đóng góp như thế nào để duy trì hòa bình?
Liên quan đến Biển Đông, Biển Đông là vấn đề quan tâm chung của tất cả các nước. Biển Đông là đường biển hết sức là quan trọng về thông thương hàng hóa liên quan đến tất cả các nước, không phải chỉ các nước trong khu vực. Đương nhiên đối với các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam thì vấn đề chủ quyền là vấn đề thiêng liêng, chúng ta phải bảo vệ chủ quyền trên biển của Việt Nam; cũng như tất cả các nước cũng đều có nhiệm vụ như thế.
Vấn đề quan trọng là các nước phải tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng Công ước Luật Biển 1982. Đây là điều quan trọng nhất, cũng là việc chúng ta phát huy vai trò. Khi Việt Nam tham gia vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cũng như các tổ chức quốc tế khác, Việt Nam luôn nêu cao vấn đề tăng cường chủ nghĩa đa phương, tức là các cơ chế đa phương, và tôn trọng luật pháp quốc tế. Ở Biển Đông cũng vậy. Nếu các nước tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng Công ước Luật Biển 1982 và giải quyết các vấn đề thông qua biện pháp hòa bình thì sẽ đảm bảo được hòa bình. Nhưng nếu diễn ra các hoạt động vi phạm chủ quyền của các nước, đương nhiên là các nước ASEAN sẽ có một lập trường chung là phải đấu tranh, bảo vệ chủ quyền và yêu cầu phải tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982. Các nước ASEAN hiện nay cũng đang trong quá trình xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử với Trung Quốc, nhằm đảm bảo các mục tiêu và nguyên tắc như vậy.
IV. CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI
11. Lời chúc tết đến kiều bào.
Năm Canh Tý 2020, xin được gửi lời chúc mừng Năm mới đến toàn thể bà con người Việt Nam tại nước ngoài có một cuộc sống hạnh phúc, sức khỏe và đặc biệt là luôn luôn đóng góp với đất nước, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh hơn./.
Back Top page Print Email |